Ai từng học về y dược, dù thuộc bất kỳ ngành nào, chắc cũng đều đã từng phải trải qua một khoảng thời gian nào đó để dùi mài miễn dịch học và sử dụng môn học ấy để ứng dụng cho lâm sàng. Thế nhưng thật sự chúng ta đã thấm được như thế nào?
Một cuộc chiến lâu dài
Cuộc chiến giữa sinh vật có cấu trúc tế bào và những vật thể chỉ được cấu tạo duy nhất từ hệ DNA/RNA-protein (mà chúng ta gọi là virus) chắc hẳn đã có rất lâu đời, từ trước khi loài người có mặt trên quả đất này. Động vật hữu nhũ lựa chọn con đường riêng cho cuộc chiến bằng cách phát triển hệ thống miễn dịch đặc hiệu, hay nói đúng hơn chính là binh đoàn lympho hùng hậu. Nghiên cứu về miễn dịch học trong y khoa gần như không gì khác hơn ngoài nghiên cứu binh đoàn lympho với những thụ thể siêu tinh vi và cách thức tái tổ hợp gen để hình thành thụ thể hiếm có trên toàn cơ thể.
Binh đoàn lympho hùng hậu với lãnh đạo tối cao là các lympho tướng quân CD4 (còn gọi là T helper), được chia thành 2 cánh quân tả hữu.
– Phía tả quân do lympho B đảm trách, vũ khí chính yếu là kháng thể lưu hành trong máu và dịch cơ thể, chuyên dụng cho đám giặc nằm ngoài tế bào trên mọi mặt trận của cơ thể (hay hiểu giản đơn hơn là dành cho các vi khuẩn và ký sinh trùng đơn bào). Khi giặc dã tấn công thì tướng quân CD4 phát hiện và điều động tả quân lympho B đến biến hình thành tương bào tạo kháng thể đặc hiệu tấn công trực tiếp lên kháng nguyên vi khuẩn, lôi kéo thêm binh đoàn thực bào và bổ thể đến phá hủy vi khuẩn trong máu hay dịch cơ thể. Vaccine là hình thức đưa protein kháng nguyên (hay mô hình giặc tập trận) vào cơ thể để kích hoạt tả quân lympho B tạo vũ khí kháng thể sẵn trước, khi giặc thật vào là vũ khí sẵn sàng giương cao chống giặc…
– Phía hữu quân do lympho CD8 (còn gọi là T cytotoxic) đảm trách, vũ khí chính yếu là miễn dịch tế bào kiểu đánh giáp lá cà, chuyên dụng cho đám giặc nằm trong khu vực nội bào (hay hiểu đơn giản hơn chính là dành cho tất cả virus, vi khuẩn nội bào như lao, tế bào tự thân của cơ thể đang mang bệnh như tế bào ung thư…). Khi virus tấn công cơ thể, nếu có thì nó chỉ lưu hành giai đoạn ngắn trong máu hoặc dịch cơ thể, sau đó nó chui vào tế bào tương ứng (như virus viêm gan thì chui vào tế bào gan, virus cúm thì chui vào phế bào ở phổi…).
Như vậy, rất dễ hiểu là virus sẽ nhanh chóng né được tả quân lympho B. Lúc này, cuộc chiến sẽ lệ thuộc gần như hoàn toàn vào hữu quân lympho CD8. Khi nhận được lệnh từ tướng quân CD4, binh đoàn CD8 sẽ tìm ra những tế bào đang chứa virus và gắn lên tế bào đó, sau đó CD8 sẽ trực tiếp phóng thích ra những chất độc tiêu diệt luôn cả tế bào đang là ổ chứa virus… Câu chuyện này đưa đến việc tổn thương cơ thể nghiêm trọng do hàng loạt tế bào chứa virus đều phải hy sinh để ôm giặc virus chết cùng. Binh đoàn CD8 hoạt động càng mạnh thì cơ thể càng vật vã sau cuộc chiến. Bởi vậy, địch nằm ngoài chiến trường như vi khuẩn thì dễ xử, chứ địch nằm vùng trong lòng như kiểu gián điệp của virus thì rất là khó xử, muốn giết giặc phải tự giết luôn chính mình. Tất nhiên, đã là cuộc chiến thì sẽ có 2 kết quả xảy ra.
Một là binh đoàn lympho CD8 thắng cuộc, virus và các ổ chứa virus banh xà rông, kháng thể kháng virus hình thành, tuy nhiên hậu quả khó lường khói lửa điêu tàn, phải xây dựng lại từ bãi chiến trường thê thảm, dĩ nhiên là sẹo sẽ xuất hiện khắp nơi. Lấy ví dụ như viêm gan tối cấp hay cấp tính chẳng hạn, gan bị phá hủy tanh bành, men gan lên ngất ngưỡng, có thể vào suy gan rất nhanh. Các bệnh virus khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cảm cúm thông thường… thậm chí vi khuẩn lao nội bào cũng đều như vậy, và cơ thể mất một thời gian tương đối lâu sau khi chiến tranh kết thúc để bình phục. Ai đã từng trải qua các bệnh virus kiểu này sẽ cảm nhận cơ thể yếu rõ rệt sau khi khỏi bệnh hàng tuần lễ. Đó là khả năng thứ nhất.
Khả năng thứ hai là binh đoàn CD8 của chúng ta thua cuộc, không có kháng thể bảo vệ hình thành, virus sẽ tồn tại và phát triển tiếp tục cùng cơ thể, bệnh sẽ không xảy ra theo chiều hướng phá hủy cơ quan cấp tính nữa, mà sẽ xảy ra theo kiểu mạn tính kéo dài. Lúc này, hậu quả của bệnh không đến từ lympho CD8 mà đến từ chính virus, chẳng hạn như bệnh cảnh viêm gan B/C mạn tính, virus trốn thoát khỏi tầm nhắm của CD8 và tự do phát triển tăng số lượng gây phá hủy gan dần dần nhưng không rầm rộ, đưa đến biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan về mặt lâu dài. Nói chung, cái gì cũng có cái giá riêng của nó.
Hai hình thức chiến đấu trên của binh đoàn lympho được gọi trong khoa học là miễn dịch dịch thể (do lympho B đảm nhận) và miễn dịch tế bào (do lympho CD8 đảm nhận). Cả 2 hình thức đều chịu sự chi phối của CD4 nên HIV chửi vào CD4 sống thì miễn dịch xem như rắn không đầu, rơi vào tê liệt toàn bộ.
Làm như đang làm với cúm, viêm gan… được không?
Vậy tới lúc chúng ta nhìn lại, để đối phó với Covid-19 thì cơ thể sẽ ưu tiên chọn kiểu nào để tác chiến? Tất nhiên, câu chuyện sẽ xảy ra trên mặt trận miễn dịch tế bào của CD8 đối với virus. Chúng ta rút ra được gì từ cách nhìn này?
– Thứ nhất, CD8 thắng áp đảo hoàn toàn Covid-19 từ sớm khi virus chỉ mới đu vào vài tế bào trên đường hô hấp, cơ thể vừa không có triệu chứng lại vừa may mắn có được kháng thể trời ban. Số lượng này chắn chắn sẽ rất nhiều trong số các ca F0, hình như đâu đó chúng ta thừa nhận là 80% trên các kênh thông tin chính thức. Thực tế còn số này có thể còn cao hơn.
– Thứ hai, CD8 đánh đến te tua bầm dập vì Covid-19 đã đu vào quá nhiều tế bào phổi, muốn đánh bay cô thì phổi cũng bay màu, cơ thể xuất hiện triệu chứng từ nhẹ đến nặng tùy vào tỉ lệ mô phổi bị CD8 nả đạn. Kết quả thì CD8 vẫn chiến thắng, nhưng cơ thể thì hoặc là chết luôn sau cuộc chiến hoặc là tổn thương nghiêm trọng. Đây chính là lúc cơ thể cần nguồn oxy nhân tạo hoặc máy thở để làm việc tạm thời thay thế cho phổi, chờ ngày các tế bào gốc trong phổi sinh ra để thay thế, tất nhiên là sẽ chậm. Trong nhóm 20% này, chắc chắn số có triệu chứng nhẹ sẽ ưu thế, còn lại số ít F0 nặng sẽ là những ca thật sự cần điều trị máy thở nhân tạo để can thiệp y tế chuyên sâu.
Nếu đem Covid-19 ra so sánh cùng các chiến hữu như viêm gan B/C hay tay chân miệng thì viêm gan tối cấp hoặc biến chứng thần kinh của tay chân miệng lấy đâu ra gan nhân tạo hay não nhân tạo để tạm thời thay thế? Sao không sợ hãi tay chân miệng hay viêm gan B/C tối cấp? Đối tượng mà xã hội cần khoanh vùng há chẳng phải là những đối tượng F0 có biểu hiện nặng cần sự giúp đỡ y tế? Những đối tượng này họ sẽ tự tìm đến y tế trước khi y tế tìm ra họ, chỉ trừ khi họ có vấn đề tâm thần bất thường. Còn lại F0 không biểu hiện hoặc F0 triệu chứng nhẹ thì sao, họ tự khỏi bệnh nhờ binh đoàn lympho của chính họ, không phải nhờ y tế.
Chúng ta cần chấp nhận sự thật rằng chúng ta không hề có trong tay thuốc ức chế virus cúm, chúng ta chỉ có thuốc ức chế virus viêm gan B/C hay HIV mà thôi. Vậy những đối tượng F0 này không phải là chủ đề chính của cuộc chiến với Covid-19, và những F1, F2,… lại càng không phải.
Nếu cứ mãi truy vết và cách ly, chúng ta sẽ không còn đối mặt với Covid-19 nữa mà sẽ đối mặt với những “cô” khác như cô nghèo cô đói, cô dốt, cô trộm cướp… Nếu cứ đi mãi cùng hành trình truy vết, ta sẽ đóng băng toàn bộ nền kinh tế và chỉ khi nào F0 hoá toàn bộ xã hội thì cuộc chiến mới dừng lại với hậu quả không thể nào tưởng tượng…
Thay vì tiếp tục hành trình này như hiện tại, chúng ta nên nhường phần việc đó lại cho binh đoàn CD8 và chỉ trợ giúp binh đoàn này trong trường hợp cần thiết, như cách mà chúng ta đã và đang làm với cảm cúm thông thường, với viêm gan, với HIV, với sốt xuất huyết, với tay chân miệng…
– Thứ ba, vaccine có thật sự hiệu quả như chúng ta tưởng tượng để chúng ta phải chờ đợi đến ngày tiêm toàn dân? Tất nhiên, đây là niềm tin duy nhất của toàn thế giới trong hiện tại, và chúng ta phải tiến đến để mang lại cảm giác an toàn cho cơ thể sinh học và tâm hồn sợ hãi của chúng ta. Tuy nhiên, ta cần nhìn lại rằng nhân loại chưa bao giờ có một vaccine cúm đúng nghĩa như mong muốn. Virus cúm nằm trong tế bào phổi, nếu có chỉ lưu hành giai đoạn ngắn trong máu hoặc dịch, đó là thời điểm hiệu lực tốt nhất cho kháng thể hoạt động. Nhưng giai đoạn đó lại quá ngắn, và protein bề mặt của virus cúm lại quá thường xuyên thay đổi để có được một kháng thể ưng ý, chúng ta vừa tiêm vaccine của biến thể cũ thì biến thể mới đã xuất hiện.
Chúng ta cần thừa nhận rằng đến giờ này chỉ những vaccine dành cho virus lây qua đường máu như viêm gan, viêm não… mới tỏ ra hiệu quả như ý muốn, còn virus lây qua đường hô hấp hay tiêu hoá có tồn tại một vaccine nào như ý? Trước khi chờ vaccine cứu mình thì cơ thể kỳ diệu của chúng ta đã làm được điều đó. Sao ta không bình tâm suy nghĩ để tìm ra sự tin tưởng vào chính cơ thể mầu nhiệm của mình.
Làm gì tiếp theo?
Chỉ cần trả lời 2 câu hỏi sau đây rồi hãy quyết định chúng ta nên bước đi tiếp như thế nào:
1. Tỷ lệ tử vong tự nhiên trong cộng đồng có thật sự tăng lên sau khi Covid xuất hiện, hay tất cả chỉ là nỗi sợ hãi mà bức màn truyền thông đã phủ lên xã hội. Con số thương vong vẫn còn quá nhỏ so với tai nạn giao thông, bệnh tim mạch, đái tháo đường… Hãy xem xét những quốc gia đã từng trải qua đợt dịch thê thảm trong năm qua như Mỹ, Anh, Trung Quốc… Có thể thấy Vũ Hán đang lớn mạnh từng giờ, Mỹ đã đứng dậy vươn vai, Anh đã bình thường hoá xã hội. Họ đã làm gì trong hiện tại?
Họ cho F1 đi làm, cách ly F0 nhẹ tại nhà và điều trị F0 nặng tại viện hay họ vẫn đang mải miết với hành trình cách ly truy vết? Ở đây, xin không bàn đến Ấn Độ vì lãnh thổ này có quá nhiều tập tục văn hoá khác biệt, kỳ lạ so với phần còn lại của thế giới và Indonesia cũng là một hình mẫu tương tự Ấn Độ tại Đông Nam Á.
2. Tỷ lệ an toàn cho cộng đồng giữa trước và sau tiêm vắc xin có thật sự khác nhau? Đáp án hy vọng sẽ có lời giải thực tế và công tâm trong tương lai không xa…
Trước mắt, chúng ta thấy Anh vẫn đứng trước nguy cơ tăng số ca trở lại, dù rằng số người được tiêm ngừa đã đạt tỷ lệ rất cao. Điều đó cho thấy chúng ta chưa thật sự có một vắc xin hiệu quả như mong muốn, và việc ỷ lại vào vắc xin mà từ bỏ khẩu trang, không tiếp tục thực hiện 5K sẽ có thể đưa đến vòng lẩn quẩn không thoát ra được. Trong khi chờ đợi đáp án mới hơn trong hằng tháng tiếp theo, hy vọng chúng ta vẫn còn đứng vững trên đôi chân trước khi đói nghèo kéo đến và cuốn trôi mọi thứ…
ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM)