Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Chuyện tử tế mùa Covid-19: Chuyện tại chốt kiểm dịch Tam Thái

Bài dự thi – Chị Hiền: “Anh đi bỏ hàng hả anh, anh bỏ ở mô rứa?”. 

Lời hỏi thăm đặc sệt giọng Quảng ấy được chính sự nhiệt thành và cơn mưa lay lắt làm cho vang dội để rồi thành tia sáng cho một người đang rối như tơ vò ngoài kia một con đường đoàn tụ với gia đình mùa dịch.

Dịch bệnh ập đến, tôi chọn khoác lên mình chiếc áo màu xanh điểm thêm chiếc logo Đoàn để làm thanh niên xung kích, trực tại các chốt kiểm dịch. Không những tôi, thanh niên Tam Dân, Tam Thái, Tam Đại… trên toàn huyện Phú Ninh cũng xông pha ra trận. Ấy thế mà, đến ca tôi sao lại gặp những chuyện đáng yêu đến thế. 

Anh T. đi làm công ở Nha Trang về mà xe không xuống cao tốc buộc anh phải đi bộ xuống để khai báo y tế rồi tự tìm cách về nhà. Ba bịch đồ anh xách trên tay, người ướt nhẹp vì đoạn đường từ cổng cao tốc đến chốt kiểm dịch không xa nhưng mấy hôm bão Côn Sơn gì đấy làm mưa lớn khiến người anh ướt sũng. Thật ra thì cái xứ miền Trung này vốn đã khổ cay khổ đắng rồi, lâu nay lại thêm dịch bệnh rồi thiên tai làm con người ngày càng hao mòn, héo hon. 

Qua khai báo, tôi biết được anh vừa nhỉnh qua 30 một chút, ấy vậy mà nước da ngăm đen, những vết hằn của thời gian trên gương mặt ấy không tài nào đoán nổi độ tuổi. 

“Chị ơi, em đi làm ở nha Trang mà giờ dịch bệnh nên không có việc, ông chủ nợ tụi em 2 tháng lương rồi chưa trả, đi về em cũng đi nhờ xe ra được tới đây đây chị”. Cái giọng trầm trầm cộng với ánh mắt khắc khổ ấy sao mà chua, mà xót quá! 

Chị Hiền giật mình, “em về mô?” 

  • “Dạ, Bắc Trà My chị” 
  • “Từ đây đến đó cũng hơn 2 tiếng, em tính về bằng cái chi?” 
  • “Em cũng không biết nữa, em ra xin xe được thì về không chắc qua mai về chứ chừ cũng tối, lại mưa nữa nên em cũng không biết làm răng?” 

Nén tiếng thở dài, chị Hiền chỉ chỗ cho anh hoàn tất thủ tục khai báo và kiểm tra giấy tờ trước khi vào địa phương. 

Chốt cao tốc Tam Thái được dựng lên để kiểm soát các loại phương tiện ở địa phương khác vào, người xuống chốt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hạn, thẻ xanh đi đường và khai báo y tế theo quy định. Chính vì sự nghiêm ngặt nên thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Những phương tiện xuống chốt không có đầy đủ giấy tờ, buộc phải quay đầu nhưng với trường hợp anh T, nếu không có thì quay đi đâu? 

May sao, trừ cái thẻ xanh gì đấy cho phương tiện đi lại thì anh có đủ vì phương tiện của anh có động cơ chạy bằng cơm mà!!! 

Năm phút, mười phút, ba mươi phút, một tiếng… không có dấu hiệu dừng lại cho sự chờ đợi ngày được về với gia đình của anh T. 

Một chiếc xe chở hàng tấp vào 

Chị Hiền: “Anh đi bỏ hàng hả anh, anh bỏ ở mô rứa?” 

  • “Bắc Trà My em” 

Ánh mắt chị sáng lên, giọng chị cao vút như những đứa trẻ mới nhận được quà từ ba mẹ.

“Anh cho T nó lên với, nó đi bị kẹt ở Nha Trang hai tháng nên không có tiền về xe, nó cũng ở Bắc Trà My đó”. 

Người tài xế trung niên có hơi ái ngại vì dịch đang căng cộng với cái sợ “ách giữa đàng mang vô cổ” mà ông bà ta hay dặn xưa nay. 

“Nó có đầy đủ giấy xét nghiệm âm tính, có cả thông tin của nó được lưu trên dữ liệu khai báo quốc gia đây, anh yên tâm” Chị Hiền rướn người tới nói thật thành khẩn với mong cầu một cái gật đầu để anh T được quá giang. Và thế là cái gì đến cũng đến, bác tài xế trung niên kia đã đồng ý để anh T lên xe. 

Qua ánh sáng hiu hắt từ ca bin xe chở hàng, tôi thấy bờ vai của người thanh niên rung lên và nụ cười hạnh phúc giấu sau sự bẽn lẽn của một con người giỏi làm ít nói. Hai tiếng nữa, anh sẽ được về với nơi mà ai cũng mong cầu được về – gia đình. 

Anh Thắng, Triệu, Văn và tôi đều cảm thấy vui lây vì ít ra, chúng tôi cũng được một bài học mãn nhãn về sự sẻ chia của chị Hiền. 

Đấy, trực giữa cái ngày mưa gió lạnh ướt sũng, dịch bệnh diễn biến “không biết đâu mà lần” vậy mà vẫn có những hành động đẹp lạ đẹp lùng vậy đấy. Cái đẹp hoa mỹ, được sắp xếp liệu có qua những cái đẹp toả ra từ những điều nhỏ nhặt giản đơn nhưng lại đúng lúc nhất? 

Trong trải nghiệm trực chốt cách ly ngày 10-9 vừa qua, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Nhật Triệu – Đoàn viên xung kích của xã Tam Dân, Quốc Văn – Dân quân tự vệ, Chị Hiền – Y tế xã Tam Dân, Anh Thắng, anh Cường – cán bộ Công an huyện Phú Ninh vì đã giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của một đoàn viên xung kích và đây chính những trải nghiệm đáng quý trong thanh xuân của tôi. 

Nguyễn Trang Châu

Ghi chú: Bài viết có sử dụng ngôn ngữ địa phương (tiếng Quảng Nam)

  1. Ở mô rứa = Ở đâu vậy 
  2. Bịch đồ = Bao đựng quần áo 
  3. Nhỉnh qua 30 = Hơn 30 tuổi, nằm tầm 31, 32, 33 
  4. Bằng cái chi = Đi bằng phương tiện gì về quê 

Nhằm góp sức lan tỏa những điều tích cực, kiến tạo năng lượng an vui trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong phối hợp cùng Công ty Cổ phần Rừng Xanh Mãi – đơn vị sở hữu thương hiệu nhang Bảo Trầm tổ chức cuộc thi viết “Chuyện tử tế mùa Covid-19”, với tổng giải thưởng 22 triệu đồng. Mời bạn xem thể lệ cuộc thi và cùng tham gia.

maythongdong
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH CUỘC THI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!