Đây là chất liệu mà ta có thể trau dồi, rèn luyện được, từ khả năng ngồi yên (tĩnh lặng) và lắng nghe sâu (nhìn thật kỹ) vào chính mình và mọi biểu hiện trong đời.
Bồ-tát Quán Thế Âm là vị đã vào đời bằng hạnh nguyện lắng nghe, yên tĩnh để nhìn thật sâu và thấy rõ. Nhờ đó Ngài hiểu và thương được chúng sinh, vạn loại.
Bồ-tát Quán Thế Âm không chỉ là vị Bạch y Đại sĩ dưới hình tướng mẹ hiền mà người ta vẫn hay gọi là “Phật Bà” trong nhân gian. Ngài linh hoạt biểu hiện trong từng đức tính lắng nghe, lời nói ái ngữ khiến người đối diện nhẹ nhàng, an lạc như vừa được rời khỏi chốn lao lung. Ngài cũng thị hiện trong hình thức một vị dấn thân vào vùng sâu vùng xa, hay đương đầu vào bệnh viện, khoác áo xanh trong hành trình chống dịch…
Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện sống động trong cuộc đời. Trong ta. Trong tất cả mọi người, mọi loài biết lắng nghe, cứu khổ, ban vui.
Một chiếc cây cho người bóng mát hay mái hiên cho người được trú chân qua đêm, vượt cơn mưa ướt đẫm. Một bàn tay nắm lấy bàn tay và nói: không sao đâu, dẫu trời có sập xuống, tớ vẫn thương cậu, chị vẫn đồng hành cùng em, má vẫn ở đây và chờ con về, ba vẫn lặng lẽ dõi theo và cho con một điểm tựa…
Chúng ta đã từng gặp Quán Thế Âm. Chúng ta cũng từng là Quán Thế Âm.
Vấn đề là ta phải nuôi dưỡng Quán Thế Âm trong ta. Làm cho tánh Phật trong ta được sáng. Để đôi tay ta được ấm áp, để lòng ta không phân biệt người và ta, đạo này đạo kia hay pháp môn này pháp môn khác… Bồ-tát Quán Thế Âm trong hình thức, đầu có tượng Phật, tượng tương cho trí Bát-nhã, tay hóa hiện thành ngàn muôn để có thể đi vào đời trong nhiều vai trò: khi thì quốc vương, lúc đại thần, hồi lại thứ dân, kể cả thiên nữ, Long vương, Càn-thát-bà…
Quán Âm không phân biệt nên Ngài mới không sợ hãi. Vì không sợ hãi nên ai Ngài cũng có thể là họ để hiểu và thương, để nghe cả điều không nói và cảm thông, có mặt.

Học hạnh Quán Thế Âm thực sự giúp ta “lớn” lên rất nhiều trong mọi thứ: tư duy, lời nói, việc làm. Không có gì ngăn che hay ràng buộc, cũng không có gì khó hiểu.
Điều quan trọng là nuôi dưỡng Quán Thế Âm trong ta. Khi đó, ta phát nguyện thực tập: lắng và nghe. Hay là dừng lại và nhìn kỹ, để thấy rõ. Đó cũng là lúc ta kiết-già hay bán già, hoặc thảnh thơi pha trà mà không để gợn não phiền vì ta hiểu rõ nhân-duyên, nếu đã đến lúc trổ quả thì có lo cũng vậy, nếu đã tới kỳ hoại diệt thì có sợ cũng không qua. Thay vì lo sợ, ta vui nhận. Đó chính là Quán Âm, là vô úy, là không sợ hãi.
Nam mô Bồ-tát Quán Thế Âm. Khể thủ. Kính và biết ơn Ngài.
Lưu Đình Long
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn.