Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Mạng xã hội & người nổi tiếng

Có một hiện tượng phủ sóng trên mạng xã hội thời gian qua là việc một số người nổi tiếng có những việc làm không đúng, phát ngôn lệch chuẩn.

Dư luận thời gian vừa qua rộ lên chuyện những người nổi tiếng, nghệ sĩ đăng bài/đăng đàn quảng cáo dù là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí cả tiền mã hóa hay tiền ảo. Hiện tượng người nổi tiếng, nghệ sĩ kiếm tiền từ công việc khác dựa vào tiếng tăm của mình là chuyện không mới. Nhưng điều khán giả bất bình chính là chỗ họ đã bất chấp để thu lợi, không một chút chừng mực để giữ hình ảnh.

Ai cũng hiểu, hàng hóa không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, gây hại cho người sử dụng; tiền ảo chứa nhiều nguy cơ nhưng rồi chính những sản phẩm đó lại được đặt lên miệng người nổi tiếng, nghệ sĩ ra sức quảng bá/ quảng cáo. Thậm chí, có nhiều nghệ sĩ còn bán hàng thực phẩm online hoặc sản phẩm làm đẹp, chữa… bệnh khó nói, cải thiện phòng the cho phái mạnh.

Điều đáng nói, những sản phẩm mà họ rao bán, quảng cáo đó chưa chắc họ dám sử dụng. Nhưng để bán được hàng, chốt được đơn, họ phải ra rả là “ngon lắm quý vị ơi”, “tôi đã từng sử dụng và kết quả tốt”. Công chúng một phần vì yêu mến, một phần tin tưởng đã mua ủng hộ, với chất lượng chưa biết thế nào.

Người nghệ sĩ khi đã sa đà vào bán hàng online với nguồn thu khủng thì dần dà họ sẽ rời xa nghệ thuật, nhất là nghệ thuật chân chính vốn khó kiếm tiền.

Tất nhiên, nghề bán hàng online là nghề mới trong thời buổi công nghệ, không có gì là xấu. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cần cách ly như hiện nay, phương thức mua hàng qua mạng là phù hợp. Người bán hàng online với sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, được kiểm định đủ tiêu chuẩn, thu nhập và đóng thuế theo quy định là điều bình thường, nên phát huy.

Có nhiều nghệ sĩ hiện nay không còn chuyên tâm hoạt động nghệ thuật nữa do sự nở rộ của hình thức gameshow truyền hình. Bây giờ, không khó để thấy những “gương mặt truyền hình” của nghệ sĩ A, B nào đó, nhưng không phải ở chương trình thuộc chuyên môn của họ mà từ các gameshow gây cười, thậm chí gây sốc… bởi những phát ngôn “vô thưởng vô phạt”, bị hớ, thiếu tế nhị của họ.

Chuyện những ca sĩ được mời chấm thi hát là đương nhiên, nhưng cũng có những nghệ sĩ được mời làm giám khảo những chương trình không đúng chuyên môn. Do vậy, họ chỉ biết ồ lên rồi khen “giỏi quá” một cách đơn điệu, chẳng có góp ý hay nhận xét chuyên môn nào. Rồi một người đóng hài, nghệ sĩ mang danh người ngoại quốc đi làm MC, khi ấy giọng nói không rõ của họ cứ thế tra tấn khán giả hết tập này đến tập khác.

Đâu rồi những chuẩn mực trong hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ? Đâu rồi những chương trình đàng hoàng trên sóng truyền hình, không có phát ngôn gây ồn ào, không có nghệ sĩ bất chấp tham gia vì nó là chương trình dành cho tài năng về lĩnh vực ngoài nghệ thuật?.

Cuộc sống khó khăn do dịch, sân khấu và sàn diễn tắt đèn, rạp phim cứ mở rồi đóng dõi theo từng động tĩnh của Covid-19… Nhưng có thể thấy, không phải nghệ sĩ nào cũng chọn sống khác đi vai trò của họ bởi vì lòng tự trọng với nghề, tôn kính tổ nghề. Khi đó, trên sàn diễn rộng hơn – sàn diễn cuộc đời – những nghệ sĩ ấy đã thực sự là nghệ sĩ lớn trong lòng công chúng!

Mạng xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống, sự nghiệp của mỗi người tham gia, trong đó có nghệ sĩ

Khán giả có quyền gì? Đó là quyền từ chối “nuôi” kênh của nghệ sĩ, người nổi tiếng nào đó nếu họ vi phạm những nguyên tắc cần có của một người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng. Họ là người nổi tiếng, họ có thể xem là hình mẫu cho người khác học tập, làm theo. Do vậy, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu chúng ta ủng hộ họ bằng việc ùn ùn vào xem, nghe họ chửi, thậm chí bảo vệ họ bất chấp cả cái sai.

Xét cho đến cùng, nghệ sĩ hay người nổi tiếng cũng là con người, vẫn có những “vấp ngã” trong đời sống, phát ngôn. Việc của công chúng là đánh giá, sàng lọc, “gạn đục khơi trong” để có một đời sống văn hóa lành mạnh.

Khi một người nổi tiếng nào đó không còn tốt để là tấm gương hoặc đáng ngưỡng mộ vì lối sống có vấn đề, ta có thể báo cáo (report) cho mạng xã hội đó; hủy kết bạn/ dừng theo dõi, tuyệt đối không xem, không nghe, không đọc những gì họ viết. Đừng quên những gì chúng ta nạp từ mắt sẽ vào não và ít nhiều tác động đến suy nghĩ, lối sống của mình.

Chúng ta sẽ được gì khi suốt ngày nghe một ai đó “bóc mẽ” người khác, tự cho mình quyền phán quyết, vạch tội? Chắc chắn, những thị phi đó sẽ làm phiền tâm trí mình, làm ảnh hưởng đến con cái chúng ta.

Một giải pháp căn cơ hơn cho câu chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng phát ngôn hoặc hành xử phản cảm trên mạng chính là việc xử lý nghiêm của luật pháp, các nội quy, quy định trong quản lý nhân sự, điều chỉnh ứng xử, phát ngôn trên mạng.

Có thể thấy, vừa qua, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đã xử lý rất hay vụ việc một nghệ sĩ có phát ngôn, quay clip phản cảm trên Facebook có tick xanh của ông. Theo đó, khi bị dư luận lên tiếng, nhà trường đã bãi nhiệm chức danh Hiệu phó của nghệ sĩ này.

Đó là đối với một phát ngôn phản cảm. Những phát ngôn khác gây chiến, tố giác thiếu căn cứ, miệt thị gây tổn hại đến uy tín, thiệt hại kinh tế người khác cũng cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm.

Chấn chỉnh việc phát ngôn bất hảo trên mạng chính là tự bảo vệ mình cũng như thế hệ trẻ. Bên cạnh đó cũng góp phần thanh lọc không gian mạng cùng sự ảo tưởng “quyền lực” của những người nổi tiếng, rằng mình nói gì công chúng cũng nghe.

Tấn Khôi
(báo Quốc tế)

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!