(MTD) Con cảm ơn Mẹ đã gieo cho con niềm tin mỗi mầm non đều biết vươn mình mạnh mẽ…
1.
Trong cuốn sách “Đề tặng thầy cô, lớp học yêu thương”, tác giả ghi lại: “sự thông thái không phải ở trường đại học mà xuất phát từ trường mẫu giáo. Đây là những gì tôi học được. Chia sẻ mọi thứ. Xử sự công bằng. Không làm tổn thương người khác. Dọn dẹp những thứ bạn đã bày ra. Không lấy những thứ không phải là của bạn. Nói lời xin lỗi khi bạn làm tổn thương ai đó. Rửa tay trước khi ăn… Sống một cuộc sống cân bằng. Mỗi ngày học một cái gì đó, nghĩ về một điều gì đó… và làm một công việc gì đó.
Và điều này vẫn mãi mãi đúng, dù cho bạn có bao nhiêu tuổi, đó là khi bạn bước ra thế giới bên ngoài, tốt nhất là nên nắm tay nhau và bám vào nhau”.
Là một cô giáo mầm non ở quê với hơn ba mươi năm bền bỉ sự nghiệp đến ngày về hưu, Mẹ tin tưởng vào sự giáo dục, dưỡng nuôi những hạt giống tính cách, thói quen trong trẻ. Qua đó, để có được thành quả này, mỗi nhóc con được dạy phải tập luyện những nếp sống gì. Chẳng hạn như muốn ngày thứ sáu cuối tuần có phiếu bé ngoan về khoe gia đình, được đủng đỉnh đỏng đảnh lên bảng cắm cờ, từ thứ hai đầu tuần các cháu phải chăm chỉ dậy sớm, không khóc nhè, đi học đúng giờ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ,… Từ mỗi điều giản dị như vậy được thực hiện hàng ngày là nguồn dưỡng chất dồi dào cho các búp măng non trong tiến trình nảy nở thành những cây tre cao ngút, dẻo dai, có ích cho xã hội.
Trong giai đoạn viên mãn của tuổi hoàng hôn, thay vì trồng người, Mẹ trồng cây, ban đầu là những cây cảnh quen thuộc giúp lọc khí trong vườn, trong nhà như cây Đồng Tiền, cây Phú Quý, cây Phát Lộc, cây Đại Phú Gia, cây Trầu Bà, cây Nha Đam,… rồi đến những chậu hoa Hồng, hoa Hồng Tú Cầu, giàn hoa Đậu Biếc, khóm hoa Chiều Tím trước cổng,…
Theo thời gian, với sự chăm nom tận tuỵ mỗi ngày của Mẹ, chúng đón nhận yêu thương đâm nhánh mở rộng thị phần lãnh thổ, ra hoa rực rỡ để làm đẹp, tô điểm và trả ơn cho cuộc đời. Cây cũng như người, để lớn mạnh, sinh sôi phải cần nhiều dưỡng chất, tin yêu từ thế giới bên ngoài qua bàn tay, tâm huyết người vun trồng, cùng với nội lực vận động tự thân bên trong của mỗi sinh linh sống vươn mình qua giông gió.
2.
Những ngày ở trong nhà thường xuyên như một trách nhiệm với bản thân, với gia đình, toàn xã hội và đất nước, Mẹ trở về nghề nông như bao người hiện nay, không chỉ chủ động trồng trọt niềm vui có lương thực – thực phẩm, mà còn gieo hạt mầm hy vọng vào tương lai với sự trở lại bình thường mới.
Dầu cho các loài ốc sên, sâu bọ vì sự sinh tồn bản năng sẽ đánh hơi rất nhanh trước khi người nông dân có thể thu hoạch thành quả của mình, cũng không ngăn cản những nhát cuốc xới đất ươm chồi xanh mong manh. Đó là sự cộng hưởng niềm cố gắng, quyết tâm của đất, của trời, của con người, của sinh vật trong sự chuyển biến không ngừng trong bản năng sinh tồn, sống sót của mọi loài.
Một buổi sáng, tôi ra vườn, nhìn những mầm rau Lang, mầm Bí Đỏ, mầm rau Mồng Tơi, mầm cây Bồ Ngót, mầm cây Sâm Sâm, mầm quả Thơm, mầm lá Bạc Hà… đã nhú lên chồi non hấp thụ quang hợp dưới ánh mặt trời, tôi cảm nhận sự sống căng đầy trong từng tế bào. Niềm biết ơn vô hạn tràn ngập trong tôi. Nhựa sống đang luân chuyển trong thế giới màu nhiệm này.
Nhớ lại, lần viết báo phỏng vấn một chàng trai người Việt sống và học nghiên cứu sinh Nhân học ở Mỹ với đề tài liên quan đến Phật giáo nước nhà nên anh về quê hương để tìm hiểu và thể nghiệm. Có một bài học cho bản thân mà anh rút ra được từ thuyết vô thường của nhà Phật, nếu nhìn theo hướng tiêu cực dễ rơi vào yếm thế, bi quan, nhưng anh lại chọn lăng kính tích cực nên thấy được niềm vui trong sự vận động, biến chuyển không ngừng đó. “Chính vì, mọi sự không bao giờ thường hằng mãi mãi nên khi buồn hay tuyệt vọng, khi rơi vào nghịch cảnh trái ngoe, mình có được niềm tin, rằng ngày mai trời lại sáng, chuyện không vui chỉ là nhất thời mà thôi”, anh san sẻ.
3.
Trong tác phẩm văn học bất hủ “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell có một thông điệp tương tự, chính là “ngày mai là một ngày mới”. Rồi trong triết lý sống qua câu chuyện truyền cảm hứng của người Ba Tư cũng cho thấy một chân lý: “mọi chuyện rồi cũng sẽ qua”. Sẽ qua ở đây không phải là đứng im mặc nhiên điều gì đến điều gì đi mà là một tâm thế “vượt qua” như trong câu chú của Bát Nhã Tâm Kinh: “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha” [đọc âm Việt “Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la Tăng Yết đế, Bồ đề, Tát bà ha”; dịch là “Qua rồi, qua rồi, qua bờ rồi, qua bờ hết rồi, Giác Ngộ rồi, vậy đó!”].
Cứ mỗi lần vượt qua như vậy, ta được thêm sức mạnh, nội lực. Mọi chuyện đang diễn ra chỉ là đề thi Vũ Trụ muốn con người đồng tâm hiệp lực “nắm tay nhau và bám vào nhau” – dĩ nhiên theo nghĩa bóng nhé vì chúng ta đang 5K mà – cùng tìm lời hoá giải. Đó là niềm tin, là hy vọng vươn mình mạnh mẽ trong mỗi mầm sống, với những bài học giản đơn nhưng cần kíp, có gieo ắt có gặt, có cho ắt có nhận, muốn có số phận nào thì rèn thói quen nấy, muốn ăn rau thì mình trồng rau, muốn ngắm hoa hồng thì mình gửi hồng vào đất… Mọi thứ bắt đầu từ giây phút này, bây giờ và ngay đây, khi chúng ta cùng thưởng thức nét đẹp của đoá vô thường!
Trước khi lấy chồng, Mẹ cũng ăn diện xinh đẹp như ai mỗi lần ra đường hay đi dạy học. Nhưng sau khi có tôi, Mẹ phải làm nhiều việc vì chỉ có một mình nuôi dưỡng tôi. Có thời gian, một buổi Mẹ đi dạy trên lớp, còn một buổi ra đồng hốt phân bò. Bạn Mẹ thấy, mới hỏi: “Ủa, Anh là cô giáo mà đi hốt phân bò không ngại hả?”. Mẹ nói: “Tui làm việc chính đáng, lương thiện kiếm sống chớ đâu cướp lấy gì của ai, sao lại phải mắc cỡ?”.
Trong mắt tôi, Mẹ siêu ngầu nhất trên đời. Mẹ mang mầm sống của cây Xương Rồng trong sa mạc, còn tôi là… hoa của cây Xương Rồng đó. Mỗi chúng ta đều là mầm non và hoa của mầm sống trong Mẹ mình, mọi người thấy có đúng không?
ThS Trần Lê Hiếu Hạnh