(MTD) Tại sao hôm nay tôi đi xuống vườn không đi theo hướng bên phải mà theo hướng bên trái. Tại sao đang đi theo lối bên trái nghe tiếng chim kêu ríu rít tôi lại băng ngang vườn đi về phía ấy.
Mỗi bước chân đi là một pháp đang xảy ra cùng với suy nghĩ. Mỗi suy nghĩ cắt ngang lại kéo theo một hành động khác, không như dự tính ban đầu. Nhiều khi cái chuẩn bị trước không làm, cái không chuẩn bị làm lại làm. Đó cũng gọi là vì cái này sinh thì cái kia sinh. Cho nên pháp gì xảy ra, tâm viên ý mã thế nào, cũng cứ nơi tâm ấy theo đó mà quán chiếu là được.
Nếu mỗi sáng ra vườn chỉ đi để nghe tiếng chim hót thì thơ mộng quá. Nhưng cái thơ mộng thường không thể nắm bắt, nếu nó không phải pháp đang xảy ra hoan hỷ trong lòng như khi nghe tiếng chim Ca lăng tần già thuyết pháp trong kinh A Di Đà.
Vạn vật đều là pháp đang thuyết, không phải vậy làm sao ta thấy ra tương quan được.
Những khát khao, mong ước, đợi chờ, nuôi dưỡng ý định…, đủ sức mạnh thì thôi thúc thành hành động, rồi tạm cho ra một kết quả.
Có bao nhiêu ý định, ý tưởng không thành sự thực trở nên hão huyền? Nhưng ngay cả khi cái ý tưởng thành sự thật trong việc làm thì sao. Xét tới cùng cũng là ảo ảnh của ngã chấp và pháp chấp.
Cả “tự” và “tha” đều không có tự tánh, nhưng vì sống trong pháp đang xảy ra nên chúng ta thấy nó có thực. Chỉ khi cái chết đến mới thấy tất cả như phù du mộng ảo.
Nhưng cái chết xảy ra với thân xác vật lý chỉ một lần trong đời, nên không có kinh nghiệm giống như sự thành bại lặp đi lặp lại khác. Vì vậy, để thấy trước viễn cảnh không thực kia thì phải tập thấy vô thường ngắn ngủi chỉ trong một hơi thở.
Khi thấy tất cả pháp không thực thì cái chết mới không thực. Sinh không thật sinh, diệt không thật diệt, biết vậy chính là sống cho cái chết và chết cho cái sống. Sinh diệt tương tục ấy là pháp làm mới sự tạo sinh tạo diệt, là hằng chuyển tinh khôi.
Nếu Phật sinh ra chỉ để cho chúng sinh thấy Phật bằng mắt thường thì Phật đã không nhập Niết bàn. Cho nên Phật mới có Pháp thân. Thấy pháp là thấy Phật. Thấy Phật trong lời nói nhỏ nhẹ ái ngữ, thấy Phật trong khuôn mặt hung dữ. Thấy Phật trong người ngoài miệng có lời nói nhỏ nhẹ ái ngữ nhưng trong tâm thì ác độc nguyền rủa trù ẻo người khác…
Ở bất cứ đâu ta cũng thấy Phật, nếu không phải vậy, thì câu nói “nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” là lừa dối. Ta thấy Phật trong khuôn mặt hung dữ, ta nghe ra Phật trong tiếng nói hung dữ, là vì khuôn mặt ấy, tiếng nói ấy cũng không có tự tánh. Bởi chính nó cũng duyên với các pháp khác mà có.
Tiêu Diện Đại sĩ, hiện thân của Quán Âm Bồ tát nhìn có hung dữ không? Các vị thần Kim Cang, Hộ Pháp nhìn có hung dữ không? Chày Kim Cang đánh qủy nát ra như vi trần nghe có khiếp đảm không?
Các ngài ngồi trên điện thờ nhưng cũng ngự trong lòng ta. Chúng ta đã từng dùng thứ bảo bối rắn chắc gì để đánh phiền muộn, đố kỵ, căm thù, hờn giận, si mê, tham lam trong ta, và đã bao giờ đánh cho nó nát ra không thể tụ hội được nữa không? Đôi khi chúng ta có thừa khao khát nhưng lại thiếu can đảm.
Khoan nói sợ chết, sợ đau thôi đã khiến chúng ta hoảng hốt lắm rồi. Làm sao ta tự đánh ta được, cho nên ngũ độn sử phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi) là cái khó trừ nhất. Đó là những cái mà hễ ông bố trong ta vừa vung roi lên thì bà mẹ trong ta lại ôm chặt cây roi ấy và nói, đó là con tôi đẻ ra mà, đừng đánh nó.
Một ngày nó tham, sân, si không ngăn, trăm kiếp nó tham, sân, si sao cản?
Chúng ta chỉ nuôi lớn nó và ít khi làm đau nó, cho nên chỉ có chày Kim Cang mới đập một nhát ra bụi luôn, chẳng kịp phản ứng, phân biệt gì.
Khó lắm, đập nát ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), phá tan 18 giới (6 căn, 6 cảnh, 6 thức)…, thì cái trí Long Thọ mới hiện ra.
“Cảnh không” là thấy 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không có ngã pháp bất biến. “Nhân không” là thấy mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý theo tương quan mà sinh diệt. “Tuệ không” là thấy 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức như mộng ảo.
Trong kinh Kim Cương có đoạn hỏi đáp: “Trưởng lão Thiện Hiện, trong ý của ông, ông nghĩ thế nào, có thể nhìn thấy Như Lai bằng 32 đặc tướng siêu nhân không?
Không, bạch Đức Thế Tôn, tại sao như vậy, vì các đặc tướng Thế Tôn nói là phi đặc tướng, thế nên Thế Tôn nói là đặc tướng”.
Chúng ta đã đập nát được bao nhiêu cái tôi và cái của tôi rồi?
Chỉ khi nhận được vô tác diệu lực của Đức Quán Thế Âm ban cho sự không sợ hãi mới dám cầm chày Kim Cương đánh vào chính mình, đánh cho chết đi sống lại thì thôi.
Đây chưa nhận được lực vô úy gì cả, cũng đánh thử vào cái ngã của mình rồi, chỉ dám đánh bằng bó lạt mềm thôi, không roi mây roi sắt gì cả, mà đã thấy đau lắm đau lắm rồi…
Mô Phật, do vậy đến nay vẫn cứ như thế mà trôi lăn ạ…
Thích Thanh Thắng