(MTD) Hàng ngày tôi vẫn cầu nguyện. Với tôi cầu nguyện như việc nhắc nhủ mình sống từ bi hỷ xả hơn với môi trường sống chung quanh thôi.
Tôi không biết mỗi ngày qủy đói tới cửa xin thức ăn như thế nào, nên khi ăn tôi cầu nguyện cho họ thoát khỏi cảnh đói khát.
Tôi cũng không biết các vị thần đang hộ trì cho bình an xứ sở ra sao, tôi cầu nguyện để các vị ban rải thêm năng lượng cho con người vượt qua tai ách…
Tôi không biết bệnh tật trong người đến từ đâu, nên tôi cầu nguyện nếu bệnh do thân này kết nhiều oán nghiệp thì theo pháp sám hối, chỉ cầu bỏ đi ác duyên tăng thêm thiện duyên, không dám oán hận gì để gây hại thêm cho các tế bào huyết mạch.
Con Coca hay săn bắt rắn, tôi cầu nguyện cho nó giảm bớt tính hiếu sát, mong nó biết nghe kinh…
Nghe bạn bè báo tin bệnh tật, tai ương, bèn gửi lời cầu nguyện… Cầu nguyện như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy. Đôi khi đời tu chỉ đơn giản là các câu chuyện kể trong mỗi ngày của bản thân mà thôi.
Nói chung cầu nguyện là ứng với sự việc hàng ngày mà cầu. Cầu nguyện khác với tìm cầu giải thoát bản thân ra khỏi các bất an… Cầu nguyện là phương tiện phát khởi từ tâm trước các tai nạn, mong mỏi điều tốt lành sẽ đến. Còn tìm cầu đạo lý giải thoát sinh tử là tự bản thân phải cố gắng, tinh tấn, trải nghiệm, văn như tư, tư như tu…
Cầu nguyện, gia trì là “linh hồn” của tôn giáo. Nhưng nếu tôi cứ hàng ngày xả rác thải, độc chất ra sông suối, phun thuốc trừ sâu lên rau trái mà tôi cầu nguyện cho môi trường trong lành, thử hỏi có được không?
Việc làm hàng ngày của tôi sai với sự gia trì bảo hộ của các vị thần linh, tôi cầu nguyện thần linh trợ giúp có được hay không?
Cho nên thật khó để cầu nguyện cho các sai lầm do bản thân con người gây ra. Khi này pháp sám hối và tinh tấn tìm cầu học hỏi để ra khỏi trạng thái tiêu cực là hữu ích hơn cả…
Trong kinh Kim Cương, Đức Phật nói với trưởng lão Thiện Hiện: “Trưởng lão Thiện Hiện, Bồ tát thì phải sửa chữa tâm mình bằng tuệ giác này: Bao nhiêu chúng sinh, hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, sinh bằng ẩm thấp, sinh bằng biến hoá, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không tư tưởng, có không tư tưởng, Ta làm cho hết thảy đều nhập vào Niết bàn toàn hảo mà giải thoát cả…”.
Thế thì chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh đến do đâu, hậu họa nào do chính con người tạo ra? Trong tương quan nhân quả trùng điệp ấy làm sao con người tách mình ra khỏi đó mà đổ lỗi được. Không trời Phật nào thay đổi được cái nhân quả mà con người hàng ngày gây tạo. Cho nên tai ương xảy đến là cơ hội cho mỗi người nhận thức sám hối sửa mình, ứng xử tốt hơn với môi trường sống chung quanh.
Chúng sinh bình đẳng, cái nhân tạo ra niết bàn an vui là nhân bất hại, không dùng pháp gì để diệt pháp gì cả. Cầu nguyện theo hướng ấy, tự nó tịnh hoá thân tâm, còn việc sinh tử nhân gian trong căn nghiệp mỗi người không dễ luận bàn ra hết được.
Thích Thanh Thắng