Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Sảy thai đã dạy tôi điều gì về tình yêu và sự vô thường?

(MTD) Dưới đây là câu chuyện được chia sẻ bởi Atia Sattar, một người phụ nữ từng sảy thai nhiều lần và sự việc đáng buồn này vô tình cho cô hiểu được thế nào là tình yêu, sự rộng lượng và vô thường.

Tôi đứng trên bờ biển, nắm lấy tay đứa con mới chào đời của mình và cùng nhau ngắm nhìn hoàng hôn phía xa chân trời. Có ba bông hoa đại (hoa chi đại, hay hoa sứ – loài hoa tượng trưng cho tình yêu thương thuần khiết – PV) nhẹ nhàng nổi trên mặt nước. Màu vàng trắng của hoa hòa lẫn vào màu biển cam bạc và đó là những đứa con không thể chào đời của tôi. Những đóa hoa là thứ tôi đã thả xuống dòng nước trong buổi hoàng hôn tháng 5-2019 trên vịnh Kawela. Tôi đã vẽ một bức tranh, thay tấm lòng trân quý dành cho chúng, giống như bức thư tôi đã đọc khi đặt chúng trên biển Hawaii ấm áp. Tôi đang đứng cùng với tất cả những đứa con của mình trong bức vẽ mà bạn được thấy dưới đây.

Phía bên trái chúng tôi có những bông hoa sen mọc lên từ làn nước màu lam ngọc. Phật giáo có câu nói rằng: “Không có bùn, không có hoa sen” và tôi đã suy nghĩ về điều này khi đặt bút vẽ những bông hoa đó. Và chính nhờ câu ngạn ngữ đó đã giúp tôi vượt qua những năm tháng mất mát, mang thai và cuối cùng là sinh nở. Phía trên khóm hoa là sương mù bốc lên từ chân thác nước, vùng nước tối tăm và hoang dã của nó đổ xuống ở góc trên cùng bên trái của bức vẽ mà bạn không thể thấy được đỉnh thác. Nơi dòng thác đổ xuống mặt nước tạo nên những bọt sóng cuồn cuộn, là nơi đánh dấu sự kết thúc cho hành trình đầy biến động của cuộc đời tôi. Cuối cùng thì tôi cũng đã đến đích, đứng trên bờ biển với đứa con mới chào đời của mình và nắm chặt lấy tay nó.

Sảy thai đã dạy tôi điều gì về tình yêu và sự vô thường (Illustration by Atia Sattar)

Trước khi sinh đứa con đầu lòng vào tháng 3-2020, tôi đã trải qua ba lần sảy thai sớm. Hai trường hợp đầu tiên là “thai kỳ hóa học”, đó được gọi là tình trạng sẩy thai sớm sau khi trứng đã thụ tinh thành công. Nghĩa là khi xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu, cho thấy bạn đang mang thai, nhưng nồng độ hormone hCG quá thấp để có thể duy trì thai kỳ. Những lần mang thai rất sớm này được đánh dấu bằng sự mất mát, chúng không bao giờ xuất hiện trên màn hình siêu âm, hoàn toàn vô hình. Trên thực tế, mang thai hóa học xảy ra thường xuyên và sớm đến mức nhiều người bị sảy thai mà không nhận ra.

Tôi biết mình có thai vì tôi đã chọn thử thai sớm và sau đó yêu cầu xét nghiệm máu để xác nhận vì tôi nghĩ nếu mình chờ đợi sẽ không thể biết được kỳ kinh nguyệt của mình bị trễ vài ngày. Tuy nhiên, lần sảy thai thứ ba kéo dài sáu tuần. Tôi đã biết trong năm ngày trước khi sảy thai rằng cái thai không thể sống được.

Chờ đợi việc sảy thai kéo theo một sự đau khổ lạ kỳ. Là một người hành thiền, tôi cảm nhận được những thay đổi tinh tế trong cơ thể mình trước khi nhìn thấy những vạch mờ nhạt trên que thử thai – cảm giác rung và ngứa ran, nặng nề và đầy hơi không giống với trạng thái PMS thông thường của tôi (PMS – Hội chứng tiền kinh nguyệt là một rối loạn xảy ra trong 7 ~ 10 ngày trước kỳ kinh nguyệt và thường kết thúc vài giờ sau khi bắt đầu kinh nguyệt – PV). Lần thử đầu tiên của tôi xác nhận những cảm giác này là mang thai và chúng lại khơi dậy hy vọng trong tôi. Trong những ngày chờ sảy thai, tôi cảm nhận rõ cơ thể và tâm trí mất kết nối nghiêm trọng. Trong khi cơ thể tôi vẫn ngân nga với những rung động của thời kỳ đầu mang thai, thì tâm trí tôi lại thương tiếc một sự mất mát sắp xảy ra. Khi sự mất mát cuối cùng cũng trở thành hiện thực, tôi đã phải trải qua một nỗi đau hiện hữu khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Trong một thời gian dài, tôi đã tức giận với bản thân vì cảm xúc mãnh liệt trong trải nghiệm của mình. Rõ ràng, sự thống khổ của tôi là do khao khát muốn có con. Dẫu biết đau khổ là vô thường, đến rồi sẽ đi, nhưng tôi đã vẫn phải vật lộn mãnh liệt bởi sự chấp trước làm mẹ. Tại sao tôi lại ngay lập tức lao vào xét nghiệm máu và nước tiểu chỉ để đối mặt với những dòng và con số lờ mờ thông báo rằng tôi hầu như không mang thai, chỉ “có thể” là đang mang thai? Chúng tôi vừa mới bắt đầu cố gắng có con. Tại sao tôi không kiên nhẫn hơn?

Kể từ đó, tôi nhận ra rằng mỗi câu hỏi này đều chứa đựng một lời buộc tội: tôi tự trách mình, coi bản thân mình – một tâm hồn bám víu bị cô lập và một cơ thể chao đảo – là nguồn cơn cho sự bất hạnh của chính mình. Về lý trí, tôi hiểu sảy thai là kết quả của một số nguyên nhân và điều kiện sinh lý. Với tư cách là một giáo sư Nghiên cứu về Giới, tôi cũng tin rằng mặc dù tôi coi những phôi thai vô hình về mặt lâm sàng này là “những đứa trẻ” vì mong muốn được làm mẹ, nhưng những đối tượng mang thai khác cũng có thể coi việc kết thúc thai kỳ như một mô sinh sản đi qua.

Từng có tiền sử trầm cảm, tôi cảm thấy một nỗi buồn trống rỗng quen thuộc đang lớn dần trong tim và tôi phải đối mặt với nỗi sợ hãi lâu nay rằng, có điều gì đó không ổn với mình. Tôi cố gắng tìm những cách thích hợp để bày tỏ lòng tiếc thương đối với một mất mát vô hình. Vì mất mát quá sớm, không thể nhận ra, tôi tự hỏi, liệu mình có quyền đau buồn hay không?

“Tôi cảm thấy rất đau buồn”, tôi kể với một người mà tôi yêu quý. “Để làm gì vậy? Vì thứ gì đó không có thật?”, họ hỏi lại tôi. Một số khác lại nói những cụm từ có chủ ý trấn an này: “It nhất bây giờ bạn biết mình có thể mang thai”. Nhưng điều đó cũng chẳng làm tôi thấy bình yên.

Tôi nhớ mình đã dành hàng giờ trên mạng để tìm kiếm cụm từ “Phật giáo và nạn sảy thai”, nhưng không tìm thấy nhiều thông tin gì mấy. May mắn thay, nhiều bài báo đã xuất hiện kể từ đó, chẳng hạn như bài tiểu luận “Chữa lành chứng sảy thai” của tác giả Mindy Newman, trong đó cô phỏng theo “Chuyện ngụ ngôn về hạt mù tạt” của Đức Phật, cho những người đã từng bị sảy thai.

Tôi rùng mình bất cứ khi nào tôi bắt gặp những mục quy kết việc mất thai là do nghiệp tiêu cực của một người. Cuối cùng, tôi tìm thấy một bài giảng của Tỳ-kheo Ni Thubten Chodron, đưa ra một quan điểm khác. Theo Sư cô, mỗi chúng sinh được sinh ra với một “tuổi thọ nghiệp chướng” được định sẵn. Đôi khi, một sự kiện không đúng lúc dẫn đến cái chết trước khi hoàn thành tuổi thọ này. Kết quả là, “khi người đó tái sinh, thường (…) sẩy thai, thai chết lưu, hoặc đứa trẻ chết khi còn khá nhỏ bởi vì nó chỉ còn lại một chút nghiệp của con người trong kiếp sống đó để trải qua”. Giáo lý này, cùng với học thuyết của Phật giáo rằng một chúng sinh trong Bardo (trạng thái giữa sự sống và cái chết) bị thu hút bởi nghiệp lực đối với cha mẹ cụ thể, đã thật sự mang lại cảm giác thoải mái và an ổn cho tâm trí tôi, cho phép tôi coi trọng tử cung của mình hơn là xem nó như một thứ gì bệnh hoạn.

Khi tìm cách vượt qua nỗi đau, tôi cũng phát hiện ra Mizuko Kuyo – “lễ tưởng niệm trẻ em dưới nước” – một nghi lễ của Phật giáo Nhật Bản, tưởng nhớ những đứa trẻ không bao giờ được sinh ra do sảy thai, phá thai, hay thai chết lưu. Trong một buổi lễ dưới sự chủ trì của thầy cúng, các bậc cha mẹ đau buồn chọn một bức tượng của Bồ tát Jizo – Người được xem là hộ pháp, bảo vệ những đứa trẻ đã qua đời – để tượng trưng cho sự mất mát của họ. Sau đó, họ tạo ra một lễ vật, một chiếc yếm, hoặc mũ màu đỏ, mà Jizo mặc ở nơi an nghỉ cuối cùng. Vẻ đẹp thiêng liêng của buổi lễ đã giúp tôi nhận ra rằng tôi cũng cần một nghi thức, một cách để tưởng nhớ sự kết thúc của những bào thai này, để cụ thể hóa sự vắng mặt của chúng.

Trong một chuyến đi đến Molokai, Hawaii vào tháng 5-2019, tôi ngồi trên bãi biển lúc mặt trời mọc và viết một lá thư cho đứa con vừa mất của mình. Khi đặt bút lên giấy, tôi khóc, chứng kiến ​​sự lên xuống của đại dương, làn sương sớm lành lạnh mơn man trên da, tôi hiểu ý nghĩa câu Phật dạy: “Vạn niềm vui, vạn nỗi buồn”. Dù trải rộng và hỗn loạn như nỗi buồn của tôi, tôi đánh giá cao vẻ huy hoàng nhẹ nhàng của sự sinh và diệt, theo nghĩa đen của mọi thứ trước mắt.

Tôi đã chia sẻ với đứa con chưa từng được sinh ra về ý nghĩa lớn lao của việc chúng trú ngụ trong tôi. Làm thế nào mỗi ngày, tôi yêu cầu chúng lấy bất cứ thứ gì chúng cần từ tôi. Tôi đã gọi tên tổ tiên của mình như thế nào, hình dung ra bao bàn tay nâu ấm áp quanh bụng tôi để vun đắp cho sự sống nhỏ bé ấy. Sự gần gũi trong khoảng thời gian ngắn ngủi cùng chia sẻ một cơ thể đã dạy tôi rất nhiều về lòng quảng đại, tình yêu thương và định luật vô thường. Tôi cầu xin sự tha thứ vì đã ôm giữ điều đó quá chặt.

Vài ngày sau, trên bờ vịnh Kawela của Oahu, tôi đặt hoa đại dưới nước vào lúc hoàng hôn và đọc to bức thư. Gió mang lời tôi đi như nước nhẹ đưa hoa khuất bóng. Trái tim tôi chứa chan lòng trắc ẩn.

Cùng với thời gian, tôi không còn thấy mình là một tâm trí đeo bám bị cô lập với cơ thể yếu ớt nữa, mà là một người biết được nỗi đau khi có khả năng sinh con. Tôi đã biết về rất nhiều người khác chia sẻ nỗi đau khổ khi mang thai. Và kể từ khi làm mẹ, tôi đang tập sống từ bi, yêu thương gắn bó với con cái hơn là tham ái. Tôi mong muốn được hiện diện vì những chúng sinh này, để tạo không gian cho những trải nghiệm của chúng, ôm lấy chúng một cách nhẹ nhàng bất cứ khi nào chúng gặp phải đau khổ và vô thường trong cuộc đời này.

Lạc Thiện (theo Lion’s Roar)

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!