(MTD) Sài Gòn mấy nay vào mùa mưa. Mưa dầm dề suốt cả buổi chiều đến tận tối. Nhóm chat của mấy chị em lại rổn rảng chuyện Trung thu, lồng đèn cho tụi con cháu giữa những ngày dịch. Một Trung thu thật lạ. Đến cái bánh nướng cho tụi nhỏ cũng chẳng có được, nói chi là chuyện thả con ra xóm để chơi rước lồng đèn với tụi con nít bạn bè của chúng.
Một mùa thu thật lạ. Mùa của những xao xác lòng người. Hơn 1.500 đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ cơn đại dịch, mà chắc chắn con số này chưa dừng lại, bởi cơn dịch còn chưa đi qua hết. Đâu ai nói hết được những mất mát, đau thương mà cơn dịch để lại. Có những tổn thất chúng ta cân đo đong đếm hay tính toán hiện hữu bằng con số, bằng dữ liệu, hay các bảng thống kê. Nhưng, có những tổn thất chẳng thể dùng bất cứ một phương thức nào để tìm ra, bởi nó lắng sâu tận tâm khảm của con người. Nó in hằn thành một vết sẹo, nó sưng tấy thành một cơn đau thắt nghẹn, nó ám ảnh cả một cuộc đời. Những tổn thương đó, mãi chẳng thể phai mờ trong tâm trí chúng ta.
Trung thu là tết của thiếu nhi, nhưng ở thời khắc này, bao đứa trẻ ly tán gia đình, bao thân phận dại khờ ngô nghê chợt thoắt cái thành mồ côi, sẽ đón một Trung thu đầy xa xót. Miếng bánh nướng, cái lồng đèn, hay buổi tối đoàn viên cùng bên gia đình vào ngày trăng tròn tháng 8 sẽ luôn là thứ dịu vợi xa khỏi cuộc đời của đám trẻ ấy. Liệu đêm trăng rằm này, chúng nhìn trăng mà nghĩ gì? Nỗi đau đó và nước mắt chắc chỉ có bản thân những đứa trẻ ấy mới thấu cảm nổi. Mùa trăng này, và những mùa trăng nữa, cho đến khi trưởng thành, hai chữ “Trung thu” tin chắc nó in hằn thành một kí ức chẳng màn mong ngóng.
Chiều mưa tầm tả, đứa cháu được khu phố gởi đến chút quà Trung thu. Tôi bảo đó là may mắn ấm áp nhất của thời khắc này. Dẫu sẽ là một Trung thu thật lạ. Mình ên thằng bé rước đèn, nhưng vẫn còn may mắn quấn quýt bên cha mẹ, được ăn miếng bánh nướng. Tôi nghĩ đó là phước hạnh mà thằng cháu có được. Lúc này, ranh giới giữa sống còn, được mất, nó mỏng manh đến độ người ta chỉ biết vịn vào hai chữ “may mắn” để nói về sự tồn tại qua cơn đại dịch. Đó không phải là một điều chối bỏ những gắng gượng cho sự sống. Hay phủi tay những điều mà cơ quan, hay cộng đồng chung tay hợp lực để dập dịch. Mà thiệt ra đó chính là niềm tin khi con người ta nhìn sự đời dần đi đến cạn cùng. Đức tin và duyên may sẽ luôn là hai thứ gieo vào lòng người ta giữa thời khắc bất lực nhất.
Thằng cháu có mẹ là F0, đương đầu với cơn dịch một cách lo sợ ban đầu, rồi dần dà tự cố gắng nhắc nhở mình còn đứa con nhỏ ở nhà chờ mình về. Hằng đêm trong khu cách ly, người mẹ vẫn chăm chỉ niệm Phật, vẫn mong cầu mình được duyên may mà thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Bởi ngay khu điều trị ấy, hằng ngày vẫn luôn nhìn thấy những ca biệt dịch trong đau xót và sợ hãi. Ngày về với con đó là một ngày chính người mẹ phải tái sinh. Nên mùa Trung thu này của thằng cháu, là một mùa Trung thu đầy duyên lành của ơn trên. Với tôi, chuỗi ngày tháng đó cũng đầy thấp thỏm và lo âu.
Bản thân chúng ta, những người đủ đầy nhận thức, những người đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, cũng là lần đầu tiên đón một Trung thu thật lạ. Ngay với chính mình, đây là lần đầu tiên, cho đến giờ vẫn chưa ăn miếng bánh nướng nào, vẫn chưa mang về cho gia đình cái bánh nào. Nhưng, với mình đó là một điều bình thường chấp nhận được. Còn thở, còn có thể gặp nhau, còn sống, còn nói được với nhau những lời bình an trong mùa đoàn viên này, đó đã là điều mừng hơn hết. Hơn chuyện bánh nướng hay rước đèn. Dù rằng, mỗi mùa Trung thu trước tôi luôn tặng bánh cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc tổ chức các đêm Trăng rằm cho vài nơi thiếu khó. Tuy nhiên, năm nay, với mình còn ngồi gõ những dòng chữ này, còn được thấy các bài viết trên mạng xã hội của bạn bè, người thân, quả thật rất mừng bởi bình an là điều quí giá nhất hơn bao giờ hết giữa lúc này.
Một mùa Trung thu thật lạ, chẳng ra đường để xem các quầy bánh nơi góc phố quen. Sài Gòn vốn dĩ mùa này, đi một con đường là thấy chục tiệm bán bánh Trung thu. Hay mùa này của lúc an ổn, thiên hạ lại kéo nhau ra phố đèn lồng quận 5 mà chụp hình. Mùa dịch cũng chẳng thể hẹn hò đám bạn bè thân quen xa quê cùng ngồi ở một nơi nào đó ăn bánh, uống trà và ngắm trăng. Kể nhau nghe mấy chuyện hồi con nít phá làng xóm mỗi mùa trăng. Hoặc tỉ tê nhau nghe những nỗi thèm gia đình giữa lạ xa thị thành phồn hoa.
Mùa dịch, chỉ có thể chúc nhau một cái tết Trung thu thật an toàn, dặn nhau cẩn trọng, và gởi những tấm hình xưa cho nhau qua mạng xã hội. Thế thôi, thật lạ, nhưng ai cũng chấp nhận bởi đã dần hình thành thói quen sống chung với dịch, thích nghi và ứng biến từ gần 4 tháng qua.
Một mùa Trung thu thật lạ, mà tôi tin chắc mãi sau này, khi đã có thể ngồi cùng bên nhau, sẽ kể nhau nghe về một cái Tết đoàn viên online, một mùa trăng đầy nỗi thèm, và hơn hết một mùa trăng dịch bệnh mà ai cũng chung lòng mong cầu hai chữ bình yên vào ngày cúng rằm tháng 8.
Một cái Tết đoàn viên chẳng thể quên. Một mùa Trung thu thật lạ. Từ tâm dịch, chúng ta có thể đốt đèn online và cùng nhau chụp hình lại khoảnh khắc này, để những mùa sau, tự bản thân nhắc mình phải trân quí những mùa trăng ấm áp còn có thể ngồi cùng gia đình.
Và dĩ nhiên, một mùa Trung thu thật lạ, chúng ta có thể cùng hướng lòng mình về những mảnh đời chợt mồ côi trong cơn đại dịch, để chia bớt một phần nỗi lòng của họ, cho mùa trăng này dẫu lạ nhưng lòng người chẳng thể nào xa. Thời khắc này, lòng người vốn dĩ nên nối liền một dải bờ cõi để cái Tết Trung thu nay đậm đà nghĩa nhân hơn tất thẩy bánh mứt, lồng đèn, múa lân…
Một Trung thu thật lạ, chẳng có câu chữ nào thể hiện hết những tâm tư, chỉ lòng người và trăng sáng soi thấu lẫn nhau.
Nhà văn Tống Phước Bảo
Nhà văn 8x Tống Phước Bảo trong 4 năm qua đã sở hữu nhiều giải thưởng viết lách: Giải Khuyến khích Truyện ngắn hay năm 2018- báo Tiếp Thị Gia Đình, Giải Khuyến khích Truyện ngắn hay năm 2019- báo Người Lao Động, Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “Một nửa làm đầy Thế giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ năm 2019, Giải Ba cuộc thi Tạp bút “Kí ức Tết” – 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Thành phố tôi yêu” – báo Thanh Niên – 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Quê nhà dấu yêu” – Báo Áo Trắng – 2020, Tặng thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid”- 2021…
Tống Phước Bảo còn có cả trăm truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo: Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công An, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quảng Ngãi, Nghệ An, Đà Nẵng…
Anh vừa ra mắt tác phẩm Sài Gòn còn thương thì về! – tập tản văn và truyện ngắn do NXB Đà Nẵng ấn hành hồi tháng 5-2021