(MTD) Ngôn từ vốn không khổ mà lòng ta khổ, cho nên dù nói “có”, nói “không” thì thực tế vẫn là khổ. Khổ chính là phiền não. Cái gì làm phiền cho cái não thì đều khổ cả.
Ngồi dịch kinh sách là khổ công, khi dịch xong đứng trước khen chê lại khổ tâm, khổ ý… Đã thế lại phải mòn mắt chú giải, đính chính “sách ghi thế này nhé, kinh chép như thế kia nhé, chỗ này nói cứu cánh nhé, chỗ kia giảng phương tiện nhé”…
Rõ ràng khi không còn con đường thực nghiệm nào hơn để hiểu vũ trụ cao thấp chung quanh, thì cái để cho tư duy không chết đứng là phải bám víu vào ý nghĩa ngôn từ, chia chẻ khái niệm. Chẻ sợi tóc ra làm 3 làm 5 cũng là cách giết thời gian với kinh văn vậy.
Tư duy nhị nguyên đem lại nhận thức mâu thuẫn. Triết học Mác nói mâu thuẫn là nguồn gốc động lực của phát triển. Vì có mâu thuẫn ắt sẽ có cái này phủ định cái kia, nhưng khi phủ định cái khác sạch trơn rồi thì lại rơi vào độc quyền chân lý, tư tưởng. Mà càng độc quyền chân lý, tư tưởng, thì càng chấp vào khái niệm, ngôn từ…
Cho nên cái chúng ta hàng ngày vẫn phải đụng chạm phân tích ra đây chính là “tuyệt vọng” của khổ ý, khổ tứ. Bởi đụng đến khái niệm để diễn tả hết cái thực tại thực chứng sẽ đi đến bế tắc, bước đến “hố thẳm tư tưởng”.
Nói như Victor Hugo:
“Qua đi với những hoa tàn tạ,
Hoa trong hồn ta ai hái được bao giờ”.
Các pháp vốn không có tự tánh vì nó do rất nhiều duyên hợp lại mà có. Cho nên tự tính của các pháp vốn là “không”. Cái gọi là “có” không phải tự nó “có” mà do duyên với vô vàn cái khác, cho nên cái “có” đó không thật có, giả có, như huyễn. Ví dụ cái bàn để phân biệt với cái ghế, nhưng khi chẻ hết ra thì thành củi, khi đốt củi thành tro, tro đem đổ đi hay đem bón cho cây lại thành nhân – duyên – quả khác…
Gọi tên bất cứ khái niệm nào thì cũng đụng đến mâu thuẫn, đối nghịch. Bởi do cái này có mà cái kia có, cái này không mà cái kia không.
Vì cả cái “có” lẫn cái “không” cứ đụng đầu nhau, cho nên người ta mới đặt ra vấn đề vượt khỏi nhị nguyên. Nhưng các pháp do duyên sinh thì các pháp cũng do duyên diệt. Sinh diệt tương tục chỉ trong sát na, nên đến một lúc nào đó không cần đặt ra cả vấn đề “vượt qua” hay “đạt đến” vì bản thân các pháp đã tự hoàn thiện rồi.
Vướng mắc là khổ ách, giải thích tới giải thích lui cũng là khổ ách. Khổ ít hay khổ nhiều cũng tùy kiến văn giác tri ở bản thân mỗi người.
Con thuyền Bát nhã ấy để qua bờ kia, qua bờ rồi không cần vác thuyền đi tiếp. Nhưng ai muốn quay trở lại thì cứ việc ngồi lên thuyền ấy. Không sao cả, chở một người cũng được, chở mười người cũng được tuỳ theo sức chứa và sức chở mà làm. Con thuyền ấy là phương tiện, phương tiện mà thiện xảo thì cũng là diệu dụng của tế độ. Cũng như ngôn từ là phương tiện thiện xảo của tư duy vậy, dùng đến cảnh giới nào thì dùng, miễn tuỳ căn tuỳ cảnh, tùy xứ tùy thời và bớt phiền não là được.
“Thần chú” của tư duy là: “Cãi tới, cãi lui, cãi lui cãi tới, có hay không có, phiền và không phiền cũng ta bà ha!”.
Thích Thanh Thắng