Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Im lặng và tội ác

(MTD) Là một người cực đoan phản đối về vấn đề dùng roi vọt với trẻ trong bất cứ tình huống nào nên tôi phẫn nộ vô cùng với hành vi của bạn “vợ hờ” lẫn ông bố của bé, trong sự việc bé 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong vừa qua.

Những ngày gần đây, tôi đắm chìm với tụi trẻ ở các mái ấm nên không đọc tin. Mới thấy tin nhắn kèm theo hình vụ việc “cô bé 8 tuổi” của một chị trong nhóm chung cư, rồi vào Facebook mới hiểu hơn. Tôi cũng đau lòng với cái chết tức tưởi của cô bé. Bất cứ ai qua đời đều là nỗi đau cho người xung quanh nhưng những gì cô bé ấy phải trải qua trước khi ra đi là quá sức tưởng tượng.

Điều khiến tôi vừa buồn vừa giận là chuyện những người hàng xóm kể lại cho báo chí (nếu là thật) về việc họ đã nghe nhiều lần tiếng la hét khóc lóc của bé, nói bảo vệ nhưng bảo vệ không xử lý và họ cũng thôi.

Đa số người Việt luôn muốn dĩ hoà vi quý, và cũng tránh dính dáng đến chuyện của người khác. Tuy nhiên, không giống như đặc tính tôn trọng chuyện riêng tư của đa số người Tây phương, người Việt sợ “phiền toái”, “rách việc” mặc dù sự sai trái diễn ra rành rành nên họ chọn cách im lặng.

Chúng ta có thể bàn tán rất nhiều sau lưng nhưng hành động quyết liệt, sử dụng các công cụ pháp luật để đấu tranh chống cái sai thì không. Số ít dám làm thì có khi còn bị xem là lập dị, quá quắt (tôi thường được xếp vào dạng này).

Tôi nhớ lần mình viết bài về trách phạt hay kỷ luật và có một bạn vào tranh luận để nói quyền bạn được đánh con. Tôi nói bạn hãy tận hưởng sự may mắn vì con không tố cáo và hàng xóm không ai chụp được hoặc không ai có ý định tố cáo bạn. Bạn khẳng định bạn học luật và bạn biết kẽ hở để chẳng luật nào trừng phạt được ở Việt Nam. Cái này tôi thừa nhận là có thể xảy ra ở đất nước này nên tôi không tranh luận thêm.

Nhưng mọi người ơi, chứng kiến một người lớn đánh trẻ con dù là nhân danh tình yêu thương, mọi người có thực sự thấy ổn không? Mọi người có cho rằng đó là cách tốt nhất? Cách duy nhất? Câu trả lời của tôi là: ngàn lần không. Nếu câu trả lời của mọi người vẫn là ‘Có’ thì sẽ có hàng ngàn những đứa trẻ có thể là nạn nhân của bạo hành khủng khiếp từ gia đình, chứ không chỉ từ người ngoài đâu.

Quay lại trường hợp “cô bé 8 tuổi”. Nếu thực sự nghe tiếng khóc và tiếng la mắng từ ngày này sang ngày khác thì không thể dừng ở việc báo bảo vệ, có thể lên nhóm chung cư hỏi ý kiến hoặc báo Ban quản lý. Ít nhất chúng ta có quyền lên tiếng vì tiếng la lối có thể làm phiền mình. Nếu nghi ngờ trẻ bị bạo hành thì có quyền gọi tới công an khu vực. Mình sống ở đâu cũng lưu số công an khu vực.

Hồi ở khu dân cư lao động bên Tân Phú, anh kế bên nhà bị tâm thần hoang tưởng mới la hét, đập đồ, đe doạ bố mẹ già, tôi đã gọi và kêu như cháy nhà nên anh cảnh sát khu vực đến ngay. Nhờ anh ấy mà mới đưa anh con trai đi Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà được. Tôi nói anh cảnh sát khu vực: nếu anh không xuống, tôi ghi âm cuộc gọi này là bằng chứng tôi đã báo án nhưng anh không xử lý, nếu án mạng xảy ra thì anh phải chịu trách nhiệm với toà án thực lẫn toà án lương tâm của anh.

Vụ việc của bé, nếu những cơ quan quản lý tại chung cư và khu vực có hành động can thiệp quyết liệt, ít nhất ông bố và bà “mẹ hờ” đó cũng phải giật mình. Nếu tới nơi mà thấy bé có dấu hiệu thương tổn, có thể tìm cách báo với mẹ ruột của bé để mẹ ruột tiến hành các biện pháp pháp lý khác đòi quyền nuôi con.

Tôi thú nhận trong gia đình mình vẫn còn người lớn dùng roi vọt với trẻ và tôi phẫn uất tột cùng. Tôi đã làm mọi cách để chuyện này được giảm bớt và bây giờ có đỡ hơn. Dù vậy, trạng thái tinh thần của tôi vô cùng tệ mỗi lần chứng kiến hành vi này.

Có lần tôi đã nổi điên thực sự khi lao vào phản đối và mất thời gian rất dài để quên được cơn ác mộng này. Tôi tin tất cả những ai có trái tim rộng mở và thấu hiểu hành vi của trẻ sẽ đều có cùng cảm xúc và hành động như tôi.

Martin Luther King từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.

Nếu là người tốt, xin đừng im lặng trước những nỗi đau thế này, và cũng đừng mãi bám víu vào tư tưởng xưa cũ rằng roi vọt mới làm trẻ nên người.

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!