Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bài viết tham gia dự án sách “Mùi nhớ”: Nhớ mùi cám lợn đương sôi

(MTD) Chẳng hiểu sao, nhiều khi tôi nhớ mùi cám lợn da diết. Ngay trên bàn ăn hằng ngày, đôi khi những món ăn sang chảnh chẳng làm tôi xiêu lòng, chỉ cần nhớ về mùi cám lợn thôi lại làm tôi rưng rức những hoài niệm.

Quê tôi xưa nghèo lắm. Cả năm chỉ trông vào hai vụ lúa và mấy con lợn. Năm nào mất mùa, người đói ăn, lợn đói cám, ai nấy cũng rầu rĩ. Đôi lợn trong chuồng là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình, ngày ấy tôi nhớ còn có cả vụ trộm lợn. Đến giờ, tôi cũng không hiểu tên trộm làm cách nào mà có thể bắt được con lợn vác đi mà không để nó kêu ầm ĩ.

Ngay từ nhỏ, lũ nhóc như chúng tôi đã được bố mẹ dạy cho cách nấu cám lợn, cho lợn ăn, rửa chuồng lợn lúc bố mẹ vắng nhà. Ngày xưa, quê tôi nhiều ao hồ, rau bèo có sẵn tha hồ lội xuống vớt về nấu cám. Tuy nhiên, trời mùa đông giá lạnh, xắn quần lên tới tận bẹn lội xuống ao quả là một thách thức không nhỏ, ấy vậy mà để lợn đủ “cám ăn ba bữa” chúng tôi đều lội xuống hết. Mẹ tôi thường hứa rằng, bao giờ mổ lợn có tiền sẽ mua quần áo mới cho tôi, tiếp thêm cho tôi động lực.

Mùa trồng su hào thì đỡ hơn, mẹ tôi thường lấy lá su hào băm nhỏ nấu cám thay bèo, tuy nhiên lợn không thích ăn lá su hào bằng bèo, sen có lẽ vì lá su hào cứng hơn nên đôi khi vẫn phải “chiều” theo sở thích của chúng.

Ngày xưa, cứ bốn giờ sáng không chỉ mẹ tôi mà hầu hết những người phụ nữ trong làng đều bật dậy như một thói quen để nấu cám lợn. Bếp nhà nào cũng nhen nhóm lửa, lảng bảng khói, bất kể mùa hè hay mùa đông. Bởi nếu không có cám ăn, chỉ khoảng sáu giờ là chúng sẽ kêu inh ỏi, kêu nhiều lại hao thịt nên ai cũng phải dậy từ sớm, mặc cho cơn ngái ngủ đang còn dang dở.

Hồi mẹ tôi chuyển sang nghề đi buôn hoa phải đi từ sáng sớm, mẹ tôi bàn giao lại công việc nấu cám lợn cho tôi. Đang tuổi ăn tuổi lớn, phải dậy lúc 4 giờ thật khó. Tôi thường quằn quại mãi đến 5 giờ mới dậy nổi. Các thứ rau mẹ tôi đã thái sẵn, chỉ cần đổ nước, cho cơm thừa vào rồi đun lên, còn cám khi nào sôi mới cho vào, nếu cho ngay từ đầu sẽ bị cháy cám, khét lẹt. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao một thằng nhóc gầy nhom như tôi có thể vần được cả nồi cám lợn to vật vã đến thế.

Gần hai chục năm trước, quê tôi vẫn đun bằng rơm, một thời gian sau thì đun bằng củi. Nhiều hôm rơm ẩm, khói cay xè mắt nhưng mùi khói lại rất dễ chịu, tôi cố hít hà những lọn khói loãng thật sâu và còn lưu luyến đến tận bây giờ. Trời hửng sáng dần. Mấy còn gà choai choai trong vườn đập cánh phành phạch tập tẹ gáy, chú chó nhỏ dùi dụi đầu vào chân tôi làm nũng cũng là lúc nồi cám bắt đầu sôi. Và lúc này mới là lúc cho cám vào khuấy đều lên. Có hai loại cám là cám ngô và cám gạo, tôi thường thích cám ngô hơn vì có mùi rất bùi, thơm. Khi cho cám vào khuấy, nồi cám lợn dậy lên mùi rất hấp dẫn, mấy chú lợn bắt đầu đánh hơi được, tỉnh dậy và đòi ăn. Làng tôi lúc ấy như một bản hòa âm tiếng lợn kêu mà nghệ sĩ chẳng ai khác là mấy con lợn đói ăn. Chiếc que khuấy cám rất dài, phải dùng tới hai tay mới đảo được. Hơi cám bốc lên mặt, ám vào quần áo tôi nhưng không khó chịu, mùi cám thơm nức – đó còn là mùi của hy vọng vào một lứa lợn đẫy đà, nhanh được xuất chuồng.

Cho cám ngô vào xong, tôi cho lửa nhỏ lại và đun thêm một lúc. Sao hồi nhỏ nhìn ngọn lửa bếp rơm, bếp củi cháy mãi mà chẳng thấy chán, tôi chẳng thế lý giải nổi, chỉ biết rằng rất thích, nhất là vào mùa đông lạnh giá, tôi thường lấy tay chộp lấy ngọn lửa rồi nắm chặt trong lòng bàn tay, vê đi vê lại. Mùa khoai, tôi rất khoái việc “giấu” mẹ vài củ khoai tây đem nướng trong bếp rơm, rồi đến lúc ăn ngấu nghiến cả vỏ khoai mặt đen nhẹm đi.

Trời sáng rõ, tôi mới bắt đầu đi đánh răng rửa mặt và tập thể dục một lúc. Lát sau, tôi vợi cám ra chậu cho nguội, mấy con gà cũng rất khoái món cám lợn, chúng thường lao vào ăn bất chấp nóng bỏng mỏ. Thậm chí, cả chú chó con cũng thích cám lợn, tôi bèn lấy cho nó một ít ra chiếc bát riêng. Mẹ tôi dặn, khi nào nguội nguội thì bốc thêm nắm cám công nghiệp trộn vào để lợn nhanh lớn. Chẳng dám giấu mọi người, tôi thường nếm vụng cám công nghiệp, bởi nó có vị mặn mặn thơm thơm của cá. Khuấy đều lên rồi, thì lũ lợn đã kêu đến rát cả họng. Tôi bê cả chậu cám to đổ vào máng cho chúng. Lũ lợn lao vào ăn xốc, thấy chúng ăn ngon lành trong lòng tôi thấy rất vui, tôi thường đợi chúng ăn hết mới đi ra ngoài. Xong xuôi cũng là lúc tôi chuẩn bị đi học.

Tôi nhớ những ngày giáp hạt, lúa mới cấy, lợn chưa xuất chuồng mà nhà đã hết gạo, mẹ tôi thường chế ra một món để “chiêu đãi” cả nhà đó là mèn mén. Thực ra, đó là cám ngô ninh lên ăn thay cơm, thứ cám mà hằng ngày tôi vẫn cho vào nồi cám lợn. Tôi còn nhớ như in hình ảnh cả nhà quây quần quanh nồi mèn mén trong căn bếp mái lá, ngoài trời mưa rơi rả rích, ngồi cạnh bếp lửa ấm áp còn có một ngọn lửa khác cũng rất ấm, đó là hương vị gia đình. Bởi nghèo, bởi đói nhưng ai cũng mãn nguyện với cuộc sống đương có, chẳng ai chê bát mèn mén kia là đồ ăn cho lợn cả.

Giờ, quê tôi đã đổi thay da đổi thịt rất nhiều, cảnh quê xưa chỉ còn trong ký ức người hoài niệm, giờ làng đã lên phố, đã có khu vui chơi, chung cư, số nhà… Chuồng lợn, gian bếp, đống rơm xưa đã không còn, nhà nào cũng tường cao rào kín như có một khoảng cách vừa hữu hình vừa vô hình. Dĩ nhiên, chẳng còn nhà nào nuôi lợn nữa, hằng ngày, tôi nhìn thấy thịt lợn bày bán, ăn thịt lợn nhưng đã bao lâu nay tôi chưa nhìn thấy một con lợn nguyên vẹn, không biết giờ đây chúng còn ăn cám như công thức cổ truyền ngày xưa nữa không. Bỗng nhiên, tôi thấy buâng khuâng mùi cám lợn vô cùng.

Cuộc sống khấm khá hơn, món ngon nào rồi cũng đến lượt thưởng thức, duy chỉ có những thứ mùi vị gắn với tuổi thơ, kỷ niệm thân thương của những ngày tháng sớm hôm, và của những tờ mờ sương sớm, thấy bố mẹ tảo tần sớm hôm để mưu sinh, cơ cầu còn in hằn mãi không phai, cho dù đó chỉ là mùi… cám lợn.

Nguyễn Văn Công

(Hà Nội)

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!