Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Chuyện tử tế mùa Covid-19: Trái tim Bồ-tát của những thiên thần áo trắng

Bài dự thi – Suốt mấy tháng qua, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Khác với những lần trước, lần này do biến thể của virus nên các bác sĩ và các anh chị em ngành y tế, nhất là tuyến đầu đã vất vả rất nhiều để từng giây, từng phút giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.

Quả thật chỉ có tấm lòng Bồ-tát và ý chí  kiên cường mới giúp cho các bác sĩ và nhân viên y tế có đủ sức ròng rã bao tháng ngày chăm sóc không biết bao nhiêu bệnh nhân mà đa số là những bệnh nhân lâm vào cảnh thập tử nhất sinh. Nhiều lúc đói bụng, khát nước thì bác sĩ cũng không có khoảng thời gian nào để ăn uống, lại mặc bộ quần áo bảo hộ thời gian dài, bao bác sĩ đã ngất xỉu vì làm việc quá sức. Càng cao quí hơn khi bác sĩ phải tiếp xúc với những bệnh nhân có thể lây bệnh cho mình. Các bác sĩ không còn quan tâm về việc này. Bởi vì khi đã chọn ngành y thì phải chấp nhận xả thân cứu người bệnh dù có phải đánh đổi bằng nước mắt, bằng máu và cả mạng sống của mình.

Một bác sĩ kiệt sức

Thật là cảm động khi trong ngày xuất viện có bao bệnh nhân chỉ biết nói lời cảm ơn bác sĩ. Họ muốn có một đóa hoa tươi tặng cho bác sĩ thay cho lời tri ân nhưng trong hoàn cảnh này thì không thể. Tuy nhiên chỉ cần nhìn ánh mắt hạnh phúc của họ là các bác sĩ đã mãn nguyện rồi.

Tôi biết có nhiều bác sĩ tuôn trào nước mắt khi thấy bệnh nhân từ giã cuộc đời tại bệnh viện. Họ ra đi mà không có người thân bên cạnh. Chỉ còn có các bác sĩ và các nhân viên y tế lo hậu sự cho họ. Cực khổ thế nào thì các bác sĩ vẫn vượt qua vì các bác sĩ nghĩ đó là lương tâm, là trách nhiệm của mình. Nhiều bác sĩ sau thời gian điều trị cho các bệnh nhân như thấy mái tóc mình bạc nhiều hơn, gương mặt mình có thêm nhiều nếp nhăn. Nhưng các bác sĩ vẫn tự tâm niệm có mệt, có đuối thế nào cũng không thể gục ngã. Những bác sĩ bây giờ không còn đơn thuần là người trị bệnh mà còn là chiến sĩ đích thực. Cuộc chiến căng thẳng với sự biến thể của virus để mang lại sự bình an cho bao người thì người chiến sĩ phải dũng cảm tiến tới và không bao giờ được phép có tư tưởng buông xuôi.

Nhiều bác sĩ đã tình nguyện hiến máu cứu người trong đại dịch. Vừa qua, tại bệnh viện Thống Nhất, do dịch Covid-19 làm cho số người tham gia hiến máu suy giảm trong khi nhu cầu máu để sử dụng cho cấp cứu rất nhiều. Thế là nơi đây diễn ra ngày hội hiến máu và có nhiều bác sĩ tham gia. Thật xúc động khi bao người nhìn thấy giám đốc bệnh viện Thống Nhất Lê Đình Thanh và nhiều lãnh đạo, cán bộ khoa, phòng bệnh viện Thống Nhất đã tham gia “Ngày hội hiến máu tình nguyện”

Có nhiều bác sĩ bị nhiễm bệnh nhưng vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Theo số liệu báo cáo đến nay có hơn 2.380 nhân viên y tế bị mắc Covid khi làm việc và đã có 3 nhân viên y tế tử vong. Họ thật sự như những anh hùng, những liệt sĩ trong thời bình. Đây là sự hy sinh cao cả rất đáng được trân trọng. Nhiều nhân viên y tế sẽ được công nhận liệt sĩ sau cuộc chiến chống dịch cam go này.

Nhiều bác sĩ cố gạt nước mắt vào tim khi đang điều trị mà hay tin cha mẹ hay người thân mình ở quê nhà đã qua đời. Ở bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương, vợ chồng bác sĩ T.V.G hay tin mẹ mất nhưng không thể nào về tiễn đưa mẹ lần cuối do đang làm nhiệm vụ. Bác sĩ phải tranh thủ thời gian rảnh ít ỏi để đốt nén hương thay cho lời tạ tội với bậc sinh thành của mình.

Một trường hợp khác, nữ điều dưỡng  Hà Thị Trinh đang chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh thì biết mẹ cô qua đời. Không thể về nhà chịu tang, bệnh viện lập bàn thờ ngay khu cách ly để cô bái vọng người mẹ đã mất của mình. Hẳn là cha mẹ và bao người thân của các bác sĩ, các nhân viên y tế sẽ nở nụ cười ở thế giới bên kia vì họ thấy con của họ đã làm một công việc cao cả là giúp bao người thoát khỏi lưới hái của tử thần.

Chịu tang cha trong bệnh viện

Khi các bác sĩ chứng kiến bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện chính là giây phút như bóp nát trái tim của các bác sĩ. Có thể đến suốt cuộc đời các bác sĩ sẽ còn ám ảnh giây phút đau đớn này. Các bác sĩ và nhân viên y tế lo hậu sự cho các bệnh nhân qua đời chu đáo.

Thật cảm kích trước sự đoàn kết, sẻ chia của những người làm trong ngành y. Khi tỉnh hay thành phố nào có số người nhiễm bệnh cao là các bác sĩ ở tỉnh khác sẵn sàng tăng cường để giúp đỡ. Chính nhờ sự chia sẻ này mà dịch bệnh mới dễ dàng được khống chế. Bây giờ thì mọi người hiểu rõ ý nghĩa câu “Đoàn kết thì sống”. Chỉ có đoàn kết và tình thương dành cho nhau mới mang lại sự thành công.      

Thời gian qua ở thành phố Hồ Chí Minh có số người nhiễm Covid quá cao, vậy là các tỉnh thành phố khác đã giúp đỡ để thành phố sớm bình yên như trước. Thậm chí Bộ Y tế đang kêu gọi mọi người thuộc lãnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên cùng tham gia chống dịch giúp cho thành phố Hồ Chí Minh… Với sự đồng lòng chống dịch thì trước sau gì cuộc sống cũng sẽ trở lại như trước đây.

Nguyễn Thanh Dũng
(giáo viên trường THCS Gò Đen – huyện Bến Lức – tỉnh Long An)

maythongdong
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH CUỘC THI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!