Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Kỷ luật không nước mắt

(MTD) Dường như tư tưởng “thương cho roi cho vọt” đã ăn rất sâu vào tâm thức của các bậc phụ huynh Việt Nam đến mức họ nghĩ rằng đây là cách duy nhất để dạy con khiến con nên người.

Khi tôi viết những bài nói về tác hại của việc dùng bạo lực để kỷ luật con cái trên trang Facebook cá nhân, nhiều phụ huynh tỏ ra tán đồng và ủng hộ nhưng cũng có rất nhiều phụ huynh khác đã lên tiếng chỉ trích khá gay gắt. Họ cho rằng nếu cha mẹ không nghiêm khắc đối với những sai phạm của con cái thì sau này con họ sẽ hư vì chúng không biết sợ và thậm chí không coi lời nói của cha mẹ ra gì. Có người còn cho rằng ngày xưa cha mẹ họ rất dữ đòn, chỉ cần một lỗi nhỏ thôi là cũng đủ để ăn đòn thừa sống thiếu chết. Nhưng cũng chính vì nhờ thế mà họ mới nên người và còn cảm thấy biết ơn cha mẹ chứ không dám oán trách. Liệu điều này có thật sự đúng đắn trong thời đại này?

Một đứa trẻ trong suốt quá trình trưởng thành của mình mắc phải vô số những sai lầm với những mức độ nghiêm trọng khác nhau. Điều khiến các bậc phụ huynh đau đầu và mất kiên nhẫn nhất là con cái có khuynh hướng lặp lại những sai lầm đã mắc phải mặc dù cha mẹ đã dùng mọi biện pháp kể cả đánh đòn thật đau để trừng phạt. Những đứa trẻ như thế thường bị cha mẹ gọi là “lì lợm”, “cứng đầu”, “hư đốn” hoặc “hết thuốc chữa”.

Tôi thì không nghĩ rằng ở trên đời này có bất cứ một thói hư tật xấu hay sai lầm nào của trẻ em nghiêm trọng tới mức “hết thuốc chữa”. Phải nói một cách chính xác là “không dùng đúng thuốc để chữa”. Thật vậy, dùng sai thuốc để chữa chẳng những không chữa hết bệnh mà còn khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng khó chữa hơn. Trẻ em trở nên lì lợm cứng đầu hoặc cố tình chống đối cha mẹ là một biểu hiện của việc “dùng sai thuốc” hoặc “lờn thuốc”. Việc kỷ luật con cái là cần thiết nhưng quan trọng nhất là đúng cách và hợp lý. Sau đây là một số điều mà các bậc phụ huynh cần phải ghi nhớ khi phạt con:

Năm điều không nên làm khi kỷ luật con cái

Khi trách phạt hoặc kỷ luật con cái, cho dù lỗi của con bạn nặng tới đâu hoặc vì bất cứ một lý do gì thì có một số hành động là sai trái và không hề có tác dụng giáo dục mà ngược lại chỉ khiến cho việc dạy con của bạn gặp nhiều khó khăn hơn sau này. Bằng mọi giá, hãy tránh năm điều sau đây:

1. Bạo hành về thể xác

Đánh đập, bắt con quỳ gối, dùng xích trói lại … đều là những hành động gây tổn thương nghiêm trọng tới thể xác và tinh thần của con cái. Hãy nhớ con cái của bạn không phải là tội phạm. Hơn nữa việc sử dụng bạo lực đã chứng tỏ rằng bạn bất lực và thiếu kiên nhẫn trong việc dạy con bằng lời nói.

2. Xúc phạm nhân phẩm

Chửi rủa con bằng những từ ngữ thô tục, so sánh con cái với bạn bè, coi con như một thứ vô dụng bỏ đi… không những không giúp trẻ hiểu được lỗi sai của mình để phấn đấu sửa đổi mà khiến cho con cái trở nên tự ti mặc cảm hoặc phản kháng chống đối khi nhân phẩm bị xúc phạm.

3. Bêu xấu con trước mặt người khác

Khi phạm lỗi, bạn có muốn lỗi lầm của mình bị phơi bày cho mọi người thấy và bình phẩm hay phán xét? Nếu bạn không muốn điều này xảy ra đối với mình thì hãy nhớ rằng con bạn cũng vậy. Một cuộc nói chuyện riêng tư sẽ giúp trẻ hiểu được rằng mình được tôn trọng và giúp con bạn ý thức nhận sai và sửa sai tốt hơn là việc họp hội đồng gia tộc để luận tội nhất là trước mặt những người không liên quan cho dù đó có thể là cô dì, chú bác hoặc ông bà. Tương tự, việc đem sai lầm của con và cách mình đã trừng phạt con đi kể cho người khác nghe cũng làm cho con bạn bị tổn thương lòng tự trọng và danh dự dẫn tới việc tự cách ly bản thân và có thái độ thiếu thân thiện với người khác.

4. Khủng bố tinh thần bằng những lời đe dọa không có thực

Nhiều phụ huynh khi nóng giận thường mất kiểm soát trong cách cư xử trước mặt con cái. Có người dọa sẽ đuổi con ra khỏi nhà hoặc từ mặt con, có người đòi bỏ nhà đi. Cũng có người đòi tự tử chết trước mặt con cho con vừa lòng. Những điều này có thể khiến con cái cảm thấy hoang mang sợ hãi hoặc mặc cảm tội lỗi nhưng khi con bạn nhận ra rằng những lời đe dọa này khó có thể trở thành hiện thực thì chúng sẽ không còn xem những lời đó ra gì nữa. Hãy nhớ đến bài học trong câu chuyện “cậu bé chăn cừu” để hiểu rằng những lời hù dọa suông lâu ngày sẽ mất tác dụng.

5. Kể công hoặc than thân trách phận

Một điều nữa mà các bậc phụ huynh tuyệt đối nên tránh mỗi khi phạt con là kể lể công ơn nuôi dưỡng cực khổ của mình đối với con và than vãn rằng tại sao mình lại sinh ra đứa con bất hiếu như thế này. Hãy hiểu rằng việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm của cha mẹ còn lỗi lầm của con bạn lại là một vấn đề khác không hề liên quan. Con bạn phạm lỗi không có nghĩa là chúng đối xử vô ơn với cha mẹ. Đừng khiến con bạn cảm thấy mắc nợ cha mẹ và việc chúng sửa lỗi hoặc vâng lời chỉ là cách để trả nợ công lao nuôi nấng của bạn.

Năm điều nên làm khi kỷ luật con

Khi con phạm lỗi, việc kỷ luật hay trách phạt là điều đương nhiên. Trên đời không có đứa trẻ nào lớn lên mà chưa từng bị phạt. Tuy nhiên, khi cần phạt con, hãy sử dụng những hình phạt mang tính chất xây dựng (constructive punishment) để khiến con bạn tiến bộ hơn sau mỗi lần phạt và quan trọng hơn là không bị chấn thương về tâm lý. Trước hết, bạn nên nhìn nhận việc phạm lỗi của con ở một hướng tích cực hơn. Hãy xem mỗi lần phạm lỗi của con cái là một cơ hội cho bé học hỏi cái đúng cái sai.

Có những bài học không chỉ thể dạy bằng lý thuyết giáo điều mà người học chỉ có thể học được khi mình đã làm sai. Và mục đích của việc trách phạt con cái không phải là khiến cho con bạn SỢ mà không tái phạm. Khi con bạn chỉ sợ nhưng không hiểu được rằng mình sai chỗ nào, bé sẽ có khả năng lặp lại sai lầm khi không có bạn ở đó hoặc tìm những cách tinh vi hơn để qua mặt bạn. Chỉ khi con bạn thực sự hiểu được mình sai, bé mới quyết tâm sửa đổi. Sau đây là những điều bạn nên làm khi phạt con.

1. Giải thích cho con nghe tác hại của lỗi lầm con làm

Đừng bao giờ phạt con vì con không làm điều mình mong muốn hoặc làm điều mình đã cấm mà phải giải thích cho con nghe về tác hại của sai lầm của con đối với bản thân con và đối với những người chịu ảnh hưởng . Đừng phóng đại hậu quả một cách không thực tế và cũng đừng nói về những hậu quả quá xa vời trong tương lai. Ví dụ thay vì nói với con rằng nếu con không chăm học thì sau này sẽ trở thành ăn mày, hãy giải thích cho con rằng con sẽ không thể lên lớp cuối năm nếu học hành không nỗ lực. Khi trẻ hiểu được hậu quả của việc mình làm sai, chúng sẽ có học cách sống trách nhiệm hơn với những gì mình làm.

2. Lắng nghe con giải thích nguyên nhân phạm lỗi

Cho dù con bạn phạm lỗi gì thì trước khi áp dụng hình phạt, hãy cho con bạn một cơ hội để giải thích về lỗi lầm của mình. Đôi khi chúng ta quá chủ quan trong việc đưa ra kết luận mà không tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân sâu xa của việc phạm lỗi mà phạt con quá tay vì tức giận để rồi sau đó hối hận. Để cho con nói lên nguyên nhân phạm lỗi của mình cũng là một cách giúp con học cách phản biện một cách dân chủ. Đừng sợ con mình sẽ ngụy biện vì bạn là người đủ thông minh để hiểu rằng những lý do con bạn đưa ra có chính đáng hay không.

3. Đưa ra hình phạt mang tính chất khắc phục hậu quả

Một điều mà bất cứ bậc phụ huynh hoặc nhà giáo dục tiến bộ nào cũng phải nhớ nằm lòng là phạt không phải để cho trẻ con sợ mà không làm mà phạt là để cho bé hiểu được sai mà không tái phạm. Hãy đưa ra những hình thức phạt mà qua đó bé một phần hoặc hoàn toàn có thể khắc phục hậu quả của việc mình làm ra. Nếu bé làm rơi vỡ đồ đạc, hãy phạt bé bằng cách để bé tự dọn dẹp chứ đừng đánh chửi nhưng lại làm giùm bé. Nếu bé cư xử không đúng với ai đó, hãy bắt bé nhận sai và xin lỗi người đó đồng thời bắt bé phải có hành động cụ thể để bồi thường thiệt hại.

4. Đưa ra hình phạt bằng cách lấy đi quyền lợi

Đối với những lỗi lầm không gây ra hậu quả tức thời ví dụ như bé không chịu chăm học, nói dối… hãy phạt bé bằng cách lấy đi một trong những quyền ưu tiên mà bé sẽ được thưởng nếu làm tốt điều đó. Ví dụ bé không ăn cơm thì sẽ không được ăn tráng miệng, không hoàn thành bài tập về nhà thì cuối tuần sẽ phải học bù và không được đi chơi… Đây cũng là cách dạy cho bé hiểu được rằng quyền lợi và nghĩa vụ luôn đi chung với nhau.

5. Tha thứ nhưng quan sát sự tiến bộ của bé

Khi con bạn đã nhận sai và chấp nhận hình thức kỷ luật, đừng mang chuyện đó ra để nhắc đi nhắc lại nếu sai lầm tiếp theo không liên quan tới nó. Cũng đừng giận con hoặc đối xử lạnh nhạt với bé sau khi đã phạt xong. Bạn có thể nói cho con nghe cảm giác của bạn về lỗi lầm của bé nhưng đừng phóng đại cảm xúc đó một cách tiêu cực. Tuy nhiên, hãy âm thầm quan sát sự sửa đổi của con để đảm bảo rằng con bạn không chỉ hứa suông mà không thay đổi. Đừng quên khích lệ động viên con khi con bạn có nỗ lực phục thiện nhé.

Viễn Huỳnh

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!