Đọc tựa đề, nếu người mê “Tây du ký” sẽ nhanh nhẩu cho đáp án, là tiên đơn của Thái Thượng Lão Quân hoặc đào tiên của đạo sĩ mà thầy trò ngài Huyền Trang gặp, gây họa trên đường đi thỉnh kinh.
Mình thì nghĩ, thực ra, ăn gì mà hổng chết. Sanh tử là quy luật của kiếp người. Thời nay, đa số thức ăn bị dư lượng thuốc tăng trưởng hoặc thuốc trừ sâu hay phân hoá học nên dễ dẫn đến bệnh tật nguy hiểm. Nỗi lo thực phẩm bẩn thay cho thực phẩm thiếu đè nặng lên câu chuyện ăn uống của mỗi người, trong từng bữa cơm gia đình.
Tự cứu mình, một số ít tìm cách cải thiện nguồn thực phẩm để “sạch” hơn, nhằm tránh bớt nguy cơ bệnh tật từ thức ăn uống hằng ngày.
Nhưng, có một điều cũng đáng quan tâm nữa, ngoài thực phẩm sạch, đó là ăn sao cho đúng. Thì đây sẽ là cuốn sách mở ra cho bạn cái nhìn toàn diện về việc ăn đúng, với thông điệp: sức mạnh chữa lành của thực phẩm.
Ở đó, tác giả dành hơn 500 trang sách để nói về thực phẩm, dinh dưỡng của các loại, bệnh tật và khả năng trị liệu từ việc ăn uống hàng ngày của mỗi người. Thực ra là ăn gì để khỏe, chứ ăn gì không chết thì chỉ có… tiên đơn. À, nếu hiểu không chết ở đây là hiểu theo nghĩa hẹp của nó: không chết vì bệnh tật.
Có thể thấy, cuốn sách như một công trình khoa học công phu, bạn tôi xem nó như từ điển về dinh dưỡng, nhất là khi bạn vừa phát tâm ăn chay trường 2 tháng nay. “Cuốn sách thiên về việc ăn thực phẩm từ thực vật, kết hợp ăn uống khoa học, hài hoà”, bạn mình chia sẻ. Tác giả đã dành đến trên 200 trang để chú giải và giới thiệu về tài liệu tham khảo tỉ mỉ cho những ai cần tìm tòi, nghiên cứu thêm.
Xưa nay, chúng ta hay nghĩ, chữa bệnh bằng thuốc chứ ít ai tin vào việc chữa bệnh bằng thực phẩm. Nếu theo quan điểm này thì cuốn sách vẫn giá trị khi bạn biết cách ăn để phòng bệnh.
Đối với người học Phật, ai cũng biết, Đức Phật xem thực phẩm là thuốc để trị bệnh ốm gầy. Hồi còn nhỏ, mỗi khi tôi bệnh, ngoại tôi hay nói: “Con ráng ăn vô, không ai thương mình bằng cơm với canh hết”. Nên thực phẩm là thuốc đầu tiên, quan trọng trước khi bất đắc dĩ phải dùng thuốc khác.
Tóm lại, đây là cuốn sách bổ ích cho việc gìn giữ sức khỏe, bắt đầu từ thay đổi thói quen ăn uống khoa học hơn cùng lối sống lành mạnh lên.
Với nhà thiền thì ăn gì là một chuyện, thái độ khi ăn cũng góp phần quyết định đến sức khỏe của thân và tâm – gọi là ăn cơm chánh niệm – một nội dung trong công phu của hành giả học Đức Như Lai.
Chúc bạn đọc sách vui, cuốn sách khá dày (gần 800 trang) của nxb Trẻ, mình vừa được “dụ” mua, thấy bổ ích!
Lưu Đình Long