Thời gian làm nghiên cứu sinh với thầy, tôi ở Đà Lạt xuống Sài Gòn. Ngày ấy, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, việc đi lại trong thành phố từ đường sá đến phương tiện đi lại (ngay cả phương tiện liên lạc cũng chủ yếu là chiếc điện thoại bàn của cơ quan) rất khó khăn.
Những buổi được gặp thầy, thầy trò chúng tôi tận dụng hết thời gian để trao đổi về chuyên môn. Tôi chứng kiến và ngạc nhiên về tình cảm của những người khách từ Hà Nội, Đại học Huế khi họ đến thăm thầy. Từ sự tò mò tìm hiểu, gặp một số anh em ở Đại học Huế, tôi mới hiểu vì sao anh em trí thức ở Huế lại quý mến thầy như vậy.
Năm 2010, thầy 80 tuổi. GS Bùi Thế Cường, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ (bây giờ là Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) tổ chức lễ mừng thọ cho ông. Thầy vui và phấn chấn chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và hoạt động văn hóa, giáo dục của mình.
GS Nguyễn Đăng Mạnh nói về sự cảm phục của một số văn nghệ sĩ về nhân cách của người làm quản lý văn hóa, giáo dục như GS Nguyễn Văn Hạnh. Anh Hoàng Dũng (nguyên Giảng viên Đại học Sư phạm Huế) kể những câu chuyện cảm động về sự tận tâm của thầy với đời sống của anh em giảng viên, cán bộ Đại học Sư phạm Huế sau ngày đất nước thống nhất. Sau này, ông có nói lại với tôi về công việc của ông khi là viện trưởng Viện Đại học Huế. “Ngày ấy, người lãnh đạo dễ cho người ta vào tù lắm nhưng tôi không làm như vậy. Tôi tạo điều kiện cho anh em sắp xếp từ việc gia đình đến chỗ ở. Một số anh em có năng lực, tham gia công tác quản lý, trong số đó có GS Nguyễn Thế Hữu, sau này là hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Huế”.
Niềm vui niềm đam mê của thầy là nghiên cứu – phê bình văn học. Trong một bài viết trao đổi về tình hình nghiên lý luận văn học, ông đã chia sẻ niềm mong mỏi của mình: “Là người trong cuộc, tôi biết có những đợt phê phán gay gắt, những “vụ án” văn học nặng nề liên quan hoặc chẳng liên quan gì đến văn học… Nhưng chủ định của tôi là hướng về phía trước, góp sức xây dựng một không khí, một môi trường sống và làm việc bình thường, cởi mở, trung thực, biết tôn trọng ý kiến và sáng kiến cá nhân, vì sự phát triển lành mạnh, vì sự tiến bộ của lý luận văn học và sự nghiệp văn học nghệ thuật nói chung. Đó cũng là đòi hỏi ý thức về nhân cách và phẩm giá cá nhân, về tự do, dân chủ ngày càng bám rễ sâu vào sinh hoạt tinh thần và xã hội nước ta” (Tạp chí khoa học ĐHSP TP HCM, số 5, 2005, Lý luận văn học nhìn lại và nghĩ tiếp).
Khi công tác ở Ban Văn hóa – văn nghệ Trung ương, trong không khí cởi mở của sự Đổi mới, ông đã trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chấp bút viết Nghị quyết 05, nghị quyết có tính đột phá, tạo ra luồng sinh khí mới, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước phục vụ công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng. Từ sự nhạy cảm và khát vọng của ông trong công tác quản lý và hoạt động văn hóa, giáo dục tôi hiểu ra: ở ông chứa đựng bầu nhiệt huyết của người trí thức – nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo Nguyễn Văn Hạnh.
Thầy chuyển vào công tác ở TP.Hồ Chí Minh đầu những năm 90. Khi in ra một cuốn sách, phát biểu một ý mới tại hội thảo, những hiện tượng văn học sau 1975 như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư,… được dư luận chú ý, ông rất sôi nổi trong bàn luận trao đổi cùng đồng nghiệp, với học trò.
Một ngày tháng Tám năm 2023, vợ chồng tôi đến thăm thầy. Sức thầy đã yếu, tôi đỡ thầy ngồi dậy. Nhìn ánh mắt thầy vẫn sáng, ánh lên niềm vui, gợi lên trong tôi ánh mắt của thầy những ngày thầy trò cùng đồng hành, hướng dẫn tôi viết những trang luận án, góp tiếng nói vào sự đổi mới của văn học nước nhà sau 1975.
Nhà văn, GS.TS Nguyễn Văn Hạnh sinh ngày 1-1-1931, quê quán Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Nhà văn, GS.TS Nguyễn Văn Hạnh từ trần vào hồi 22h30 phút ngày 19-11-2023 tại TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi. Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ Thành phố, Quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân.
Ông nguyên là Trưởng ban phụ trách Viện Đại học Huế, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế 1975-1981, Thứ trưởng Bộ Giáo dục 1983-1987, Phó trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Phó trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa trung ương năm 1981-1983; 1987-1990, Chuyên gia cao cấp Viện Khoa học xã hội, nay là Viện KHXH vùng Nam Bộ tại TP.HCM.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Mátcơva, Nga năm 1961, ông bảo vệ luận án tiến sĩ ngữ văn tại đây năm 1963.
Về nước, GS Nguyễn Văn Hạnh công tác tại Khoa Văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là một trong những người chủ trì và tham gia biên soạn bộ giáo trình Cơ sở lý luận văn học (4 tập, xuất bản từ 1965-1971). Đây là một trong ba công trình lý luận văn học đầu tiên vận dụng các nguyên lý, các khái niệm do các học giả Xô viết đưa ra để xây dựng bộ giáo trình Lý luận văn học của Việt Nam, giải thích những vấn đề thực tiễn trong lịch sử văn học nước ta.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Cơ sở lý luận văn học (4 tập, 1965-1971, chủ trì và tham gia biên soạn); Suy nghĩ về văn học (tiểu luận, 1972); Văn học và văn hóa – vấn đề và suy nghĩ (tiểu luận, 2002); Chuyện văn chuyện đời (tiểu luận, 2005); Lý luận phê bình văn học: Thực trạng và khuynh hướng (tiểu luận, 2009); Phương pháp luận nghiên cứu văn học (nghiên cứu, 2012)…
PGS.TS Nguyễn Văn Kha
(Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng)