Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bảo vệ trẻ khỏi lạm dụng tình dục: cha mẹ nên làm gì

(MTD) Để giúp phụ huynh có sự hiểu biết sâu sắc, có thể bảo vệ con em mình khỏi bị lạm dụng tình dục – vấn nạn vẫn thường xảy ra ở các quốc gia, gần đây tác giả Caroline Bologna, tờ HuffPost đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia giáo dục giới tính về cách truyền thông cho trẻ về lạm dụng tình dục cũng như cách nhận diện, phản hồi lại các tình huống liên quan.

Lạm dụng tình dục trẻ em là đề tài “gây sợ hãi” nhưng lại là chủ đề quan trọng cần được truyền thông cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau. May thay, có nhiều cách hữu ích cho cha mẹ tham khảo và áp dụng để khuyến khích trẻ chia sẻ khi “giới hạn an toàn của trẻ” bị xâm phạm.

1 – Bắt đầu từ việc giúp trẻ nhận thức về “sự tự nguyện thân thể “ và “sự riêng tư thân thể”

Phụ huynh có thể xây dựng nền tảng bảo vệ con em mình khỏi lạm dụng tình dục ngay khi trẻ còn nhỏ. Nên sử dụng các thuật từ phù hợp để gọi tên cơ quan sinh dục, giúp trẻ mạnh dạn giao tiếp rõ ràng về bản thân và cơ thể của trẻ.

Bằng cách này, phụ huynh tạo ra một không gian văn hóa cởi mở ngay tại nhà để trẻ nói về cơ thể mình. Tiếp đó, khi trẻ vào tuổi tới trường cha mẹ có thể giúp con hiểu “các giới hạn cơ thể” và sự đồng thuận của trẻ bằng cách lắng nghe phản hồi “không” hay “hãy dừng lại” của trẻ; điều này còn giúp trẻ hiểu và tôn trọng “các giới hạn cơ thể” của người khác.

Những cuộc đối thoại cùng trẻ xoay quanh vấn đề lạm dụng tình dục không nên là một sự lạm dụng cụ thể nào đó. Phụ huynh nên trò chuyện với trẻ về các bộ phận cơ thể, giúp trẻ hiểu thế nào là tự nguyện thân thể, sự riêng tư về thân thể, môi trường riêng tư, cách nói “không” và sự khác biệt giữa bí mật và điều ngạc nhiên.

Sự tự nguyện thân thể là nhận thức rằng mỗi người là người chủ của cơ thể mình và có quyền quyết định điều họ muốn làm với cơ thể mình, miễn là không sử dụng cơ thể mình để làm tổn hại người khác hoặc làm tổn thương chính mình. Sự riêng tư về thân thể có nghĩa là dạy cho trẻ biết được rằng một số bộ phận trên cơ thể trẻ là riêng tư và người khác không nên nhìn hay sờ chạm vào. Các bác sĩ cũng phải xin phép trước khi thăm khám các phần riêng tư của trẻ và lúc thăm khám phải có mặt của một người trưởng thành đáng tin cậy khác.

Môi trường cá nhân là dạy cho trẻ các thông lệ xã hội và những kỳ vọng cơ bản trong một số hành vi như: cách thay đồ bơi tại hồ bơi công cộng, cách ứng xử ở nhà vệ sinh công cộng, cách thay quần áo ở trường học,…

2 – Dạy trẻ cách nói “Không”

Trẻ con không phải lúc nào cũng cảm thấy ổn và bình thường khi nói “Không”; đặc biệt là với người lớn vì trẻ “được dạy phải ngoan ngoãn”.

Chúng ta cần dạy trẻ cách thiết lập các giới hạn, ranh giới cho bản thân (cơ thể trẻ) và khuyến khích trẻ làm điều này; thậm chí trong các tình huống khó khăn như từ chối ôm hoặc cho người khác ôm mình ở tiệc sinh nhật chẳng hạn.

3 – Dạy trẻ nói ra cảm xúc của mình

Tập cho trẻ khả năng gọi tên các cảm xúc của mình và nhận diện được các phản hồi cảm xúc của người khác. Điều này giúp trẻ biểu đạt nhu cầu của bản thân, sự đồng cảm với người khác và biết lắng nghe các dấu hiệu của cơ thể mình; đặc biệt với điều gì đó hay với ai đó mà trẻ cảm thấy không thoải mái.

Hãy trò chuyện về những điều mang lại cảm xúc cho trẻ (cả tốt đẹp và không tốt đẹp) hàng ngày. “Con thích khi mẹ ôm con, con thấy ấm áp”; “Con không thích bạn ấy lấy búp bê của con, con thấy rất giận”,… Hãy gợi mở cho trẻ ngôn ngữ mô tả cảm xúc – điều này rất quan trọng để trẻ nhận diện khi cảm thấy không an toàn, sợ hãi hay thấy lo lắng.

Thêm vào đó, cần giúp trẻ thực hành việc xác định các cảm xúc như: sợ hãi, lo lắng, bối rối, buồn và khó chịu. Người lớn không nên phớt lờ hay “cực tiểu” (xem như không) các cảm xúc này của trẻ khi trẻ biểu đạt chúng.

Phụ huynh cũng cần dạy trẻ các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể có liên quan đến cảm xúc như: đổ mồ hôi tay, muốn khóc hay bất thình lình muốn đi tiểu – những điều này rất cần được lắng nghe.

4 – Giải thích cho trẻ hiểu “sự sờ chạm không an toàn”

Các chuyên gia giáo dục giới tính đều cho rằng nên sử dụng các khái niệm “sờ chạm an toàn” và “sờ chạm không an toàn” thay vì “sự sờ chạm tốt và xấu”. Có vẻ dễ dàng để phân loại việc bị sờ chạm quanh các vùng riêng tư là “sờ chạm xấu” nhưng đôi khi các phản hồi sinh lý tự nhiên lại mang đến cảm xúc dễ chịu và con em chúng ta dễ nhầm lẫn điều này.

“Sờ chạm không an toàn” cũng là những tiếp xúc có thể “tốt” trong một số tình huống khác. Một cái ôm là sự sờ chạm tốt nhưng nếu cái ôm xuất phát từ người không nên ôm bạn thì lại trở thành “không an toàn”.

Chúng ta cũng có thể cảm thấy sự sờ chạm đó là “tốt”  nhưng điều đó lại dẫn dắt đến việc thực hiện một số lựa chọn không an toàn. Tốt nhất nên dùng các từ “an toàn” và “không an toàn” và căn cứ vào các đối thoại quanh trẻ để nhận diện các tình huống có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ.

5 – Đừng chỉ tập trung vào ý niệm “người lạ nguy hiểm”

Trẻ thường được dạy về ý niệm “người lạ nguy hiểm”. Trên thực tế, kẻ lạm dụng thường là người mà trẻ quen biết và từng có tiếp xúc với trẻ trước đó; vì thế chúng ta nên nói với trẻ về “người lừa gạt”. Cách tiếp cận này giúp trẻ nhận ra sự “lừa gạt” hay sự khác biệt giữa hành vi không an toàn và hành vi đáng tin cậy.

Người đáng tin cậy nói sự thật, tôn trọng sự riêng tư, không yêu cầu trẻ giữ bí mật, nhờ người lớn giúp đỡ (chứ không phải nhờ trẻ con), cho trẻ cảm giác an toàn (không đe dọa, gây sợ hãi), tuân thủ các quy định của gia đình, yêu cầu trẻ xin phép bố mẹ khi làm điều gì đó – các chuyên gia nêu rõ. Những người lừa gạt không làm những điều này hoặc làm những điều trái ngược.

6 – Nhấn mạnh với trẻ: “Con có thể tìm đến ba mẹ bất cứ lúc nào”

Điều quan trọng với cha mẹ là dạy con: “Con có thể tìm đến cha mẹ bất kỳ lúc nào”, “Cánh cửa trò chuyện của con và cha mẹ luôn mở”. Trẻ sẽ đi xuyên qua “cánh cửa” đó và trò chuyện với bạn; cánh cửa đó lúc nào cũng rộng mở. Phụ huynh có thể tạo ra môi trường tinh thần ổn định, luôn chào đón các câu hỏi và đối thoại với con về tình dục và các mối quan hệ xã hội.

Trong nhiều tình huống, hành động có sức mạnh và ý nghĩa hơn lời nói. Câu nói “Con có thể nói với mẹ bất kỳ điều gì” sẽ mất đi ý nghĩa nếu phụ huynh phản hồi các câu hỏi chân thật của trẻ hay thông tin chia sẻ từ trẻ bằng hình phạt, bằng phản ứng bạo lực, cảm xúc bất ổn hay phớt lờ trẻ. Phụ huynh nên chú ý các phản hồi bằng lời hay phi ngôn ngữ của mình thậm chí khi đối thoại khó khăn. Trẻ có thể bắt đầu cảm thấy khó chịu trong việc chia sẻ thông tin vì sợ hãi với các phản ứng của người lớn.

Nếu trẻ tiết lộ bị lạm dụng thì điều quan trọng cha mẹ cần ghi nhớ là: Hãy xem trẻ là trung tâm của cuộc đối thoại chứ không phải kẻ lạm dụng hay phản ứng của mình về điều trẻ tiết lộ. Điều này rất khó làm nhưng vô cùng quan trọng vì phản ứng với điều trẻ tiết lộ bằng sự tức giận, khó chịu, xấu hổ hay không chấp nhận sẽ làm tổn hại niềm tin của trẻ, trẻ sẽ không chịu trò chuyện thêm – “làm cho một đứa trẻ bị tổn thương càng tổn thương hơn”.

7 – Giúp trẻ xác định ai là “người đáng tin cậy”

Khi trẻ lớn lên, phụ huynh nên giúp trẻ xác định “người đáng tin cậy” trong cuộc sống của trẻ – đó có thể là các thành viên gia đình, thầy cô và người tư vấn ở trường.

Thay vì tự “dán nhãn”, tự xác định thay trẻ “người đáng tin cậy”, phụ huynh nên hỏi trẻ: “Con cảm thấy tin tưởng ai khi con cần được giúp đỡ?” hay “Ai con cảm thấy thoải mái trò chuyện khi con bị tổn thương và cần giúp đỡ?”,…

Trẻ nên có nhiều hơn một người đáng tin cậy. Đôi khi kẻ lạm dụng trẻ lại là người trẻ tin tưởng; vì thế sẽ có lợi cho trẻ khi trẻ có nhiều người để hướng đến khi cần.

Xác định được nhiều người đáng tin cậy với trẻ cũng giúp làm nhẹ đi những khó khăn mà phụ huynh đang đối diện. Tạo điều kiện để trẻ có thể chân thật kể về điều đã (đang) trải qua mà không bị phạt, cha mẹ cũng cần chân thành với con. Điều đó cũng có nghĩa là cha mẹ cần “nhẹ nhàng chấp nhận trẻ” khi trẻ cảm thấy bị tổn thương, khi phạm lỗi, khi không biết điều gì đó và khi cần tìm kiếm sự giúp đỡ khác.

8 – Nói rõ cho trẻ biết “Đó không phải lỗi của con”

Trẻ cần biết mình không phải chịu trách nhiệm về người lớn quanh mình, kể cả cha mẹ mình. Vì trẻ lệ thuộc vào cha mẹ ở nhiều mức độ khác nhau nên có thể cảm thấy mình có trách nhiệm với các cảm xúc và hành vi của người lớn quanh mình; đặc biệt là người có vị thế, quyền lực và người trẻ quan tâm nhiều. Thật không may, hầu hết các vụ lạm dụng đều xảy ra trong các mối quan hệ gần gũi và với người “có quyền lực với trẻ”.

Hãy nói với trẻ rằng: “Cảm xúc của mẹ là vấn đề của mẹ. Con không cần phải điều chỉnh chúng, đây không phải trách nhiệm của con”. Phụ huynh có thể xây dựng các thông điệp này khi trẻ trưởng thành bằng cách nói về các mối quan hệ lành mạnh, kỳ vọng của gia đình đối với hành vi của trẻ trong chuyện tình cảm.

Điều không kém phần quan trọng là cho trẻ biết không phải lỗi của trẻ khi trẻ bị sờ chạm không an toàn và cũng cần nói chuyện với trẻ việc tôn trọng “các giới hạn an toàn” và đồng thuận của người khác.

9 – Để ý các biểu hiện bất thường của trẻ

Phụ huynh biết rõ đâu là hành vi điển hình (thường ngày) của trẻ nên có thể dựa vào những thay đổi của trẻ để nắm bắt bất ổn ở trẻ.

Một số thay đổi mang tính cảnh báo cần lưu ý như: trẻ có sự thể hiện kiến thức hay hành vi tình dục không phù hợp với độ tuổi, đái dầm, đột ngột từ chối thay quần áo hay thình lình lo sợ ở một mình, xa lánh người chăm sóc và sự sợ hãi càng lúc càng gia tăng.

Một số dấu hiệu khi trẻ bị lạm dụng tình dục về mặt thể chất có thể là các vết bầm không rõ nguyên nhân, chảy máu hay khó chịu ở vùng kín của trẻ; về mặt hành vi thì trẻ hay nói về các hành vi tình dục, bất ngờ e ngại hay sợ sệt khi không có quần áo trên người; về mặt cảm xúc là không ngừng lo lắng, thấy ác mộng hay sợ ở một mình.

Khi lớn hơn, trẻ sẽ có nhiều mối quan hệ vượt ngoài “sự chứng kiến” của cha mẹ. Cha mẹ nên dành thời gian mỗi ngày để tiếp xúc với trẻ, duy trì sự kết nối của mình với trải nghiệm và cảm xúc của trẻ, làm tăng cơ hội trẻ chia sẻ khi có bất ổn.

10 – Biết làm gì khi điều không may xảy ra

Nếu trẻ kể cho cha mẹ nghe về sự sờ chạm không an toàn, điều vô cùng quan trọng là nói với trẻ rằng: bạn tin tưởng điều trẻ đang kể, rằng trẻ đã làm đúng khi kể cho bạn nghe chuyện này, rằng trẻ không sao cả và sự cố này không phải lỗi của trẻ.

Hãy phản hồi bằng tình thương, sự rộng lượng và thái độ chấp nhận. Trẻ thường cảm giác rằng chính mình gây ra sự lạm dụng đó, kẻ xâm hại có khi quy trách nhiệm cho trẻ. Hãy tái khẳng định với trẻ rằng trẻ không có lỗi, rằng trẻ được yêu thương và được an toàn.

Sự giao tiếp chân thành rất quan trọng, giúp duy trì niềm tin và sự cởi mở sau khi trẻ thổ lộ bị lạm dụng; có nghĩa là để trẻ biết rằng “Con cần chia sẻ chuyện này cho người lớn biết để người lớn bảo vệ con”.

Lắng nghe tuyệt đối, không phán xét, không phản ứng cực đoan sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái nói ra mọi chuyện.

Trần Trọng Hiếu

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!