(MTD) “Con khi mô về Tết rứa thằng Út”. Đó là câu hỏi mà ba mạ thường hỏi tôi mỗi khi gọi điện thoại về trong những dịp cận Tết. Tết lại càng đến gần, tôi lại càng đếm từng ngày. Ba mạ trông tôi lắm. Mạ nói mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ chờ thằng Út mạ về thì coi như cả nhà niềm vui trọn vẹn.
Mạ luôn không quên nhắc: “Út ơi, năm nay mạ làm mứt gừng nhiều lắm – món con vẫn thích mỗi dịp Tết đến xuân về”. Điều lạ thay tôi vẫn thích mạ làm món này, tay nghề mạ có lẽ không ai qua được ở cái xóm mình.
Nhận công tác tại một mảnh đất chỉ nghe sách báo và những lời kể của những đứa bạn từ thời đại học. Mảnh đất người ta vẫn ví là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên, cảm xúc khó tả xen lẫn với những buồn vui, đôi khi là sự trống trải nhớ nhà đến lạ lùng, cảm giác này tôi chưa từng trải qua bao giờ.
Khi đến vùng đất mới, hành trang vẫn là những hoài niệm về quê hương, xóm làng và những người thân và điều đặc biệt vẫn là mùi những món mà mạ làm ngày Tết. Cảm xúc cứ thôi thúc thời gian trôi nhanh để tôi được về đoàn tụ với gia đình. Mạ nói trong những món quê hương của mình thì mứt gừng vẫn là món không thể thiếu trong dịp Tết, mạ thường nói đùa với mấy anh em tôi: “Trời lạnh như ri mà có dĩa mứt gừng và một ấm trà nóng thì là nhất hạng đó bây”. Vào những ngày đầu của tháng Chạp, ở xóm nhỏ của tôi, mạ tôi và những người phụ nữ trong xóm đang tất bật chuẩn bị những nguyên liệu đầu tiên để cho ra lò những mẻ mứt gừng với mùi thơm lừng từ những căn bếp cũ kĩ theo gió bay khắp vùng. Mạ nói, dù là mẻ gừng đầu tiên hay cuối cùng mạ đều ưng ý và đẹp nhất, có lẽ do tay nghề mạ được bà ngoại ngày xưa bày vẽ nên giờ đã thuần thục.
Mạ kể rằng, mứt gừng vùng mình ngon nhất. Nên gừng ở vùng tôi có mùi thơm mạnh, vị cay nồng, không đắng chát và nhạt như những vùng khác. Tôi chợt nghĩ chỉ có đất vùng này là đất đồi pha sỏi nên rất thích hợp cho sự phát triển của cây gừng nên khắp tỉnh chỉ có gừng vùng tôi là thượng hạng, khác lạ so với gừng vùng khác khắp tỉnh. Cứ mỗi lần cho ra một mẻ gừng ưng ý thì các công đoạn cần phải tỉ mĩ và chỉnh chu.
Để món mứt gừng được ngon, cần chọn những củ gừng bánh tẻ, không quá non, cũng không quá già. Nếu gừng quá non mứt sẽ không có độ săn, còn gừng già thì nhiều xơ, vị cay nồng làm món mứt kém hấp dẫn. Gừng rửa sơ, ngâm trong nước khoảng 20 phút rồi rửa sạch lại. Sau đó, dùng dao cạo lớp vỏ gừng, cắt thành từng lát mỏng rồi cho vào ngâm trong thau nước muối loãng khoảng hai tiếng thì vớt ra.
Gừng phải luộc thật kỹ tầm 5 -10 phút rồi chắt bỏ nước luộc cũ và cho thêm nước mới vào nồi đun sôi cho bớt cay. Mạ nói bí quyết để gừng trắng hơn sau khi thành phẩm là khi nước sôi nên vắt nước hai quả chanh vào và luộc với nước sôi khoảng 5 phút thì vớt ra, xả gừng với nước lạnh khoảng 4 – 5 lần. Xả kỹ thì giúp miếng gừng trắng hơn khi thành phẩm.
Thật ra làm mứt gừng không khó chỉ cần cho lượng đường vừa phải vào gừng trộn đều rồi ướp khoảng 6 – 8 tiếng để gừng thấm gia vị sau đó bắc chảo lên bếp, khi chảo nóng thì cho gừng đã ướp vào sên với lửa vừa, đảo đều sang trái rồi sang sang phải để các lát mứt nó không dính chảo và bị khét; cho đến khi nước hơi ráo thì giảm lửa nhỏ, tiếp tục đảo liên tục đến khi thấy gừng khô đều, có lớp đường trắng kết tinh ở ngoài là hoàn tất, mạ tôi đổ ra cái mâm nhôm lót phía dưới là lớp báo đã chuẩn bị sẵn.
Cái cảm giác ngồi đảo mứt gừng cùng mạ bên cạnh căn bếp nhỏ với mùi khói của củi than và chảo gừng sôi lăn tăn, mùi mứt gừng thơm nồng cảm giác ấm áp đến lạ thường. Mạ dặn tôi phải chú ý để lửa vừa cho phù hợp và tay phải đảo mứt gừng nhẹ nhàng, đều tay và liên tục. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời gian làm mứt gừng, những cơn mưa rả rích trên những tàu lá chuối xanh rơi lộp bộp hoà lẫn là mùi đất theo cơn gió vào căn bếp, hoà lẫn với mùi mứt gừng đang sên trên bếp còn dở dang.
Để tạo ra được thành phẩm đẹp thì công đoạn trăn gừng là công đoạn cuối cùng và rất quan trọng để miếng mứt gừng thẳng tinh tươm, bên ngoài phủ lớp đường trắng mỏng óng ánh, đầy phấn gừng. Mạ và tôi, ngồi gỡ những miếng gừng bị cong, xoắn lại vào nhau và có khi chà nhẹ từng miếng gừng lên đám đường vụn trắng dưới tấm báo lót mứt để từng miếng có phủ nhẹ đường. Hai mạ con làm tỉ mĩ, cẩn thận là vậy nhưng trong quan sát của tôi thấy mạ luôn tươi cười và chưa bao giờ than mệt. Những miếng mứt gừng mạ làm bao giờ cũng thẳng thớm và trắng tinh đó là sự đền đáp xứng đáng cho sự cần mẫn của mạ và sự tươm tấp chuẩn bị cho ngày Tết.
Mứt mạ làm cứ mỗi dịp Tết về, con cháu trong gia đình ai cũng tấm tắc khen là mứt ngon nhất vùng này. Mứt má có vị cay nhẹ, vị ngọt thanh và mùi thơm thì khỏi phải nói. Ai đã từng ăn một lần sẽ không bao giờ quên. Không khí lạnh vào những buổi sáng đầu năm mới, ngồi quây quần bên gia đình và người thân bên ấm trà nóng nếu thiếu mứt gừng thì sẽ thiếu đi một phần không khí ngày xuân. Và điều đặc biệt, được thưởng thức những miếng mứt gưng cay cay ngọt nhẹ của mạ làm thì còn gì bằng.
Chỉ mong thời gian trôi nhanh và thật nhanh để tôi về bên mạ, về với gia đình thân yêu và đặc biệt về với món mứt gừng của mạ thơm lừng. Chỉ nghĩ đến thôi, tôi đã cảm nhận khoé mắt mình đã cay và cảm xúc khó tả đến nao lòng. Cảm ơn mạ, cảm ơn mứt gừng – hương vị quê hương làm tôi nôn nao để ngày được đoàn viên.
Nguyễn Văn Nhật Thành
(Giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, H.Triệu Phong, Quảng Trị)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ