Là một người có con nhỏ, sắp gửi đi học trường mầm non vào tháng 9 tới, tôi không khỏi lo lắng vì cách hành xử của cô giáo ở một số nơi đã được phát hiện, báo chí đưa tin.
Cũng là một người cha, tôi không khỏi xót xa khi thấy một đứa trẻ bị người đàn ông đánh đập dã man ở Bình Dương (*).
Lúc nào cũng vậy, khi những hành vi tàn độc liên quan đến trẻ bị đưa ra ánh sáng luôn tạo ra làn sóng phẫn nộ, bức xúc trong cộng đồng. Vì những kẻ thủ ác nhẫn tâm làm điều tàn bạo với trẻ là không thể chấp nhận được, dù bao biện bằng lý do gì. Với một cháu nhỏ mười mấy tháng tuổi đến 3-4 tuổi, không thể chống cự được mà người thực hiện hành vi bạo lực, lại là bảo mẫu, cô giáo – chọn nghề nuôi dạy trẻ làm công việc mưu sinh, lấy tình yêu trẻ làm nền tảng làm nghề – nên không thể chấp nhận cũng là có lý do.
Thực sự, khi xem cô giáo ở Thái Bình nhét giẻ vào miệng cháu nhỏ, những sang chấn tâm lý của nạn nhân được bố mẹ cháu kể trong khi học tại trường mầm non tư thục Sao Việt, ai là phụ huynh không khỏi lo lắng.
Gửi con đến trường ai hẳn phụ huynh nào cũng tin tưởng đó là môi trường an toàn, nơi chốn nhân văn để dạy trẻ kiến thức, chữ nghĩa và đạo đức. Hun đúc tâm hồn một đứa trẻ nhất thiết phải bằng lòng thương và sự kiên nhẫn. Khi có tình thương thì người ta sẽ kiên nhẫn để dắt dìu, dạy dỗ, nhất với những bạn nhỏ chưa hòa nhập tốt môi trường tập thể.
Thông điệp không để ai bị bỏ lại phía sau cũng cần thiết trong chuyện dạy người, rèn luyện nhân cách và kỹ năng nơi trường học, dù ở cấp nào. Không thể lấy lý do trẻ thế này thế nọ để hành hạ nhẫn tâm, hoặc bỏ rơi, kỳ thị, bắt nạt. Người thầy, người cô, nhất là những bậc học đầu đời càng cần phải có sự kiên nhẫn, tình yêu thương đối với trẻ.
Ngay cả một đứa trẻ mình không được giao phó để dạy dỗ, uốn nắn, chăm sóc mà ta còn cần phải thương yêu, giúp đỡ, huống nữa đó là con, là trò mình. Cô giáo mầm non trong vụ bạo hành bé nhỏ ở TP Thái Bình hẳn đã được trả lương để làm công việc mà cô chọn, trong đó có tiền học phí của bố mẹ cháu. Do vậy, với lương tâm của người bảo mẫu – cô giáo, sự yêu thương phải là yếu tố dẫn đầu cho mọi cử chỉ, lời nói.
Có thể nói, dạy trẻ bằng tình yêu thương cũng là gieo vào tâm hồn các con hạt mầm tử tế mai sau. Xã hội tốt đẹp hay không nhờ những trái tim ấm áp, sự lương thiện của những “chủ nhân tương lai của đất nước”. Các chuyên gia tâm lý khi nói về bạo lực trong gia đình, học đường đã nhấn mạnh đến yếu tố “kế thừa” những điều đã học, đã trải của những người lớn lên trong môi trường độc tố ấy. Theo đó, khi lớn lên, các con sẽ dễ trở thành người bạo lực hoặc sợ hãi, lo lắng, luôn ngờ vực… khi có quá khứ bị bắt nạt, bạo hành bởi người thân, thầy cô giáo hay bạn bè.
Vì vậy, môi trường gia đình, nhà trường cần được thanh lọc bởi những giá trị tốt đẹp, nói đi đôi với làm. Cơ chế quản lý những nơi được gọi là trường, là lớp học, những người được xưng là cô/ thầy, bảo mẫu phải chặt chẽ hơn. Đừng để, mỗi vụ việc bạo hành trẻ được lộ diện thì lại vang lên điệp khúc… không phép. Tại sao một ngôi trường có treo bảng và nhận trẻ để dạy dỗ, chăm sóc lại ngang nhiên tồn tại không phép?
Nói không với bạo hành trẻ hay hãy dạy trẻ trong tình thương, chúng ta sẽ gặt hái được một tương lai tốt đẹp vì những đứa trẻ tử tế, biết yêu thương. Làm thiện đôi khi đơn giản là làm tốt công việc mình chọn và được giao, đặc biệt là với những “kỹ sư tâm hồn”. Chỉ mong, con mình và tất cả những bạn nhỏ đến trường và được yêu thương, lớn lên trong tình thương…
(*) Khuya 4-8, công an cho báo chí biết, người đánh đập trẻ em là Lê Hoài Nam (29 tuổi, thường trú tại Q.8, TP.HCM, tạm trú tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, Bình Dương). Bé trai bị đánh trong video là N.P.A., 5 tuổi. Khi bị dẫn giải về công an phường, Nam đã thừa nhận hành vi đánh em bé. Hiện công an phường đã lập hồ sơ ban đầu để tiếp tục xử lý vụ việc.
Tấn Khôi