(MTD) Những ngày cạn chạp tiết trời lành lạnh, cả gia đình tôi ai cũng nôn nao chuẩn bị về quê ngoại, nơi có mái tranh đơn sơ nhưng ấm áp tình yêu thương nằm bên cạnh dòng sông Ô Lắc đỏ hồng phù sa.
Mùa này mặn về, đêm khỏa tay vào nước sông lấp lánh sao, mùi nhớ có hương của đất, của rơm rạ đồng nội, của khói bếp quyện hương vạn thọ với nhang trầm ươm nên sắc thái bình yên, tôi cảm thấy mình hạnh phúc khi có quê hương để hoài nhớ và trở về…
Ngoại tôi đã lo tảo mộ ông bà từ hai hai tháng chạp nên khi gia đình tôi và các dì về thì mọi người chỉ tập hợp ra viếng mộ, lau bụi, thắp nhang cúng hoa quả. Đây là quê hương ông ngoại tôi, mồ mả của ông bà bên nội của má tôi. Bà ngoại tôi là dân Sài Gòn, ngày thơ ấu của má tôi đi ngược lại với tôi, má tôi cũng được về quê ngoại ăn tết nhưng là ở Sài Gòn. Năm nào cũng vậy, ba má tôi cùng các dì dượng đại diện ông bà ngoại đi tảo mộ dòng họ bên ngoại của má trên Sài Gòn rồi mới về Trà Vinh.
Con đường đất cát với bờ tre già, những cây duối cổ thụ chi chít trái vàng thơm thơm dẫn vào “Lê Gia chi mộ”. Những ngôi mộ được sơn phết, làm cỏ sạch sẽ, hương hoa, nhang khói trang trọng… Năm nào ông ngoại tôi cũng giới thiệu với cả nhà từng ngôi mộ: này là ông bà sơ, ông bà cố, ông bà nội, ông chú, ông bác, bà cô, bà thím… Ngoại giảng giải các mối quan hệ họ hàng để con cháu tường tận về nguồn cội ông bà, tổ tiên. Ngoại nói: “Tảo mộ là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, nhớ công ơn ông bà. Đây còn là nét đẹp trong văn hoá của người Việt, niềm tin của tâm linh”. Với tôi, ngày tảo mộ ông bà là một vị riêng của tết.
Mộ ông bà ở miệt giồng, từ nhà ngoại tôi ở mé sông phải đi qua một quảng đồng mênh mông theo bờ đê cỏ xanh mượt đan xen những bông hoa đồng nội trắng tím, vàng xanh nho nhỏ xinh xinh, xao xuyến một mùi hương, có hoa cỏ may quấn quýt níu chân người cài vào nỗi nhớ… Xa xa có tiếng chuông chùa ngân vút cao giữa tầng không, vượt qua ngọn tre, băng qua cánh đồng, đong đưa nhịp cầu cây, lan toả trên mặt sông yên ả… mang ấm áp đến nhà nhà. Những lọn khói nhẹ nhàng bay bay nồng hương lửa, hương quê… quyện bên mái tranh sạm màu mưa nắng, lẩn khuất vào rặng trâm bầu.
Hôm nay nhà ngoại tát đìa, có mấy người cậu bà con đến giúp. Trời vừa hừng đông, mọi người đã có mặt và chia nhau vào việc rất chuyên nghiệp: cậu Mẫm con ông Hai đào đất, cậu Chương con bà Sáu lội xuống đìa để đặt máy bơm nước. Ba tôi và mấy dượng là dân Sài Gòn, không rành việc nên ở trên bờ hỗ trợ việc linh tinh, tôi cùng mấy đứa em con dì cũng tò mò chạy theo xem. Tiếng máy bơm nổ giòn giã, nước dưới đìa theo ống bơm lao xối xả ra bờ mương đối diện, ông ngoại vác tay lưới kéo cá tới đặt ở bờ đìa ngay sòng bơm để cá không vào vì sẽ bị sòng bơm chém đứt chết.
Má tôi với mấy dì tranh thủ nước đìa chưa cạn, lội xuống nhổ bông súng, những cọng mập mạp dài kèm đoá hoa sắc hồng thắm tươi nở chào, đẹp đến không nỡ ăn! Nước trong đìa được bơm rút cạn, lũ cá chạy tung từ rảnh này sang vũng khác để tìm nơi trú ngụ nhìn rõ từng con trong nước bùn nhưng không dễ bắt đâu nha, má với mấy dì bắt bị vuột hoài. Cậu Mẫm và cậu Chương thì lành nghề lắm, bắt con nào gọn con nấy. Đủ loại cá lớn nhỏ lưng giỏ được chuyển lên bờ bết bùn đen thui, ba tôi cùng mấy dượng rửa sạch bùn để bà ngoại phân loại, mấy con cá lóc to được chọn để nướng trui, cá đối béo múp đầy trứng ngoại chiên xù ăn cùng nước mắm chanh tỏi ớt chua ngọt và nấu canh bông so đũa với bông súng, cá bống cát thì kho tiêu.
Ông ngoại lấy nhánh tre nhỏ vạt nhọn đầu đâm xuyên vào họng đến tận đuôi mấy con cá lóc đã được rửa sạch. Ba tôi xin làm thử nhưng phải nhờ dượng Út tôi phụ giữ con cá giãy đành đạch, cả hai vất vả lắm mới giải quyết xong một con cá lóc trong khi một mình ông ngoại đã xong bốn con. Những nhánh tre được ghim xuống mặt đất, đầu con cá chúi xuống, rơm phủ vòng quanh cá và nổi lửa, ông ngoại thêm mấy lượt rơm, lúa còn sót trong rơm nổ tí tách đỏ hồng thơm thơm hoà quyện cùng mùi cá nướng, đây cũng là mùi tết của tôi.
Buổi cơm rước ông bà thật ngon lành với gà ta luộc, các món cá, rau từ vườn nhà ngoại với bánh tét, dưa hấu cùng thịt kho tàu… tôi bắt gặp nước mắt lưng tròng của má và mấy dì vì xúc động, những kỷ niệm thuở ấu thơ được nhắc nhớ với bao yêu thương.
Theo ngoại và má đi buổi họp chợ quê cuối cùng của năm, chợ nhóm trước ánh bình minh. Đi chợ tết không chỉ là thói quen hay nhu cầu cần thiết mà còn chứa đựng cả tiềm thức và văn hoá. Tôi hít thật sâu cái mùi hoa vạn thọ nơi bến sông, muốn ôm mùa xuân quê ngoại vào lòng, nâng niu nét văn hóa truyền thống tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Với tôi, tết là để trở về, về với ký ức, với kỷ niệm, với người thân, để được đoàn viên, sum vầy… Má tôi mua giúp cô hàng hoa vạn thọ những chục giỏ để cô ấy về nhà lo tết, má vui vẻ chất vào hai đầu gióng, gánh mùa xuân về nhà, những bông hoa vàng đong đưa toả hương ngào ngạt in đậm mùi tết trong tôi.
Nguyễn Lê Ái Ngọc
(ngleaingoc@gmail.com)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát
- Nghe mùi thơm bông lúa chợt nhớ mái trường xưa