“Khi tôi nói tôi là Phật tử, điều đó không có nghĩa là tôi thanh tịnh và tốt đẹp hơn những người khác. Nhưng điều đó nghĩa là tôi có quá nhiều vô minh (*) và tâm thức nhiễm ô cần phải loại bỏ. Tôi cần Tuệ Giác của Đức Phật.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, điều đó không có nghĩa là tôi có Trí Tuệ cao hơn người khác. Nhưng nó có nghĩa là tôi đã bị quá nhiều sự kiêu ngạo xâm chiếm. Tôi cần học cách để trở nên khiêm nhường và phát triển một cái nhìn rộng mở hơn.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải vì tôi hay hơn hay dở hơn người khác, mà bởi vì tôi hiểu tất cả chúng sinh đều bình đẳng với nhau.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, tôi biết rằng tôi chỉ yêu thương những người hợp với sở thích của mình, nhưng Đức Phật thì thậm chí yêu thương cả những người mà Ngài không thích, dẫn dắt họ đạt đến viên mãn Trí Tuệ và Từ Bi. Đó là lý do vì sao tôi chọn bước theo những giáo huấn của Đức Phật!
Khi tôi nói tôi là Phật tử, nó chẳng gắn liền với mục tiêu để có được những gì tôi ham thích. Mà là để buông bỏ những bám chấp của cá nhân đối với tất cả những ham muốn [về mặt] thế gian.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải bởi vì tôi muốn theo đuổi một cuộc sống êm đềm, suôn sẻ. Mà là vì sự điềm tĩnh chấp chận trước vô thường, và thật bình tĩnh và tự tin như một vị Quốc Vương trong bất kỳ những hoàn cảnh trái nghịch nào.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, tôi không có ý định thao túng người khác với động cơ vì lợi ích cho cá nhân. Nhưng bằng việc sử dụng tốt Trí Tuệ [của mình], để [tôi có thể] làm lợi lạc cho bản thân và những người khác trong khi luôn đồng cảm với tất cả chúng sinh.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải vì tôi muốn trốn tránh thế giới và theo đuổi hư vô. Nhưng để biết rằng cuộc sống [đang diễn ra] hàng ngày thì nằm trong Pháp, và sống với hiện tại chính là thực hành.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, điều đó không có nghĩa là cuộc đời của tôi sẽ không còn gặp phải những thất bại. Nhưng với Giáo Pháp, những thất bại được chuyển hóa thành nhân tăng trưởng cho tôi [trong thực hành].
Khi tôi nói tôi là Phật tử, trái tim tôi chứa đầy lòng biết ơn vô tận. Chỉ cần nghĩ rằng tôi được sinh ra làm người và có khả năng thực hành [Pháp] ngay hiện đời, với cơ hội gặp gỡ các vị Minh Sư và nghe được lời dạy của Đức Phật, tôi vô cùng xúc động khi có được sự kết nối nghiệp thật khó tin này.
Khi tôi nói tôi là Phật tử, không phải bởi vì có một Thượng Đế ở bên ngoài tôi. Nhưng tôi tìm thấy được bản tánh chân thật của Phật nơi trái tim mình”.
Giáo sư Richard Gombrich (**)
_______
(*) vô minh: giải thích ngắn gọn là trạng thái tối tăm, mê mờ, hiểu sai lệch hoặc thiếu hiểu biết
(**) người dành 40 năm cuộc đời để nghiên cứu Phật giáo và ngôn ngữ Pali tại Đại học Oxford
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà