(MTD) Vẫn biết đã là bà thì bà nội hay bà ngoại đều yêu thương quý hóa cháu của mình, nhưng ở bài này tôi xin phép viết về những người bà “có tên” Bà Ngoại.
Theo cảm nhận của tôi thì hầu hết những người bà ngoại sẽ thường là người chăm sóc đứa cháu bé bỏng từ khi chúng mới hoài thai. Nào là những món ăn “nhà trồng” bổ dưỡng như cá chép, trứng gà ta thơm ngon, nào là những lần dặn dò con gái từng nhất cử nhất động, cho đến ăn uống, nói năng… sao cho đứa cháu đang hình thành trong bụng của con gái mình được phát triển tốt nhất.
Rồi những ngày mẹ nó vật vã trong bệnh viện chờ sinh, thì cũng bà ngoại là người không quản khó nhọc lăn lộn cùng con gái, hết chạy vạy chăm sóc, nâng giấc con gái, lại sang ấp ôm, tẩn mẩn chăm đứa cháu đỏ hỏn vừa chào đời. Có lẽ, ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc của người bà.
Thậm chí, có người bà ngoại thức đêm ba tháng ròng với cháu gái vì con bé khóc dạ đề. Cứ đặt xuống giường là nó khóc ré lên như ai đánh. Xót con gái, thương cháu, thông cảm bà nội già yếu hơn (thường là thế), bà ngoại tự nguyện biến mình thành nôi cho cháu gái ngủ. Bà nằm ngửa, úp cháu lên ngực mình ôm cho cháu ngủ ngon giấc. Bà luyện siêu đến nỗi tư thế nằm với người khác một lúc là mỏi thì với bà cả đêm vẫn y nguyên.
Còn nhiều còn nhiều lắm những gì người “mang tên” bà ngoại đã làm cho cháu của mình. Các Bà đều nghĩ rằng đó là niềm vui niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.
Yêu đến thế đấy!
Và rồi từng ngày, từng năm, những đứa cháu ngoại ấy lớn lên, đi học, đi làm, dựng vợ, gả chồng, nhưng thử hỏi còn có mấy đứa háo hức quay về để thăm bà ngoại? Hay thay vào đó là những lần chối từ với lý do “Con còn học”, để né tránh mỗi hè mẹ rủ về ngoại chơi?
Có đứa trẻ được bà ngoại chăm từ tấm bé đến tận lúc vào cấp ba. Ấy thế rồi cô bé đến tuổi lấy chồng, lại đi lây chồng xa, ngày giỗ ngoại nó cũng chả thèm nhớ đến. Buồn thay!
Có cậu trai, cha mất sớm mẹ đi làm xa đành gửi cậu bà ngoại, nuôi dưỡng chăm sóc. Sau này mẹ cậu đi lấy chồng, cậu vẫn ở với bà cho tới khi đi làm xa và lấy vợ. Mỗi khi về quê, cậu bước vội qua ngõ nhà bác, anh trai của mẹ, nơi có gian nhà thờ và tấm hình của ngoại còn mỉm cười nhìn xa xa trên đó. Cậu ghét mẹ mình và vì ly do gì đó, quên luôn người bà đã nuôi nấng mình bao năm.
Viết đến đây lòng tôi nghẹn lại, nước mắt chực chờ ứa ra thành dòng. Hơn ai hết, tôi hiểu, giờ đây chúng chỉ là những giọt nước mắt ân hận muộn màng. Ngay như bản thân tôi và các chị của mình, cũng đã “quên” người mang tên “Bà Ngoại”. Phó mặc bà với những trận ốm đau cho mẹ chăm sóc mà mải mê vun vén gia đình chồng.
Người Bà đã một tay chăm lo bầy cháu trứng gà, trứng vịt, thi nhau ra đời cho đến lớn. Những cái bánh rán giòn rụm, những quả chuối chín thơm lừng, những thanh kẹo lạc, miếng cá kho khô bùi ngậy ăn cùng cơm lúa mới dẻo thơm… bà luôn nhịn miệng ăn, dành phần cho các cháu. Đêm đêm, những câu chuyện cổ tích công chúa hoàng tử đưa các cháu vào giấc ngủ êm đềm… Còn nhiều, nhiều lắm những gì bà ngoại đã dành cho chúng tôi và tôi tin những người bà khác đã dành trọn cho những đứa cháu nhỏ của mình.
Tôi thường nhắc con gái mình phải thường xuyên điện thoại về nói chuyện với bà, thi thoảng phải tranh thủ về thăm bà, thăm ông. Câu thăm hỏi thường ngày, miếng bánh ngon biếu ông bà khi còn khỏe tốt hơn gấp tỷ lần dòng nước mắt khóc than khi ông bà mất đi.
Đừng để phải ân hận như mẹ!
Sương Lạc
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn