(MTD) Tết là dịp mọi người được nghỉ ngơi, đoàn viên gia đình sau những ngày tháng làm việc vất vả và cuốn theo những bon chen của cuộc sống thường nhật. Có những thứ được gọi là đặc trưng riêng chỉ có ở Tết: dưa hấu, bánh chưng, mai vàng, đào thắm, chợ Tết, chợ hoa, bánh mứt, lì xì,…nhưng có lẽ đối với những thế hệ 7x, 8x âm thanh của tiếng pháo là âm thanh rộn rã nhất không thể nào quên được báo hiệu một năm mới đã sang – những âm thanh giòn giã, đùng đoàng ở mỗi con phố, con hẻm vào những ngày xuân.
Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày ấy pháo chưa cấm ở Việt Nam, mỗi gia đình thường mua những phong pháo dài hoặc những viên pháo đại, pháo trống, pháo tép, pháo dây,… và được xếp ngay ngắn gọn gàng theo những cuộn pháo trong những cái hộp màu đỏ góc cạnh. Mạ tôi nói rằng, nhà nào có tiếng pháo nổ to ran trời, không bị đứt quãng coi như một sự thành công, tìm thấy được niềm vui và kỳ vọng một năm mới đầy hứa hẹn.
Theo quan niệm xưa cho rằng tiếng pháo ngày Tết có ý nghĩa để xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo năm cũ và mong ước cho một năm bình an, may mắn. Tết không pháo là Tết “rất thiếu” của thế hệ chúng tôi. Trước đây kinh tế còn khó khăn nhưng từ thành thị đến nông thôn nhà ai cũng cố sắm cho được bánh pháo đốt đêm giao thừa, nhà nào có điều kiện hơn thì mua vài ba bánh đốt đến ngày tiễn ông bà ông vải.
Từ chiều 30 Tết, lũ trẻ đã háo hức tắm nước mùi già, treo sẵn pháo lên trước hiên nhà, hồi hộp đếm thời gian chờ đến 12 giờ đêm để được nghe tiếng “đùng đùng đùng…” của pháo nổ. Tiếng pháo rộn rã đúng thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ vừa qua và đón năm mới với bao nhiêu ước vọng. Tiếng pháo nổ đì đùng liên hồi không đứt, xác pháo bay tung toé lên trời làm rực cả khoảng sân với làn khói pháo bay mù mịt vào nhà với mùi thơm xanh và hít hà một cách say sưa, đọng lại đó thật lâu trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ của những đám trẻ. Sáng mùng một trong cái lãng đãng của tiết xuân se lạnh, trước sân nhà nào nhà nấy đám xác pháo nhuộm đỏ hồng như những cánh hoa đào tượng trưng cho một năm may mắn và đỏ tươi… Hình ảnh này vừa thân quen vừa gần gũi, sống mãi trong ký ức của bao lớp người không thể nào quên.
Đám trẻ con ngày ấy mong Tết khấp khởi từng ngày, thích pháo nhất trên đời. Mấy ngày trước Tết toàn háo hức khoe nhau xem nhà đứa nào đã mua pháo. Rồi cả lũ rủ nhau đứng trực trước cổng nhà ai chuẩn bị đốt pháo. Chờ tiếng pháo vừa dứt là tranh nhau cướp pháo, tìm pháo xịt, pháo chưa nổ giữa những đống giấy đỏ,… Túi áo đứa nào cũng đầy những trái pháo như vậy, mặt mũi lấm lem, bộ quần áo đẹp diện Tết vấy đầy màu hồng và cái mùi hăng hắc của pháo. Trái pháo tép ngày ấy bé tí xíu nên lỡ có nổ trên tay cũng chẳng mấy hề hấn chi. Mùi khói pháo là mùi quyện chặt lại nhất và không xen lẫn vào đâu, cái mùi cháy cháy khét khét hoà vào tóc, vào áo quần và thoang thoảng đâu đó mùi của hoa cúc, cành mai ba mẹ đi lựa trước thời khắc giao thừa, mùi của xôi chè, bánh mứt,…
Với đám trẻ, cái mùi xác pháo ấy mới chính là mùi tết chứ không phải mùi bánh chưng hay giò chả. Những mùi hương ấy vừa ngửi thấy thôi là người ta lại nao nức đến cái Tết sum vầy, cái Tết cổ truyền cả năm mới lại có dịp.
Tiếng pháo báo hiệu xuân về đã đi vào tâm thức của biết bao thế hệ người Việt như một âm thanh tượng trưng cho sự vui mừng, hạnh phúc. Thời gian cứ vậy mà trôi qua. Chúng ta từ trẻ con đã trưởng thành, rồi già đi. Xuân vẫn đến và Tết vẫn về dù cho chúng ta có ngóng trông hay không. Càng lớn, thấy cuộc đời có nhiều thứ phải lo toan, để gánh gồng, để đến một lúc nào đó, có khi mệt mỏi quá, ngồi xuống và mơ ước, thèm nhớ một thời đã qua như là mùi Tết quê nhà từ những ngày xa xưa đó.
Xã hội thay đổi, không khỏi kéo theo những tập tục xưa cũ cũng phải đổi thay cho phù hợp. Vậy mong rằng mỗi chúng ta, trong những ngày này hãy để tiếng pháo Tết lúc xa lúc gần đây đó, mùi pháo Tết là một hoài niệm đẹp cho mọi người như quên đi những nhọc nhằn, gác lại những lo toan của ngày thường để đón chào một năm mới. Để ăn Tết, để cảm Tết, để thấy Tết xưa hay Tết nay, mỗi mùa một vẻ nhưng vẫn luôn đẹp và ấm áp tình người và như thế, Tết mới vui, mới nhiều ý nghĩa.
Ths Nguyễn Văn Nhật Thành
(Giáo viên Trường THPT Vĩnh Định – H.Triệu Phong – Quảng Trị)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát
- Nghe mùi thơm bông lúa chợt nhớ mái trường xưa
- Mùi tết quê ngoại