Theo báo quốc tế History, quy mô khủng khiếp của đại dịch cúm năm 1918, còn gọi là “cúm Tây Ban Nha”, rất khó để nắm được hết. Virus cúm đã lây nhiễm 500 triệu người trên toàn cầu và giết chết ước tính 20 triệu – 50 triệu sinh mạng, nhiều hơn toàn bộ số binh sĩ và thường dân thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Mặc dù đại dịch toàn cầu này kéo dài trong 2 năm, con số tử vong lớn nhất đã dồn vào 3 tháng đỉnh dịch trong mùa Thu năm 1918. Các nhà sử học ngày nay tin rằng, mức độ nghiêm trọng của làn sóng thứ hai trong dịch cúm Tây Ban Nha là do virus đã đột biến lây lan dữ dội qua hoạt động của các đội quân thời chiến.
Khi cúm Tây Ban Nha xuất hiện lần đầu tiên vào đầu tháng 3-1918, nó mang theo mọi dấu hiệu của bệnh cúm mùa, mặc dù là một chủng rất dễ lây lan và độc lực cao. Một trong những trường hợp mắc bệnh được ghi nhận đầu tiên là Albert Gitchell, một đầu bếp của quân đội Mỹ tại căn cứ Funston, bang Kansas. Anh này nhập viện khi sốt 40 độ C. Virus cúm nhanh chóng lan sang các bộ phận khác của căn cứ, nơi có tới 54.000 lính đồn trú. Tới cuối tháng 3 năm đó, 1.100 binh sĩ Mỹ phải nhập viện và 38 người tử vong do viêm phổi.
Số ca lây nhiễm cúm Tây Ban Nha giảm xuống trong mùa Hè năm 1918 và vào tháng 8, mọi người đều hy vọng dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Nhưng đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão. Đâu đó ở Châu Âu, một chủng virus cúm Tây Ban Nha đột biến đã xuất hiện, có khả năng giết chết cả những thanh niên khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.
Cuối tháng 8-1918, những con tàu chiến khởi hành từ cảng Plymouth, Anh, chở theo những binh sĩ không hay biết mình đã nhiễm chủng mới của virus cúm Tây Ban Nha. Khi những con tàu này cập bến tại nhiều thành phố như Brest ở Pháp, Boston – Mỹ, hay Freetown ở Tây Phi, làn sóng thứ hai của đại dịch cúm toàn cầu bắt đầu bùng phát.
“Hoạt động di chuyển nhanh của các binh sĩ trên toàn cầu là nhân tố lây lan dịch bệnh quan trọng”, James Harris, nhà sử học tại Đại học bang Ohio (Mỹ), chuyên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và Thế chiến I, cho biết. Toàn bộ tổ hợp công nghiệp quân sự, gồm rất nhiều con người và trang thiết bị trong những điều kiện đông đúc chắc chắn là yếu tố góp phần lớn khiến đại dịch lây lan rộng.
Từ tháng 9 đến tháng 11-1918, tỉ lệ tử vong do cúm Tây Ban Nha tăng vọt. Riêng tại Mỹ, 195.000 người đã chết vì virus cúm này chỉ trong tháng 10-1918. Và không giống như cúm mùa thông thường, chủ yếu tấn công người già và trẻ em, làn sóng thứ hai của dịch cúm Tây Ban Nha mang “đường cong W”, với con số tử vong cao ở người già, trẻ em và cũng cao ở cả những người khỏe mạnh trong độ tuổi 25-35…
100 năm sau. Năm 2019 đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán – Trung Quốc. Đại dịch đã lây lan khắp 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến 14h ngày 23-8-2021 trên toàn thế giới có 212.606.553 ca nhiễm, tử vong 4.444.792 người, điều trị khỏi bệnh 190.231.500… Việt Nam có 348.059 ca nhiễm, 8.277 ca tử vong và 147.667 điều trị khỏi bệnh
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hiện có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Delta được dự báo là đang trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu và có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn cho người nhiễm bệnh…
FB Nhà báo Giản Thanh Sơn
(theo History và WHO)