Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

ANGKOR WAT, một lần tôi đến…

Tôi đến Siem Reap vào những ngày đầu tháng 11, với niềm háo hức để đặt chân đến Angkor Wat.

Vì một lý do nào đó, tôi đã trì hoãn việc đến Angkor Wat trong nhiều năm, kể từ những ngày còn là sinh viên kiến trúc. Trong những giờ học về lịch sử kiến trúc phương Đông, Angkor Wat hiện lên trong tâm trí như một thánh địa kỳ bí, một bảo tàng nghệ thuật vĩ đại với vô những câu chuyện về thần linh, từ câu chuyện thần thoại khuấy biển sữa rồi từ đó sáng tạo nên thế giới và sinh ra các vị thần khác, hay những cuộc đấu tranh vương quyền của những triều đại trị vì, được ghi lại trên những bức phù điêu kéo dài cả trăm mét.

Thật không khó để bạn có thể tìm được rất nhiều thông tin về Angkor Wat cũng như những công trình đền đài nằm trong quần thể Angkor Thom. Và trong giới hạn của khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin ghi lại một vài cảm nhận của mình trong việc nhìn nhận lại những kiến thức mình đã học về các giá trị ý nghĩa kiến trúc ẩn mình đằng sau sự đồ sộ đến kinh ngạc của một trong những công trình vĩ đại nhất của nhân loại.

Du khách chờ đón bình minh trên Angkor Wat

Một biểu tượng tôn giáo

Angkor Wat được xây dựng vào đầu thế kỷ XII dưới thời vua Suryavarman II tai Yasodharapura (Angkor ngày nay) đã từng là thủ đô của đế chế Khmer ngày xưa.

Nhiều lời diễn giải cho rằng công trình từ đầu được xây dựng như một ngôi đền Hindu thờ thần Vishnu (một trong 3 vị thần chính của Ấn Độ giáo trong tam vị nhất thể, Brahma-Shiva – Vishnu). Lối vào của Angkor Wat đặt ở hướng Tây, khác với lối vào ở các đền thông thường. Điều này có thể được lý giải do công trình thờ thần Vishnu nên dựa trên cơ sở của thánh đường nguyên sơ của đạo này.

Lối vào hướng Tây của Angkor Wat

Hình thức kiến trúc của Angkor Wat phản ánh tính biểu tượng phong phú của kiến trúc tượng đài chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các khái niệm của Ấn Độ giáo, vốn xem ngôi đền như một thế giới thu nhỏ tái hiện lại nơi sinh sống của các vị thần trên đỉnh núi thiêng Meru, là nơi cư trú của các vị thần trên mặt đất để giúp đỡ con người và bảo hộ vương quốc.

5 tòa prasat (tháp thánh trong tiếng Khmer) được đặt ở trung tâm giữa một quần thể kiến trúc đồ sộ có thể bắt nguồn từ sự tích núi Mêru trong Ấn Độ giáo, như năm đỉnh của núi Mêru, là đỉnh cao nhất trong dãy Himalaya linh thiêng nơi cư ngụ của các vị thần.

Một trong số các tòa prasat

Biểu tượng kiến trúc đền-núi

Angkor Wat thuộc loại hình kiến trúc đền-núi (temple-mountain) được xây dựng theo hình kim tử tháp bao gồm ba tầng đế với cao độ nâng cao dần lên và cuối cùng tập trung về tháp thánh trung tâm được bố trí ở tầng ba.

Bắt đầu từ prasat trung tâm với hình thức tổ chức kiểu tập trung và sân trong, các cấu kiện cấu thành nên các prasat xung quanh, các hành lang, thư viện… được tổ chức theo một quy luật hình khối nghiêm ngặt, được kết nối lại với nhau bằng tầng tầng lớp lớp hành lang, các không gian bên trong có thể được cảm thụ từ những sân trong với những góc nhìn hết sức đa dạng.

Đối xứng giữa một nửa phía Bắc và một nửa phía Nam dọc theo một trục tưởng tượng theo trục Đông-Tây của ngôi đền.

Nhìn vào tổng thể mặt đứng, các phương vị ngang của những dãy hành lang được sắp xếp một cách cân bằng với những phương vị đứng của các tòa tháp, rồi sau đó hướng mắt người nhìn tụ vào điểm cao nhất của tòa tháp trung tâm cách mặt đất khoảng 60m. Ngày nay, dù đã mất đi một số phần kiến trúc thượng tầng ở lối vào phía Tây, cả ngôi đền vẫn mang lại ấn tượng về sự cân bằng hoàn hảo của hình khối kiến trúc.

So sánh với các nhà thờ phương Tây với không gian vươn theo chiều cao mang tính siêu thoát vì ở phương Đông, những người nghệ sĩ xây dựng Angkor Wat đã tạo nên những hình khối trải rộng theo chiều ngang, với một tầm vóc rộng lớn không thể tưởng tượng nổi.

Công trình như một bảo tàng nghệ thuật vĩ đại với hàng pho chuyện thần thoại được kể lại trên những bức phù điêu dài bất tận

Một ngôi đền thăng trầm

Ngôi đền từ đầu được xây dựng như một ngôi đền Hindu thờ thần Vishnu nhưng sau đó đã trở thành một thánh địa Phật giáo. Nghịch lý thay, biểu tượng tôn giáo của đạo Hindu này đã trở thành một trong những di tích Phật giáo quan trọng nhất ở Campuchia.

Tượng Phật trong khu đền

Những dấu hiệu thay đổi trong tôn giáo của ngôi đền được nhìn thấy rõ ràng nhất ở tầng của tháp thánh trung tâm, nơi các lối đi và hành lang chữ thập được đặt các bức tượng Phật. Trần nhà bên trong của những mái vòm này được bao phủ bởi trần gỗ trang trí bằng những bông hoa sen đang nở.

Các hành lang chữ thập trở thành nơi che chở nhiều bức tượng từ các thời kỳ khác nhau, đã bị Khmer Đỏ trút cơn thịnh nộ lên Phật giáo và các biểu tượng của đạo này tại đây. Tàn tích của những bức tượng Phật cổ còn để lại như minh chứng cho những giai đoạn lịch sử hưng thịnh-suy vong của tôn giáo nước này.

Một đóa hoa sen…

Bước dọc theo hành lang, bắt gặp một đóa sen được đặt trong lòng bàn tay của một tượng Phật đã bị phá hủy, khiến tôi xúc động nhớ lại câu chuyện của A-dục vương, vị Hoàng đế Phật tử của xứ Ấn (thế kỷ thứ III trước Tây lịch).

Nhờ những giáo lý của Đức Phật, đã hoàn toàn thay đổi khi tuyên bố công khai rằng ông sẽ không bao giờ rút gươm ra để thực hiện một cuộc chinh phục nào nữa (bất kể ông đang ở tột đỉnh uy quyền và cai trị một đế quốc rộng lớn). Ông là tấm gương độc nhất trong lịch sử về sự can đảm và đức tin, đã quay lưng lại với chiến tranh và bạo động, bởi đã hiểu được về tình thương và từ bi, về sự tôn trọng với mọi sự sống. Để từ đó, chúng ta chỉ nghĩ về một sự chinh phục cao quý hơn, đó là sự chinh phục bằng đạo đức và từ bi, mang lợi ích cho đời sống này và cả về sau. 

Dấu xưa
Bình minh Angkor

Nguyễn Đinh Khoa

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!