Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Cha mẹ sinh con, trời sinh… giới tính

(MTD) Quan niệm “trọng nam khinh nữ” hay “phân biệt giới tính” vẫn còn âm ỷ trong xã hội ngày nay. Điều này đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến cách giáo dục tư tưởng, suy nghĩ và hình thành nhân cách của trẻ. Cùng Mây lắng nghe ý kiến của tác giả Viễn Huỳnh trong “Làm cha, làm mẹ” nhé!

Tư tưởng trọng nam khinh nữ

Dựa trên số liệu thống kê ngày 31-12-2018 thì nước ta có 23.942.527 thanh thiếu niên dưới 15 tuổi với tỉ lệ 12.536.210 nam / 11.406.317 nữ. Điều này có nghĩa là trong vòng 10 năm tới nếu số lượng các bé trai sinh ra vẫn nhiều hơn các bé nữ thì sẽ có ít nhất là trên 1,1 triệu nam thanh niên Việt Nam không cưới được vợ. Điều này có nghĩa là có hàng triệu ông bố bà mẹ Việt quyết định sinh con trai để có người nối dõi tông đường sẽ có khả năng không có con dâu lẫn cháu nội hoặc là phải cho con ra nước ngoài tìm vợ.

Khi vợ chồng tôi chuẩn bị có con, rất nhiều người từ bà con tới bạn bè đều chúc bé đầu lòng sẽ là bé trai. Và khi Andi ra đời, nhiều người chúc mừng vợ chồng tôi là đã có thằng cu tí nối hương hỏa dòng họ vì họ biết tôi là con một. Trên thực tế, cả hai vợ chồng tôi đều không quan trọng con trai hay con gái vì chúng tôi không có quan niệm nối dõi tông đường. Đối với chúng tôi, con nào cũng là con, trai hay gái gì nếu đã do mình sinh ra thì mình phải có trách nhiệm yêu thương, nuôi nấng và dạy dỗ cho nên người. Sau này khi Andi đủ tuổi trưởng thành, bé có quyền chọn lựa cuộc sống riêng của mình mà không phải lo nghĩ đến chuyện làm bổn phận cháu đích tôn gì cả.

Những tưởng chuyện trọng nam khinh nữ chỉ còn ở trong những câu chuyện thời xưa hoặc nếu ở hiện tại thì chỉ còn sót lại ở những vùng quê nghèo hẻo lánh và dân trí thấp. Nhưng đáng buồn thay, hủ tục này vẫn còn rất phổ biến ở các thành phố lớn và hiện đại ở Việt Nam như Sài Gòn hay Hà Nội. Không chỉ là người dân quê ít học hoặc người lao động bình dân mà trong số các ông bố bà mẹ nhất định phải có đứa con trai nối dõi, không hiếm người thuộc giới trí thức như bác sĩ, kỹ sư hay doanh nhân thành đạt. Có những người bạn của tôi đã có hai cô con gái rồi mà vẫn phải gắn gượng “làm thêm đứa nữa” với hi vọng có thằng con trai vì ông chồng là con trai đích tôn của cả dòng họ mặc dù với độ tuổi của cả hai vợ chồng, bác sĩ khuyến cáo là không nên sinh thêm con.

Có cả trường hợp cả hai vợ chồng tuy chức năng sinh lý bình thường nhưng vì muốn có con trai nên cả hai quyết định thụ tinh nhân tạo để đảm bảo đứa trẻ sỉnh ra là trai. Đó là những trường hợp tôi biết, và tôi chắc chắn rằng vẫn còn rất nhiều, rất nhiều trường hợp trọng nam khinh nữ như thế ở khắp đất nước Việt Nam này mà chúng ta vẫn còn chưa biết. Nhưng chắc chắn chuyện này không hề lạ ở nước ta.

I. Tại sao người Việt Nam lại thích sinh con trai?

Việc thích sinh con trai là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của tư tưởng “trọng nam khinh nữ” rất phổ biến ở các nước Châu Á. Đối với những quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, việc sinh con trai là một điều may mắn vì những lý do sau:

Có con trai để làm ruộng: Nghề nông cần sức lực lao động nặng nhọc, chính vì thế các nước nông nghiệp lạc hậu rất thích đẻ con trai vì điều này đồng nghĩa với việc gia đình có thêm nguồn lực lao động. Khi con trai lớn lên lấy vợ, con dâu cũng sẽ về nhà chồng lao động và sinh con đẻ cái cho gia đình nhà chồng làm tăng nguồn nhân lực. Ngược lại nếu đẻ con gái, sau này con gái đi lấy chồng làm dâu nhà người khác đồng nghĩa với việc mình đẻ con và nuôi con giùm nhà người ta. Chính vì suy nghĩ này mà nhiều người cảm thấy việc sinh ra và nuôi con gái là một thiệt thòi hoặc bất hạnh rất lớn.

Có con trai để thi cử đỗ đạt: Đối với hệ tư tưởng Nho giáo, chỉ có đàn ông mới được quyền học hành thi cử và làm quan còn phụ nữ thì gắn liền với việc nội trợ bếp núc. Chính vì vậy, có con trai đồng nghĩa với việc sau này gia tộc có cơ hội được vinh hiển phú quý nếu con trai học hành thành tài đỗ đạt. Còn con gái thì không cần phải học nhiều vì trước sau gì cũng sẽ lấy chồng và làm nội trợ chứ không được ra ngoài thi cử làm quan. Với tư tưởng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, việc sinh con trai không những mang lại niềm hãnh diện cho gia đình mà còn là niềm tự hào của cả dòng họ.

Có con trai để nối đường hương hỏa: Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn do truyền thống của chế độ phụ hệ, con gái lấy chồng về nhà chồng sẽ trở thành “nữ sinh ngoại tộc” chẳng những sinh con cho nhà chồng mà còn không được thờ cúng cha mẹ ruột của mình. Một đứa bé trai khi vừa chào đời đã mang nặng trên vai trọng trách sau này ma chay thờ tự cha mẹ và ông bà tổ tiên đồng thời lấy vợ sinh con trai để tiếp tục nối hương hỏa cho dòng họ. Trọng trách này cũng có nghĩa là người thừa kế gia sản của cha mẹ để lại.

II. Sinh được con trai có thực sự là phúc đức?

Mặc dù xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều về mọi phương diện, nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải đẻ con trai vẫn còn ăn sâu trong ý thức hệ của rất nhiều người dân Việt Nam. Tư tưởng này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng góp phần làm cho xã hội ngày càng trở nên nghèo nàn và lạc hậu. Ngoài việc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng mà tôi đã đề cập ở phần trên, việc chọn lựa giới tính cho thai nhi hoặc phá bỏ thai nữ có giới tính nữ là những điều vừa trái đạo đức vừa trái pháp luật. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai để chọn giới tính cao nhất thế giới. Đây là một tội ác cần phải được lên án vì bất kỳ đứa trẻ nào cũng có quyền được sống và được sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ.
Một vấn đề khác cũng nghiêm trọng không kém xuất phát từ suy nghĩ đơn giản “đẻ được con trai là có phúc” là việc sinh con trai nhưng không dạy dỗ tới nơi tới chốn. Ở Việt Nam không hiếm những gia đình coi con trai, cháu trai như vàng như ngọc, từ nhỏ tới lớn muốn gì được nấy, không phải làm bất cứ việc lớn việc nhỏ hay chịu một trách nhiệm gì. Những việc trong gia đình đều do mẹ và các chị lo toan gánh vác. Thay vì học hành cho nên người, các cậu ấm ấy chỉ biết ăn chơi quậy phá cho tan tành hết của nả dòng họ để lại nhưng vẫn được cha mẹ ông bà bao che dung túng. Không hiếm những trường hợp các quý tử ăn chơi trác táng rồi đi vào con đường nghiện ngập hoặc tù tội làm khổ bố mẹ phải lo lắng cực khổ lúc tuổi già thay vì được hưởng phước từ con như mong đợi.

Nên thân hơn một chút là những cậu con trai “ngoan nhưng vô dụng”. Những cậu trai này tuy học hành đàng hoàng và không ăn hoang phá hại nhưng ngoài việc tốt nghiệp đại học và làm một công việc văn phòng làng nhàng nào đó trong xã hội thì cuộc sống của họ không có một ý nghĩa hay mục đích gì cao cả. Trong tư duy của họ không có những khái niệm “học hỏi”, “sáng tạo” hay “cống hiến” mà chỉ có khái niệm “kiếm tiền” và “hưởng thụ”. Trách nhiệm của họ đối với gia đình gói gọn trong việc kiếm thật nhiều tiền mang về để thỏa mãn những nhu cầu về mặt vật chất còn tất cả những trách nhiệm trong nhà kể cả việc chăm lo cho con cái, họ đều giao hết cho vợ. Thời gian rảnh rỗi của họ nếu không dành để chơi game online thì cũng dành để bù khú với bạn bè ngoài quán nhậu để “thư giãn” sau giờ làm việc vì nghĩ rằng việc đi làm kiếm tiền của mình đã là một việc vĩ đại lắm nên mình có quyền hưởng thụ cho sướng.

Họ cũng không có những mối quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội, giáo dục hoặc môi trường. Đối với những vấn đề bất cập từ cơ quan ra tới xã hội, họ chọn cách giả câm giả điếc vì sợ đụng chạm tới quyền lợi của mình. Nhưng khi về nhà, họ lại trở thành những “ông vua” quyền hành thét lác ra oai với vợ con mình và bắt mọi người phải nể sợ và nghe lời. Và cứ thế, họ sống hết cuộc đời nhàm chán vô vị của mình với sự tự hào mình là một người đàn ông đúng với định nghĩa “Làm trai cho đáng nên trai/Khom lưng cố gánh lấy hai đồng tiền”.

Đó là tôi vẫn chưa kể đến dạng đàn ông rượu chè bê tha, đã không làm ra được tiền nuôi sống bản thân ăn bám vợ con mà vũ phu độc đoán gia trưởng hay tệ hơn nữa là những thanh niên thất học, lêu lổng nghiện game hoặc cờ bạc xì ke ma túy trở thành gánh nặng cho xã hội. Rõ ràng, tỷ lệ tội phạm nam giới trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng vẫn cao hơn nhiều so với tỉ lệ tội phạm là nữ giới. Vì thế vấn đề quan trọng ở đây không phải là sinh con trai hay con gái mà việc dạy dỗ con cái như thế nào mới là điều đáng quan tâm.

III. Cha mẹ sinh con, hãy để trời sinh… giới tính:

Để bỏ được những tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn đã ăn sâu trong suy nghĩ của rất nhiều người Việt Nam không phải là một điều dễ dàng gì. Nếu bạn thật sự muốn thoát khỏi tư tưởng cổ hủ lạc hậu để có thể yêu thương con mình trọn vẹn và đúng nghĩa, hãy thực hiện những điều sau đây:

1. Đừng sinh con theo ý nguyện hay bổn phận của bạn với dòng họ gia tộc mà hãy sinh con vì bạn thật sự muốn tạo ra nó. Nên nhớ một đứa trẻ ra đời không phải là để gánh vác trách nhiệm hương hỏa của dòng họ mà là để sống tốt cuộc đời của nó và từ đó cống hiến cho xã hội.

2. Phá thai hoặc chọn lựa giới tính cho thai nhi là những việc làm trái với đạo đức và pháp luật. Cho dù bạn có đức tin tôn giáo hay không thì việc chọn giới tính cho con một cách có chủ ý đều là việc làm vô lương tâm đồng thời gây mất cân bằng giới tính cho xã hội trong tương lai.

3. Đã là con thì hãy thương yêu công bằng cho dù đó là trai hay gái. Trong tất cả những điều bất công mà cha mẹ làm đối với con cái, sự phân biệt đối xử do giới tính là một điều vô cùng tồi tệ. Nếu bạn là một người mẹ, bạn càng phải nên công bằng với con gái mình hơn nếu trước kia bạn đã phải gánh chịu những bất công từ tư tưởng truyền thống trọng nam khinh nữ.

4. Hãy biết dừng lại khi đã đủ. Đừng vì lý do nhà phải có đủ nếp đủ tẻ để tiếp tục đẻ tiếp con trai nếu vợ chồng bạn đã có hai cô con gái và nhất là khi điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép có nhiều con. Sinh ra nhiều con nhưng không đủ điều kiện để chăm sóc nuôi dạy chúng nên người là một tội lỗi của người làm cha làm mẹ.

5. Không có cơ sở khoa học nào chứng minh rằng con trai sẽ thành đạt, hiếu thảo hay thương yêu cha mẹ hơn con gái. Tính cách và nhân cách của một người là do cách giáo dục mà hình thành nên chứ không phải là do giới tính quyết định. Muốn con cái nên người và thương yêu bạn, hãy tập trung vào việc nuôi dạy và làm gương cho con. Đẻ con trai nhưng không dạy dỗ đàng hoàng mà lại nuông chiều dung dưỡng thì chẳng những bạn không được hưởng phước mà còn có khả năng khổ về con sau này.

Ông bà ta có câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” với hàm ý cha mẹ chỉ có thể cho con hình hài nhưng không quyết định được tính cách của con nên cho dù con cái lớn lên có ngỗ ngược như thế nào thì cha mẹ cũng phải chịu. Tôi thì lại không nghĩ vậy vì tính cách của con người được hình thành như thế nào đều liên quan tới cách giáo dục của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ khi sinh đứa con ra đời dù muốn dù không cũng không thể chọn được giới tính của con mình nên “cha mẹ sinh con, hãy để…trời sinh giới tính”.

Đừng vì giới tính của con mình mà yêu quý, nuông chiều hoặc ngược lại ghét bỏ và đối xử bất công với con mình. Hãy nhớ rằng, dù là trai hay gái, đã là con thì người làm cha làm mẹ phải công bằng vì xét cho cùng, con bạn không tự chọn giới tính cho bản thân mình.

Viễn Huỳnh

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!