Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Đọc sách: Mười năm đã qua thương nhớ chưa?

mây thong dong

(MTD) Có ai xem bộ phim “Us and Them” (Chúng ta của sau này) của đạo diễn Đài Loan Lưu Nhược Anh đã đưa tên tuổi Châu Đông Vũ và Tĩnh Bách Nhiên lên hàng sao chưa nhỉ? Khi đọc tập thơ “Đã đi qua thương nhớ” của Nguyễn Phong Việt, tôi lập tức liên tưởng đến bộ phim này.

Cũng là dấu mốc 10 năm, chàng trai tuổi 30 giờ đã là người đàn ông 40 tuổi, cũng là một nửa đời của cậu đã trôi qua ở chốn Sài thành, nơi đây đã xây dựng, thay đổi và hình thành tính cách cậu như bây giờ. Thoạt nhìn tỉnh táo, lý trí, nói chuyện đầy đam mê, hưng phấn nhưng mà đọc xong các tập thơ của cậu, mới thấy đó là sự khắc khoải, cô độc; mới thấy đó là những đổi thay thật lớn để có thể trụ lại với mảnh đất này.

Trong phim, một mối tình tuyệt đẹp 10 năm từ thuở hàn vi của cặp thanh niên đến từ vùng quê nghèo đã kết thúc. Họ học được gì từ những mất mát và đau thương? Trong tập thơ “Đã đi qua thương nhớ” đúc kết 10 năm từ khi ra tập thơ đầu tay “Đi qua thương nhớ”, chúng ta học được gì? Câu chuyện của những người trẻ nơi thị thành làm cách nào để tồn tại khi nhìn lại thanh xuân của mình? Làm cách nào giữ những hồi ức đó mãi đẹp?

Việt đã chỉ ra những trưởng thành từ mất mát, từ đổ vỡ. Đó là học cách bớt cảm xúc, bớt đa đoan, sống giản dị hơn, thì sẽ an nhiên hơn:

“Chúng ta bây giờ chắc ít khóc và hay cười

 Còn gì nữa đâu để xôn xao hờn giận…

gươm đao trong lòng cũng quá chật

tự mình biết buông tay…

Chúng ta bây giờ không còn ai trông chờ vào giấc mơ

vì chân trần đã biết giá của dặm đời trầy xước…”

Học cách cảm ơn những thất bại hay đổ vỡ làm chúng ta lớn lên:

“Cảm ơn những giọt nước mắt chúng ta khóc bởi phải gạch bỏ ước mơ

Biết rõ mình không hề ngông nghênh như mình tưởng

Chấp nhận một sớm kia có người nói: Cảm ơn vì đã đến!”

Tập thơ lần này của Việt chỉ ra những dấu hiệu nội tâm khá rõ, ví dụ như “mình sẽ im lặng”, “mình có một tiếng nói ở trong lòng”, “chúng ta cô đơn quá”, những tự vấn “mình đã đủ tin cậy chưa?”, “chúng ta chưa hề là những người sâu sắc…”, “chúng ta bình yên rồi chứ”,… Những câu hỏi này không chỉ Việt nói nỗi lòng của mình, mà còn có lẽ cho một thế hệ của cậu. Những tựa bài thơ “chúng ta…” xuất hiện đến gần một nửa trong tập thơ này đi kèm với nó là danh xưng “mình” có lẽ là chỉ sự đại diện này.

Vì vậy, tập thơ là một thủ thỉ của một cá nhân, khoảng 20 năm ở Sài Gòn và 10 năm mang danh một nhà thơ nói lên tiếng nói của tuổi trẻ hoang mang. Nếu bộ phim “Us and Them” ngậm ngùi với kết thúc “chúng ta của sau này, cái gì cũng có chỉ là không có nhau”, thì tập thơ thứ 10 của hành trình 10 năm của Việt lại đầy hy vọng về tương lai, một tương lai của những người trưởng thành biết ơn những sóng gió làm nên con người bao dung, hòa ái:

“Mười năm – chúng ta đều là những quả chuông gió

không bao giờ ngừng cất lên âm thanh chân thành nơi lồng ngực…

Chúng ta biết ơn nhau vì đã ở đây”

TS Trần Lê Hoa Tranh
(Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM)

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!