Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Chuyện tử tế mùa Covid-19: Sự cân bằng ngốc nghếch

Bài dự thi – Tình cờ đọc được một đoạn status của một người bạn trên Facebook: “Ai đã lấy mất tháng 8 của mình rồi?”. Câu hỏi khiến tôi bất chợt nghĩ vậy là hết mùa hè rồi, vậy là Hà Nội đã bắt đầu vào thu.

Ở nhà riết hết ngày này qua ngày khác khiến tối mất dần khái niệm thời gian. Thời gian trôi đi chậm chạp và mệt nhoài với những hoạt động lặp lại liên tục. Những ngày cuối tháng tám Hà Nội hay bất chợt mưa một chút vào sáng sớm hoặc chiều tối muộn, cảm giác tiếng mưa đập vào ô cửa kính như thanh âm trong lòng ngột ngạt, dồn nén bí bách.

Những ngày bắt đầu nghỉ giãn cách, tôi bị mất ngủ, mất ngủ liên tục trong hai tuần. Đêm nằm mòn mỏi trong căn phòng nóng nực, chỉ bắt đầu ngủ được lúc 6, 7h sáng. Những lo lắng về cuộc sống sắp tới khiến tôi không thể ngủ được, đầu căng như dây đàn. Tôi nhanh chóng sụt cân, khó thở khi bắt đầu ngồi xuống làm việc hoặc nằm ngủ.

Sau gần hai tháng giãn cách, tôi đã quen dần với việc ở nhà với những việc hàng ngày và sức khỏe đã tốt hơn nhưng tôi không thể phủ nhận rằng dù cố gắng bao nhiêu tôi cũng không cảm thấy vui vẻ thực sự.

Mỗi ngày tôi đều đặn xuống nhà đổ rác một lần dù túi rác của tôi chẳng có gì khi trước đây cách hai, ba ngày tôi mới đổ rác một lần. Tôi luôn khó chịu với hàng xóm cạnh nhà vì đến cuối tuần lại bật loa hết công suất để hát karaoke nay ngày nào cũng ở nhà hát nhưng tôi cũng bớt khó chịu vì họ chẳng thể làm gì trong thời gian ở nhà này.

Hà Nội mùa này trời mưa tầm tã về buổi chiều tối nhưng tôi vẫn leo bộ lên tầng thượng để cầm ô tưới cây. Thật buồn cười là tôi cũng bắt gặp cô bé hàng xóm cũng đang như tôi. Chúng tôi nhìn nhau, phá lên cười rồi cứ thế chúng tôi tưới hết cây này đến cây khác.

Ngày thành phố giãn cách thêm hai tuần nữa, cô bé hàng xóm nhà tôi đêm hôm đó rền rĩ la hét trong nhà đầy bức bối. Tôi ước tôi cũng có thể hét lên một hơi thật to để đổ hết sự bí bách trong người ra ngoài không gian kia.

Những hành động ấy của tôi và hàng xóm có phần kì lạ thậm chí hơi ngốc nghếch dường như xuất phát từ một tầng sâu không thể đo đếm được, những dồn nén chất chứa bao ngày. Những hành động đó không được mấy ai chú ý đâu mà có nói ra tôi nghĩ cũng không nhiều người quan tâm vì hiện tại có quá nhiều thứ để quan tâm hơn nhưng tôi muốn chia sẻ rằng – với chúng tôi, những điều tưởng chừng ngớ ngẩn ấy lại đang là cách giải tỏa hiếm hoi trong khoảng thời gian này.

Cuộc sống hiện tại có thật nhiều điều, thật nhiều người để lo toan nhưng có lẽ vẫn có nhiều người như chúng tôi ở giữa đại dịch này tự vùng vẫy trong khủng hoảng tinh thần của bản thân.

Với tôi, nỗi lo của thế giới này quá lớn và khó nắm bắt còn nỗi lo của bản thân tôi quá nhỏ bé nhưng lại hiện hữu, không biết chia sẻ cùng ai. Tôi và những người hàng xóm cạnh mình – chúng tôi kẹt lại – không phải trong nguy kịch của dịch bệnh hay kiệt quệ về kinh tế trong dịch bệnh này – mà là giữa khe hở bé nhỏ thuộc dịch bệnh này, tù túng trong những vùng “xanh” mà đôi khi chẳng còn thở nổi, cũng không than thở cùng ai.

Ảnh: Phạm Minh Tuyết

Những thời điểm như thế này thường rất nhạy cảm, ở lâu trong nhà nhiều rất bí bách. Tôi đã có những người bạn suốt 3, 4 tháng nay chỉ ở quanh quẩn trong nhà. Ừ thì họ cũng may mắn hơn người khác khi còn có thể lo được miếng cơm, sức khỏe tốt nhưng sự bí bách trong lòng, trong khoảng không gian chật hẹp thì chỉ có thể gào thét trong im lặng, trong những dòng tin nhắn mệt mỏi. Điều gì tích tụ lâu ngày cũng đều không ổn, thôi thì hãy cứ như chúng tôi đi đổ rác dù chẳng có gì để đổ, đi tưới cây cả khi trời mưa hay hét lên thật to dù ngốc nghếch nhưng xoa dịu được được cơn bão trong lòng.

Đừng cố tỏ ra mình ổn khi mình không ổn và cũng đừng cố phải tích cực để rồi đôi khi ngoảnh lại quên mất niềm vui đúng nghĩa. Những bệnh tâm lý, hay sức khỏe tinh thần rất quan trọng vì gần như bây giờ mọi thứ đang tập trung hết vào sức khỏe nhiều hơn và quan trọng hơn. Thành thật với cảm xúc cá nhân không phải điều xấu.

Chúng tôi vẫn đùa với nhau rằng chúng ta đang sống trong một thời kì lịch sử, sau này sẽ được ghi lại vào sách giáo khoa cho con cháu về một thời điểm mong manh và bất trắc. Và còn lúc nào thích hợp để tự tìm thấy mình trong những ngày bất an, nơm nớp lo sợ trước bóng đen dịch bệnh khi tôi có khá nhiều thời gian rảnh. Khoảng thời gian này chính là lúc tôi có cơ hội được nhìn mình một cách chậm rãi và nguyên bản nhất. Có những mơ hồ, hoài nghi nhưng làm quen, thích nghi và vượt qua là cách đối diện, chẳng còn cách nào khác. Tôi thừa nhận việc ngốc ngếch như cách tôi đi đổ rác hay tưới cây để kiếm tìm chút không gian, không đủ làm sống lại những niềm vui lúc trước nhưng nếu không như thế, mỗi ngày với tôi thật khó trôi qua.

Tôi phải tự đối phó và tìm cách giải phóng những nỗi lòng của mình, trong những mớ cảm xúc hỗn độn nhất. Tôi nghĩ đó chính là sự cân bằng trong cuộc sống này. Không thể vui giả vờ khi bên trong đang là những cơn quặn thắt, gồng mình chịu đựng. Cân bằng cuộc sống của mình trong tình cảnh chẳng có gì vui vẻ này bằng cách bất kỳ có thể khiến mình vui, để những nhức nhối ấy tan ra để nó không đau thắt mà chỉ gặn lên nhoi nhói dễ chịu hơn.

Hà Nội cả tháng nay gần như chiều tối nào cũng mưa nhưng chúng tôi vẫn lên tưới cây đều đặn. Chúng tôi không nói chuyện, không thắc mắc về sự kì quặc của nhau, chỉ lặng lẽ làm việc của mình. Những xúc cảm kì lạ len lỏi giữa chúng tôi. Đó là sự nhỏ nhoi của tôi và nhiều người khác giữa sự bề bộn của cuộc sống đại dịch này khi niềm vui của tôi bị cắt đứt khỏi xã hội và tôi phải tự tìm niềm vui khác theo hoàn cảnh mới.

Những hành động tưởng chừng ngốc nghếch đó giúp tôi giải tỏa cảm xúc trong những ngày đầy khó khăn. Khoảnh khắc đó tôi được quyền vui sướng, được quyền làm những điều tuy chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí ngớ ngẩn nhưng đơn giản là tôi thích điều đó. Và chỉ cần như thế, những điều ngốc nghếch đó đã là một niềm an ủi vô cùng. Ít ngọt ngào hân hoan, hừng hực khí thế tích cực nhưng thật thà, có khi còn cáu giận, để tôi có thể tìm một điểm cân bằng nhè nhẹ dù vẫn còn chòng chành, bấp bênh. Sự ngốc nghếch ấy cũng thú vị, nó để tôi được thấy tôi từ xa một cách nguyên bản nhất, thấy được tôi đang vượt qua những ngày này ra sao, ứng xử của tôi với thế giới thế nào khi thế giới bỗng nhiên chỉ thay đổi vì một con virus.

Bài viết này tôi không nghĩ rằng nó có thể lan tỏa được điều gì tích cực mà thực ra tôi cũng không nghĩ nó có thể tỏa được thứ năng lượng tích cực như nhiều bài viết hay ho, hấp dẫn tích cực khác, tôi chỉ muốn chia sẻ câu chuyện tưới cây nho nhỏ của bản thân mình. Những điều nhỏ nhặt đang diễn ra hằng ngày với tôi, cách tôi đón nhận và tìm cách cân bằng nó, mong rằng mọi người cũng sẽ tìm được điểm cân bằng của riêng mình dù có thể điểm cân bằng đó vẫn còn nhiều chòng chành và bấp bênh như tôi.

Phạm Minh Tuyết
(Hà Nội)

maythongdong.vn
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH CUỘC THI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!