Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Chay mặn tùy tâm

maythongdong

(MTD) Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được những câu hỏi lẫn thắc mắc, đại loại như: ‘Đức Phật có ăn mặn không?, ‘Đức Phật ăn mặn sao Phật tử ăn chay?’, ‘Đức Phật để tóc mà sao chúng đệ tử lại cạo đầu?’,…

Thật ra bạn cũng có thể tự tìm hiểu, các vị giảng sư đã giảng giải về điều này rất nhiều rồi.

Theo tôi biết, Văn hóa Ấn Độ ngày nay không thay đổi gì nhiều so với những gì được ghi chép trong kinh sách từ 2.500 năm trước. Từ trang phục, ăn uống, đến lối sống.

Ấn Độ là một đất nước ăn chay gần như cả nước. Theo các tài liệu nghiên cứu được công bố [bạn có thể tự tìm hiểu], Ấn Độ cổ đại có nhiều di tích thể hiện quan điểm ăn chay được ghi nhận vào thế kỷ thứ 6 Tr.CN và duy trì văn hóa ăn chay cho đến ngày nay.

Thông qua đọc một ít kinh sách, tôi hiểu thêm như vầy, khi Thái tử Siddhartha [Đức Phật lúc nhỏ] thấy những con giun quằn quại đau đớn dưới lưỡi cày, Ngài đã rất thương tâm. Hay khi thấy con thiên nga bị trúng tên, Ngài đã vô cùng đau xót. Khi thấy con bò bị hiến tế, Ngài đã rất thương xót,… Như vậy, chứng tỏ bữa ăn hằng ngày của Ngài là không hề có món thịt. Bởi vì nếu có thịt, Ngài sẽ thắc mắc món này từ đâu mà có, nếu Ngài biết nguồn gốc món ăn đó, Ngài sẽ đau khổ.

Hơn nữa, vua cha của Ngài, Đức vua Suddhodana, vì sợ Ngài phải chứng kiến cảnh già, cảnh khổ, cảnh chết chóc,… mà bỏ nhà đi tu, cho nên trong hoàng cung đã sớm có lệnh cấm cảnh giết chóc. Như vậy, có thể cả hoàng tộc của Ngài đều ăn chay.

Thái tử Siddhartha là con cầu con khẩn, Đức vua Suddhodana và Hoàng hậu Maya phải giữ gìn lối sống thanh sạch mới sinh được đứa con này. Cho nên, có lẽ, thái tử Siddhartha đã ăn chay ngay từ trong bụng mẹ. Các món ăn hay được nhắc tới trong kinh sách cũng chỉ có bánh làm từ bột lúa mạch, cháo sữa,…

Sau này đi tu khổ hạnh trong rừng, thứ mà Thái tử Siddhartha ăn cũng chỉ có hoa quả trong rừng và những hạt mè,…

Khi rời hang tu, Ngài cũng chỉ thọ nhận một bát cháo sữa.

Khi Giác ngộ thành Phật, Ngài thọ thực vật phẩm cúng dường, mỗi ngày chỉ ăn một bữa ngọ. Khi đi khất thực, đại chúng cúng dường món gì thì Ngài thọ thực món ấy, nhưng vì cả đất nước gần như ăn chay, cho nên món cúng dường cũng chắc chắn là món chay. Giả sử, nếu có nhà nào ăn thịt, thì người ta cũng sẽ chỉ lấy hoa quả, bánh bột hoặc sữa dê sữa bò gì đó để cúng dường cho Ngài, chứ không ai đi lấy món thịt để cúng dường cho một vị Phật. [Ví như ở Việt Nam, dù trong nhà không có món chay nào thì cũng sẽ luôn có món cơm trắng để cúng dường mà]. Trừ khi người cúng dường nhằm mục đích phỉ báng Đức Phật, nhưng vấn đề này tôi không đọc được trong kinh sách, chứng tỏ là cũng không có chuyện ai đó cúng dường món mặn.

Món ăn cuối cùng Đức Phật thọ thực được ghi trong kinh sách là món nấm.

Ngày nay, khi có dịp qua Ấn Độ, những người Ấn mà tôi có duyên gặp gỡ và tiếp xúc, họ cũng ăn thuần chay, dù họ không hề theo đạo Phật [chủ yếu là đạo Hindu]. Vào các ngôi trường làng, tôi thấy các em học sinh cũng ăn thuần chay. Món ăn chủ yếu của họ là súp cà ri [thường được nấu bằng khoai tây và đậu, hơi nhiều gia vị] và món bánh làm từ bột lúa mạch: Bánh Chapati [ngon lắm luôn]. Người Ấn bảo họ đã ăn như vậy từ bao đời nay rồi.

Trộm nghĩ, văn hóa ăn chay ở Ấn Độ đã có từ trước khi Đức Phật ra đời rồi, cho nên không thể có chuyện Đức Phật ăn mặn mà chúng đệ tử lại ăn chay được. Nghĩ như vậy thấy nó cứ… lợn cợn làm sao ấy.

Trên đây chỉ là sự hiểu biết và suy luận của tôi.  Sự đọc, sự hiểu biết, sự thể nghiệm của tôi chỉ có giới hạn.

Còn việc bạn ăn chay hay ăn mặn là tùy tâm, tùy duyên của bạn. Sẽ không ai có đủ quyền năng để phê phán hay giết chết bạn, nếu bạn ăn mặn. Cho nên, bạn không cần phải lý giải, biện dẫn về việc ăn uống của mình, rằng ‘Đức Phật ăn mặn sao mình phải ăn chay?’,…

Ngược lại, nếu bạn coi ăn chay là quan trọng, người ăn mặn là tội đồ giết hại động vật thì cũng không nên. Bởi vì, suy cho cùng việc phán xét người khác là điều bất hạnh nhất của đời bạn. Chính sự phán xét đúng-sai, trắng-đen, tốt-xấu, đã gây ra sự chia chẻ, chia cắt chúng ta khỏi cái Một hằng có. Bản chất mọi thứ đều trong suốt. Bạn không thấy nó trong suốt chẳng qua là do lăng kính của bạn vẩn đục mà thôi.

Còn chuyện ‘Đức Phật để tóc mà sao chúng đệ tử lại cạo đầu?’,.. thì giá mà tôi sống cùng thời Đức Phật, nhất định tôi sẽ chạm chân để hỏi Ngài.

Nhân tiện, tôi muốn chia sẻ thêm, là tôi đặc biệt thích văn hóa dùng tay bóc thức ăn của người Ấn. Vì lúc nhỏ, thậm chí bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn hay ăn bóc như vậy. Trộm nghĩ, vì bàn tay là của tôi, tôi kiểm soát được độ sạch dơ. Còn muỗng, đũa,… là vật bên ngoài, tôi không kiểm soát được. Hơn nữa, dùng tay chạm vào thức ăn, cũng là một dạng kết nối, tốt cho việc thực hành lòng-biết-ơn. Cảm giác món ăn đang nhảy múa và ngon hơn khi mình chạm tay. Hông tin, bạn có thể thử một lần xem sao. Rất là thú vị!

Ngô Đồng

* Tác giả là một nhà báo, một thiền sinh ăn chay trường

maythongdong.vn
Bảo Trầm – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!