Người xưa có câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” để chỉ cho những lực hút đương nhiên, phù hợp của mỗi người trong những đặc điểm sẵn có nơi mình.
Nói nôm na, cũng theo dân gian là “nồi nào úp vung nấy” nên không có ai nằm trong diện “ế” một cách kinh niên – không ai thèm để mắt tới. Trừ khi, mình đóng hết mọi cánh cửa, thờ ơ với con người và cuộc sống xung quanh, tự toát ra một “thông điệp” để mọi người hiểu là “đừng có ngắm tui, tui không phải là đối tượng bạn để ý đâu, mắc công nha…”. Khi đó, chỉ thoáng nhìn qua là người ta đã “lia” mắt về hướng khác, không dám hó hé tới gần mình.
Cơ chế bình thường của tâm lý người là khi đã tới tuổi cập kê, những khát khao yêu thương tự nhiên có mặt, như một cảm xúc bình thường của một “cơn đói”, cần phải ăn vậy. Những khoảng trống tâm hồn cần được lấp lại bởi “yếu tố bên ngoài” tự nhiên làm người ta thao thức kiếm tìm và để ý, rồi bất chợt “chộp” lấy cơ hội khi có đối tượng xuất hiện. Đầu tiên là hợp nhãn, sau đó là hợp ý, hòa hợp về suy nghĩ, lý tưởng, tương thông tâm hồn… thì dễ đi vào tim nhau hơn. Tình yêu nẩy nở và lớn lên bằng những rung động đầu tiên và quá trình nuôi lớn tình yêu thông qua việc lắng nghe, hiểu, chia sẻ cho nhau.
Xét về quá trình như thế để mỗi người tự “bắt bệnh” xem, phải chăng mình chưa phát đi thông điệp “tôi đang tìm một nửa” để người ta không hiểu nên không thể “tương ứng” với mình. Trong cuộc tìm kiếm tình yêu ấy phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố hình thức nhưng nhiều yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng.
Không ai phủ nhận việc một “gái sắc” dễ xao lòng người khác, hay một “trai tài” cũng dễ lung lay những tâm hồn phụ nữ yếu mềm, cần một bờ vai nương tựa.
Tuy nhiên, để chọn lựa đối tượng đó làm người yêu thì không chỉ đẹp hay tài là quyết định, mà đôi khi còn nhiều “phụ kiện” khác như một chút duyên dáng, thùy mị, một chút hài hước hay sự quan tâm với người khác, biết chia sẻ với những khó khăn quanh mình bằng tấm lòng nhân hậu… cũng ghi điểm rất nhiều ở đối phương.
Tất nhiên, ta không phải làm những việc lành ấy hay diễn sự thùy mị kia một cách gượng gạo chỉ nhằm mục đích “kiếm người yêu”. Ngược lại, nó xuất phát từ tâm chân thành, hay từ “vốn liếng” thật của mình thì mới là chìa khóa mở cửa tim của người khác.
Do vậy, kỹ năng sống là một kiến thức ta phải học, thực tâm ứng dụng bằng sự chân thành sau khi đã nhận biết lợi hại của nó chứ không phải là “vai diễn khô khan trên sân khấu cuộc đời”. Và, đó mới là sự thành công thực sự của một người tham gia rèn luyện bản thân thông qua những kiến thức về kỹ năng cũng như nghệ thuật sống mà mình vẫn đọc đó đây trên các phương tiện truyền thông, sách báo…
Tóm lại, ở đây, tôi muốn chia sẻ, rằng, nếu bạn đóng mọi cách cửa lòng mình bằng sự rụt rè, nhút nhát, đợi chờ sung rụng thì bạn sẽ mỏi mòn đợi chờ thật lâu. Có khi là vì sự thụ động đó mà để vụt qua những cơ hội (chỉ đến một lần) và cần sự tinh tế, chủ động nhận ra, nắm bắt.
Quyền cơ bản của con người đó là “quyền mưu cầu hạnh phúc”, có nghĩa là khi bạn khát thì nên tìm nước uống, khi bạn cần một tình bạn, tình yêu thì bạn phải lao vào cuộc sống, quan sát và chắc chắn bạn sẽ phát hiện ra “chiếc dép còn lại” đang “lạc” ở đâu đó để ráp thành một “đôi dép” hoàn hảo mà thôi!
Phong Ba
Bạn có kỷ niệm nào đẹp về tình yêu? Hoặc câu chuyện tình yêu lãng mạn nào khó quên, đang trải? Hãy gửi chia sẻ với Mây Thong Dong với chủ đề Chuyện tình đẹp – qua email: maythongdong.coffee@gmail.com.