(MTD) Xơ vữa là chủ đề không mới, nhưng để tới con đường phải can thiệp mạch máu và hứng chịu những biến chứng từ huyết khối, thì gần như câu chuyện đã đến hồi bế tắc, bởi nong mạch chỗ này thì chỗ kia cũng tắc …
Xơ vữa không phải là bệnh khu trú tại một mạch máu nhất định, mà đây là một bệnh toàn thân. Nếu xơ vữa đã xuất hiện ở mạch cảnh thì hiển nhiên cũng sẽ có ở mạch vành, mạch não, mạch thận, mạch mạc treo, mạch chi dưới… chỉ là nơi nào sẽ “xì” ra trước mà thôi. Theo lẽ đương nhiên nơi nào đòi hỏi nhu cầu chuyển hoá lớn như tim thì chỗ đó sẽ biểu hiện lâm sàng nhiều nhất, nhưng không có nghĩa là chỗ khác không có…
Xơ vữa là bệnh miễn dịch mạn tính (viêm mạn tính). Viêm không phải chỉ do nhiễm trùng gây ra. Tất cả những yếu tố nào nằm trong danh sách PAMPs và DAMPs đều dẫn đến viêm cấp và mạn. Không hiểu được PAMPs và DAMPs thì xem như chưa hiểu gì về viêm.
Thường PAMPs đến từ bên ngoài như tác nhân virus, độc tố vi khuẩn, độc chất… Mặc khác, DAMPs đến từ bên trong cơ thể như từ các tế bào miễn dịch hoặc các tế bào bình thường bị tổn thương (cơ trơn, nội mô, biểu mô …).
Trong xơ vữa, DAMPs sinh ra từ các tế bào bọt (đại thực bào ngậm quá nhiều cholesterol bất thường) từ đó gây hoại tử lớp intima, hủy hoại các sợi đàn hồi của các động mạch lớn (động mạch chủ và các nhánh của nó), lôi kéo cơ trơn từ lớp media di cư vào intima và hoá ứng động lympho từ máu vào intima, dẫn đến khuếch đại đáp ứng viêm.
Trong xơ vữa có đồng thời 2 quá trình: viêm và sửa viêm. Khởi đầu của viêm là dư thừa LDL cholesterol và ngấm lipid của tế bào bọt. Khởi đầu của sửa viêm là HDL cholesterol rút lipid dư thừa về gan và bài tiết các chất giảm viêm (protectin, resolvin, annexin, lipoxin …). Cái gì làm tăng tiết các chất giảm viêm này từ các mô trong cơ thể, nếu không phải là các chất chống oxy hoá, omega 3-6-9 …
Mọi thứ dưới góc nhìn y sinh phân tử đều sáng tỏ. Vậy, đâu là sự điều trị bệnh tốt nhất? Đó chính là sự phòng bệnh, bằng cách thay đổi lối sống, một cội nguồn gốc rễ cần được bắt đầu từ nhiều chục năm, trước khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng trên lâm sàng.
Y khoa hơn nhau không phải ở chuyện ai thuộc lòng “guideline” điều trị bệnh ở giai đoạn mất bù nhiều hơn, mà chính là ở câu chuyện ai tiên lượng được tốt hơn cho bệnh nhân, nhìn – sờ – gõ – nghe người bệnh ngay khi họ còn khoẻ và có thể “bói” ra được họ sẽ thay đổi thế nào ở nhiều năm tiếp theo…
ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)