(MTD) Cái cảm giác được dang hai tay chạm vào những bông lúa chín vàng nặng trĩu, rồi vừa đi vừa ngoái lại nhìn chúng đong đưa trên những bờ ruộng dài vẫn còn in đậm trong ký ức.
Khi lúa mới vừa trổ bông, chưa hình thành hạt chắc, dù chỉ hạt lép nhưng nhìn rất đẹp, rất thơm. Từ bông lúa đến thân lúa, lá lúa đều thơm. Mùi hương đặc trưng không thể nhầm lẫn vào những hương thơm khác. Hấp thụ khí trời, trải qua những ngày nắng, đêm sương, những hạt lúa vàng ươm đầy đặng dần dần. Cả cánh đồng càng thêm bát ngát.
Cứ mỗi khi vào vụ gặt, bà con trong xóm tôi thường mần dạng mượn công, chứ hổng tiền bạc chi. Hễ hôm nay tôi gặt lúa nhà chị, khi lúa chị chín vàng thì tôi sang trả công. Nếu ngày trả công có việc đột xuất, hay ốm đau thì phải tìm người thay thế. Nhà nhà đều là dân làm nông, vì vậy mà những chị gái, anh trai xóm tôi, ai cũng giỏi từ việc gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa, phát rạ, tác nước, rải phân, đến cả be bờ, cày đất từ độ tuổi còn rất trẻ. Người nhà quê thường là phải thông thạo tất cả việc nhà nông. Nhưng tôi thì không may mắn được trải nghiệm những công việc đó như anh chị của mình. Bạn bè nghe kể thì bảo tôi sướng, nhưng tôi lại cho đó là kém may mắn vì không được làm đồng một lần để biết nỗi vất vả mà ông bà, cha mẹ đã một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Nhà tôi cách trường tiểu học thuở đó rất gần. Theo đường chim bay, từ đầu thửa ruộng của gia đình, nhìn thấy rõ ngôi trường mồn một. Còn nghe được cả tiếng trống trường báo hiệu giờ vào lớp, giờ ra chơi và giờ tan học. Thỉnh thoảng còn nghe cả tiếng học sinh reo hò, nô đùa khi cơn gió thổi xuôi chiều. Thấy được cả dáng bà cụ già, ngồi bán đồ ăn vặt cho học trò ngay trước hành lang lớp, nhìn xa nhỏ như một em bé mới lên bốn nhìn gần.
Hồi đó, ngày nào tôi cũng ra đứng nhìn lên trường và trông cho mau đến tuổi đi học. Mẹ hay trêu rằng, khi nào choàng cánh tay phải chạm vành tai trái là sẽ được đi học. Còn ba thì ghẹo, khi nào biết bơi ba sẽ cho đi học. Bởi đoạn đường đến trường tuy ngắn nhưng phải qua mấy bờ ruộng. Những khúc bờ bị lở, khi nước lớn thì cũng ngang ngực, khi nước ròng thì chảy mạnh. Con nít năm sáu tuổi như tôi thì phải cần sự hỗ trợ của ba mẹ, anh chị đưa đến trường. Nhưng cũng phải biết bơi, để đề phòng bất trắc.
Những cây chuối đã thu hoạch buồng, được chặt xuống làm những chiếc tàu. Những trái dừa khô bị điếc nhẹ hều, được cột chặt thành một cặp làm bè cứu tinh, hai chân tha hồ đập đùng trên dòng sông nước đầy trong vắt, suốt một thời gian khá dài, mỗi ngày đều như vậy. Dù lạnh mốp cả mười ngón tay, tím cả môi, run bần bật cũng không chịu lên, mẹ phải cầm roi thì mới chịu nghe lời. Đó chắc không phải là quyết tâm, mà là lì lợm thì đúng hơn. Nhưng nhờ như vậy mà tôi nhanh biết bơi, buông cặp dừa khô hoặc cây chuối ra, bơi bủm bủm cũng không còn lo bị chìm. Khi bơi được rồi thì bắt đầu sang tập lặn. Cứ như thế, thay phiên nhau, đứa này lặn thì đứa kia đứng canh chừng, phòng khi gặp rủi ro thì kịp thời cứu hộ.
Ngày năm tháng chín năm ấy là ngày tựu trường, là ngày đặc biệt nhất trong thời học sinh của tôi. Từ sáng sớm, tôi đã dậy và giục mẹ giúp thay đồ mới, giúp mang giày mới, đánh hai bím tóc cho tôi, xong ôm cặp đứng sẵn trước cửa nhà, đợi ba cõng đến trường. Trong lòng rộn rã niềm vui, tôi như một công chúa nhỏ bé ngoan ngoãn trên lưng ba, má phải áp vào lưng ba và mắt nhìn cánh đồng lúa xanh rì như đang chạy theo từng nhịp bước chân ba. Vừa tới cửa lớp, cô giáo chủ nhiệm bước ra nhận học trò, ba bảo tôi khoanh tay chào cô và nói tên họ của mình. Rồi cô dắt tay tôi vào lớp, bảo bạn kia xích vô để tôi ngồi đầu bàn. Tôi nhớ rất rõ cái tâm trạng vui sướng của ngày đầu tiên đi học đó.
Trường tôi nghèo lắm, vách đã cũ, mái lợp bằng lá đã nhiều năm chưa thay. Tấm bảng cũng lem nhem cũ rích. Những dãy ghế cũng không chắc chắn cho lắm, nhiều chiếc đã lỏng đinh, xiu quẹo. Bởi nó đã qua mấy khoá học rồi, nên cũng gần bằng tuổi tôi lúc đó, chứ hổng ít đâu. Nhưng đó là ngôi trường mà tôi yêu quý nhất và nhiều kỷ niệm nhất trong đời. Suốt thời cấp một, mỗi ngày đều đến trường giữa bầu trời cao đầy rộp nắng vàng. Hai bên bờ ruộng là những thửa lúa xanh um. Tôi tung tăng trên lối mòn giữa ruộng lúa cao tới cổ. Nếu đứng nhìn từ xa, chỉ thấy mỗi cái chóp đầu đội chiếc nón bo nhỏ vành của một đứa con nít thấp đé, nhỏ xíu di chuyển giữa cánh đồng. Thích nhất là vào mùa lúa trổ bông, tôi thường giở nón xuống, đi đầu trần, để những bông lúa xinh xắn va vào má, rồi kê mũi vào ngửi, thỉnh thoảng còn lí lắc tuốt vài hạt, rồi cắn từng hạt lúa non thơm lừng, cảm nhận vị ngọt của lúa giữa những cơn gió đồng vi vu, lồng lộng.
Rồi khi vào vụ gặt, cả gia đình tôi cùng những người họ hàng bên nội, có cả bà nữa. Người thoăn thoắt cắt lúa, người nhanh nhẹn gom người lanh lẹ bó, người nhanh chóng vác người hồ hởi đội, người hát người kể chuyện rôm rả. Thời gian sau, ba tôi quyết đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Hơn một năm mới xong, những thửa ruộng thành những khu vườn cây xanh ngay ngắn thẳng hàng. Tôi buồn bã trong lòng, vì kể từ đó tôi không còn được nhìn cánh đồng lúa xinh tươi, không được hít mùi hương lúa thân thương nữa.
Cách đây bốn năm, trong một dịp về thăm quê hương, tôi hứa với lòng sẽ tranh thủ đi thăm làng quê. Vào một buổi sáng ngày đông, khi vệt nắng còn chưa đủ ấm, tôi lặng lẽ tản bộ một mình, định bụng sẽ lên ngắm ngôi trường xưa. Như một thói quen hồi nhỏ mỗi khi được mẹ dẫn đi đâu, tôi hết nhìn mảnh vườn bên này lại đưa mắt xem mảnh vườn bên kia. Hết gật đầu chào người này, lại đáp lời câu hỏi người kia. Gần đến nơi định đến, lòng bỗng thấy bồi hồi, chợt khoé mắt cay cay, nước mắt lưng tròng như thể có bụi bay vào, chạnh lòng tôi đứng im…, mái trường thân yêu đó đã không còn nữa tự khi nào!
Trong tôi lúc ấy, cảnh cô chủ nhiệm bị sốt nằm dài trên ghế mê man, cảnh tôi cùng nhỏ bạn vừa khóc vừa nắm tay nhau run rẩy chạy tìm người giúp, cảnh xếp hàng vào lớp, cảnh lãnh thưởng cuối năm học, cảnh bế giảng, cảnh tựu trường, cảnh né nhau trên bờ ruộng nhỏ chỉ vừa một người bước làm tôi bị lọt xuống ruộng khi người đi ngược chiều không ý tứ, khiến tôi khóc nức nở vì mình mẩy lấm lem, cặp bị dính bùn sìn, cảnh chia tay vào ngày cuối cấp đua nhau ùa về. Một thoáng buồn, tôi đã rơi nước mắt!
Cả làng quê xưa bây giờ cũng đã thay đổi hết. Không còn những ngôi nhà mái lá, vách tre, nền đất, cột cây, đèn dầu. Mà là những ngôi nhà tường, nền gạch, đèn điện, mái tôn, mái đúc khang trang, sang trọng. Là những khu vườn mặt tiền đường cái giá trị đắt đỏ, là những con lộ nhựa lớn xe hơi vào tận nhà. Tôi nhớ làm sao cuộc sống miền quê ngày xưa ấy, nhớ cảnh thanh bình trước nhà có dòng sông yên ả, nhớ mái trường làng ngày xa xưa đó lắm. Nhớ rất nhiều cánh đồng lúa non và cả khi lúa chín. Và một mùi nhớ mà kẻ xa quê luôn ấp ủ, luôn khát khao được ôm vào lòng, đó là tiếng ru con ngủ của mẹ, tiếng dạy con học của ba và hương lúa thân thương giữa bầu trời thanh bình đầy gió lộng.
Sri Lanka ngày 13-1-2022
Thích nữ Diệu Hoa
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát