Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Chuyện tử tế mùa Covid-19: Nhật ký nơi tuyến đầu

Mây Thong Dong

Bài dự thi Màn đêm buông xuống nơi tuyến đầu, từ trong nhà, ngoài phố, các dãy đèn được bật sáng trưng. Trong các Bệnh viện Dã chiến thu dung, quạt quay liên hồi, đèn luôn bật sáng, các bình oxy được thay liên tục, máy SPO2 không rời khỏi các ngón tay của bệnh nhân F0.

Ngày 5 tháng 8 năm 2021

Nơi tuyến đầu, hơi thở là thứ quan trọng nhất đối với mọi người, đặc biệt là các F0 mang theo nhiều bệnh nền nguy hiểm. Bệnh nền, béo phì,… là một trong những kẻ thù của tất cả những ai lỡ vướng vào F0. Bởi đã lỡ dính Covid-19 mà còn đi kèm béo phì và các bệnh lý nguy hiểm khác trong tình trạng thành phố ghi nhận nhiều ca nhiễm như hiện nay thì không có gì khác hơn là đợi chờ phép màu và góp những lời cầu nguyện cho người may mắn.

Nơi tuyến đầu, hiểm nguy bao phủ nhưng luôn đặt sinh mạng của người dân làm trọng. Dẫu biết chẳng an toàn nhưng chỉ cần làm được chút gì đó cho bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ nhất định sẽ thực hiện hết lòng.

Nơi tuyến đầu, ngày cũng như đêm, xe cấp cứu chạy liên hồi, tiếng còi cứu thương dường như là thông điệp để cảnh tỉnh hàng triệu người ngoài kia cố gắng tự bảo vệ chính mình, tự cứu lấy mình trước khi chờ bác sĩ hay có phép màu xuất hiện.

Ở tuyến đầu, đêm nào cũng như đêm đó, hàng ngàn F0 của Bệnh viện Dã chiến bên này la hét, í ới gọi hàng ngàn F0 của Bệnh viện Dã chiến bên kia. Có lẽ nỗi cô đơn, sự trống trải cùng nỗi ám ảnh về cái chết, những cuộc ra đi cô độc đến lạnh lùng đã làm bao F0 ám ảnh.

Thời gian về đêm làm không gian tĩnh mịt, tâm niệm hào sảng của ban ngày cũng tan biến, nhường chỗ lại cho những góc khuất của nhiều lo sợ, bất an. La hét, hát ca, vẫy gọi… là cách để họ giảm stress, xua tan căng thẳng, bất an đang ngự trị trong lòng. Đứng giữa toà nhà thật cao, các cô gái, chàng trai không ngần ngại bật pin điện thoại, vẫy tới vẫy lui, rồi đọc lớn số điện thoại của mình để tìm bạn giao lưu trong những ngày điều trị.

Tại Bệnh viện Dã chiến số 12 – TP.Thủ Đức. Ảnh: TN Nhuận Bình

Có người còn hét lớn: “Bên kia có anh nào FA không? Em chưa có người yêu đây này”, hoặc “Mấy anh ơi? Em là Nguyễn Thị A, chưa có người yêu”, rồi “Nhà em ở Q.8, hết dịch em mời cà phê nha!”, “Ăn cơm tối chưa mọi người, ăn nhiều, nhanh khoẻ nhé!”, “Bên kia có nghe bên này đang nói gì không?”, “Ai có số điện thoại xài zalo kết bạn tâm sự nè!”, “Buồn quá!”, “Cô đơn quá đi!”,…

Đối với những người sắp xuất viện thì: “Mai được về rồi, nhớ mọi người lắm, nhớ những ngày này lắm! Anh em ở lại mạnh khoẻ, nhanh về đoàn tụ gia đình nha!”, “Khuya rồi, mọi người ngủ sớm nhé, ngủ ngon nha cả nhà!”,…

Hàng ngàn F0 đã tự động viên, trấn an nhau hàng đêm như thế. Dẫu giàu hay nghèo, ở thành thị hay thôn quê, vào đây rồi thì thứ duy nhất họ cần là sự sống, là duy trì được hơi thở vào ra trong lồng ngực, tiền bạc, sản vật, địa vị,… có lẽ cũng không còn quan trọng mấy.

Nơi tuyến đầu, luôn muốn gửi triệu lời yêu thương cho dân chúng ngoài kia. Ước mong duy nhất là mọi người đừng để bản thân mình nhiễm bệnh, đừng trở thành F0, đừng test ra kết quả dương tính. Mọi người khổ, người thân sẽ khổ, xã hội khổ theo, lực lượng tuyến đầu lại thêm phần lắng lo, thao thức. Hãy bảo vệ chính mình thật khỏe mạnh, bình an, là Tổ quốc đã mang ơn bạn rồi đó. Cố lên, chúng ta sẽ quyết thắng đại dịch…

Ngày 6 tháng 8 năm 2021

Hồi còn nhỏ xíu, lúc đó chỉ mới là chú tiểu ở chùa, ai đó đã cầm bàn tay lên, ngó qua ngó lại, lật tới lật lui một hồi rồi phán: Tiểu Ni có bàn tay “phục dược”, sau này ráng làm nhiều việc liên quan đến sức khoẻ để giúp người. Nghe vậy chứ chẳng hiểu vụ gì. Lớn lên đi học, càng học lại càng hiếm tin mấy vấn đề dự đoán, mơ hồ, mê tín,… Với lại nào giờ sợ máu, sợ kim tiêm, sợ uống thuốc. Mỗi lần cơ thể không khỏe, thường ôm nỗi đau chịu đựng chứ ít khi nào dùng thuốc, tới lúc hết chịu nổi mới thôi.

Ấy thế mà từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, bản thân lại ước gì lời nói bâng quơ thuở xưa có thể thành hiện thực. Cũng mong mình có bàn tay đó thật để cứu giúp, xoa dịu nỗi đau cho người. Chỉ cần có thể làm gì đó để giúp đỡ được các F0, đôi tay này nguyện không từ chối. Làm bằng tất cả tấm lòng, nhẹ nhàng, dịu dàng nhất có thể để bệnh nhân được an ủi, không còn thấy ghê sợ bệnh tật và tủi thân.

Hôm nay nhìn thấy máu đổ, thoáng chút lo sợ nhưng rồi thôi, bởi nhìn thấy bệnh nhân F0 khó thở, bao nhiêu tình thương trỗi dậy trong lòng. Biết rằng nguy cơ lây nhiễm, nhưng cũng cố gắng giúp họ với tất cả những gì mình có thể làm.

Đôi bàn tay tình nguyện. Ảnh: TN.Nhuận Bình

Đôi tay này tuy ngấm nước lâu có hơi sần chút xíu, nhưng những vết rộp này đã giúp đỡ rất nhiều việc cho bệnh nhân tại phòng cấp cứu. Hạnh phúc khi có thể chia sẻ được với người, nên đây chính là dấu ấn của niềm vui và sự cho đi, sự trao tặng. Ai biết cho đi, người đó sẽ giàu, ai có tình thương và hiến tặng nó, người ấy sẽ hạnh phúc.

Mỗi người hãy ngắm kỹ đôi bàn tay của mình xem, đẹp hay xấu chắc không quan trọng bằng việc nhiều năm qua nó hiến tặng cho đời những chi?

Thích nữ Nhuận Bình
(Tình nguyện viên phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 – TP.Thủ Đức)

Nhằm góp sức lan tỏa những điều tích cực, kiến tạo năng lượng an vui trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong phối hợp cùng Công ty Cổ phần Rừng Xanh Mãi – đơn vị sở hữu thương hiệu nhang Bảo Trầm tổ chức cuộc thi viết “Chuyện tử tế mùa Covid-19”, với tổng giải thưởng 22 triệu đồng. Mời bạn xem thể lệ cuộc thi và cùng tham gia.

Bảo Trầm
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH CUỘC THI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!