(MTD) Một trong những trách nhiệm cao nhất của giáo dục con người không phải là giáo dục kiến thức, giáo dục nghề, giáo dục kỹ năng, mà là giáo dục cảm xúc. Trong đó, tôi tự nhận thấy văn học có một chức năng vô cùng quan trọng trong việc giáo dục cảm xúc (emotional education) cho người học.
Ngày hôm qua, thầy giáo lớn tuổi nhất khoa tôi đã nói thế này: “Văn học có mặt để an ủi, nâng đỡ và xây dựng con người” khi đón các tân sinh viên. Tôi nghĩ, đó chính là chức năng giáo dục cảm xúc của văn chương.
Một đứa trẻ được học nên yêu thương chúng sinh, chúng sinh bao gồm con người và cả sinh vật. Một đứa trẻ được quyền chọn lựa yêu thương từ gia đình cho đến các loài động vật, cây cỏ chung quanh nó. Nó không nên được dạy chỉ yêu thương loài người, vì như vậy thật là phiến diện và phi tự nhiên. Sau này khi lớn lên, thậm chí nó có quyền “buông bỏ” một con người xấu, không tốt để dành tình thương đó cho một sinh vật khác như con chó, con mèo, con cá,… Đúng vậy, không thể nói trước hết phải yêu thương đồng loại rồi mới đến con vật. Nói như vậy – thêm một lần nữa lại phải viện đến phê bình sinh thái – là chúng ta đang đặt con người ở vị trí trung tâm, các sinh vật khác ở vị trí thứ yếu. Quan niệm này sai rồi, nên đã dẫn đến hàng loạt những hành xử tệ hại và thiên nhiên đang quay lại dạy cho chúng ta những bài học.
Cả nước chống dịch, nhưng vì suy nghĩ của chúng ta lâu nay không được dạy về điều này, nên khi có chuyện xảy ra, chúng ta hành xử theo quy luật con người có quyền tối thượng. Nhưng cuộc sống của chúng ta đâu phải chỉ có dịch bệnh? Rồi đây chúng ta sẽ đối diện với dư luận quốc tế, với các em nhỏ, với người dân thấp cổ bé họng không có sức kháng cự, chúng ta sẽ nói gì? Nếu được giáo dục theo quan điểm xem trọng dân, xem trọng động vật, tôi tin chắc sẽ không có quyết định vội vàng như vừa rồi.
Chúng ta còn nghèo, vậy có nên “học đòi” nuôi thú cưng theo phương Tây không? Ai nói việc nuôi động vật là học theo phương Tây xin hãy xem lại. Có thể xã hội phương Tây họ đưa ra những quy định thượng tôn luật pháp bảo vệ quyền của người nuôi thú cưng và quyền của động vật sớm hơn chúng ta thôi, chứ còn việc nuôi động vật nước nào mà không có. Tấm chả phải nghèo mà vẫn dành cơm nuôi con bống đó sao? Bống là nguồn an ủi Tấm, một cô bé thân cô thế cô không ai thương xót đó thôi!
Câu chuyện vừa rồi sở dĩ dấy lên một làn sóng phản đối, ngoài một số người công kích cá nhân, tôi nghĩ, rất cần thiết vì đã đến lúc chúng ta cần xây dựng luật nuôi/bảo vệ động vật, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một xã hội “cộng sinh” đúng nghĩa, mọi sinh vật trên hành tinh này sống dựa vào nhau, tồn tại trên tinh thần hòa hợp chứ không loại trừ, tiêu diệt. Tại sao lại giết đàn chó? Vì nghĩ đàn chó lây bệnh? Vì ồn ào? Vì không người chăm sóc? Tất cả đều có cách giải quyết nếu chúng ta có luật, nếu chúng ta nghĩ rằng động vật vô tội, và cũng là một sinh vật trên hành tinh này như chúng ta mà thôi.
Dĩ nhiên hành trình đến với việc xây dựng được xã hội như vậy sẽ rất nhiều khó khăn, sẽ có lúc chúng ta rơi vào tình thế lưỡng nan như vừa rồi. Hay ví dụ như nhà nghiên cứu sinh thái nổi tiếng Karen Thornber nói: khi chúng ta xây một công viên sinh thái cho con người, chúng ta đã giết hại bao nhiêu sinh vật và chặt bao nhiêu cái cây mà chúng ta cho là không cần thiết? Nghĩa là chúng ta luôn đặt nặng quyền lợi của con người lên trên, xem cái nào có lợi hơn. Những lúc đó, cái gì sẽ khiến chúng ta suy nghĩ? Chính cái đạo đức môi trường được hình thành từ bé thông qua giáo dục, qua văn học sẽ tác động đến quyết định của chúng ta.
Như vậy, sống trong một xã hội mọi thứ đều có luật đàng hoàng, được giáo dục tốt thì các em sẽ phát triển tốt. Tương lai của một cộng đồng nằm ở đó.
Vì vậy mà tôi kiên trì mong mỏi có một làn sóng thúc đẩy việc đối xử văn minh với động vật, và tôi biết nhiều người cùng làm với mình.
TS Trần Lê Hoa Tranh
(Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)