(MTD) Bữa hôm có bạn hỏi, bố thí mà có thêm trí tuệ thì lợi ích, phước đức mới tăng trưởng, nhưng con nghĩ khi có người xin thì mình cứ bố thí thôi, không phân biệt gì?
Thực ra, nếu đúng là khi bố thí “không phân biệt” gì thì tự đã có trí tuệ tự nhiên rồi, không phải thêm trí nào vào nữa cả. Vì phân biệt là trí của thế gian, còn không phân biệt mới là trí ba la mật.
Chúng ta thấy nổi lên tranh cãi về bố thí cho ai, dùng tiền như thế nào, cho người đáng cho không, đây không phải trí trong lục độ ba la mật, mà là trí thế gian, theo pháp thế gian mà hành xử.
Xin được nói thêm, lục độ ba la mật (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) là 6 việc toàn hảo của hạnh Bồ tát. Bởi chữ ba la mật còn có nghĩa là “đáo bỉ ngạn” (tới bờ kia) hay độ vô cực (độ không giới hạn ngằn mé).
Ở đó, trí tuệ ba la mật là căn bản của lục độ vì nó thuộc trí Bát nhã (Bát nhã ba la mật). Trong lục độ, nhẫn độ và bố thí độ có mối liên hệ chặt chẽ với ngã chấp, tức chấp cái tôi (thân tôi) và cái của tôi. Do đó, khi hành giả đạt được “nhẫn ba la mật” thì bỏ được chấp thân, tức chấp ngã. Hành giả nào đạt được “bố thí ba la mật” thì bỏ được những cái của tôi, tức ngã sở.
Bởi vậy khi Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đốt thân cúng dường Phật thì cả nhẫn độ (thuộc ngã) và thí độ (thuộc ngã sở) đều trọn vẹn công đức.
Trí bát nhã cũng là trí tuệ ba la mật. Trí ấy nhìn chúng sinh là không phải chúng sinh nên tâm không trụ ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Thấy chúng sinh không phải chúng sinh mới thấy sự siêu việt của Phật tính (nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính).
Ngài Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa nhắc đến thường hay lễ lạy không dám khinh người là vì nhìn thấy tính siêu việt kia của chúng sinh. Biết chúng sinh không phải chúng sinh vì thấy được Phật – Pháp thân. Bởi Phật thân Pháp thân bao trùm hư không, vô biên thế giới.
Bồ tát tinh tấn phát Tâm vô thượng Bồ đề, tức không còn thân này của ta. Vì còn cái thân của ta trú trong lục căn, lục trần thì sao bao trùm được pháp giới chúng sinh, kể cả chúng sinh trong địa ngục. Cho nên tâm vô thượng chính là không có chấp vào người cho. Bồ tát không trụ ở nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí là không có chấp vào vật cho. Và vì thấy hết thảy chúng sinh là phi chúng sinh nên không có chấp vào người nhận.
Trong Kinh Kim Cương, Đức Phật nói với trưởng lão Thiện Hiện rằng: “Bồ tát nếu tâm ở nơi mọi thứ mà làm bố thí thì như một người vào bóng tối, không còn thấy được một thứ gì cả. Bồ tát nếu tâm không ở nơi mọi thứ mà làm bố thí thì như một người đã có mắt sáng lại thêm có ánh mặt trời soi rõ, nên thấy đủ tất cả”.
Như vậy thí độ ba la mật là hạnh giải thoát, nên không có tướng phân biệt, ràng buộc.
Chúng ta thực hành pháp bố thí chính là tạo nhân cho hạnh Bố thí. Từ cái nhân tu tập tinh tấn ấy mà hình thành các quả tương ứng. Không thể để “dành sữa trong bụng bò”, chờ khi dư dả, giàu có mới san sẻ bố thí.
Bố thí theo pháp nhân gian thì được cái phước hữu lậu. Bố thí theo hạnh Bồ tát thì được phước báo vô lậu giải thoát. Đức Phật tuỳ căn cơ chúng sinh mà nói về pháp bố thí. Cũng bởi nhân quả, nghiệp báo, căn cơ chúng sinh không đồng nên pháp nói ra có cao có thấp. Dùng pháp này hủy pháp kia chính là dùng lời Phật mắng lại lời Phật.
Vì thế trong pháp bố thí, ai có lòng cứ theo hạt giống chứa sẵn mà gieo xuống. Đốn hay tiệm, dù theo pháp phương tiện nhanh hay chậm cũng không ngoài cái tướng thế gian thường còn, cũng là Phật – Pháp tánh bao trùm vậy…
Thích Thanh Thắng