(Kỷ niệm Ngày Quốc tế Cà phê – 1-10-2021)
(MTD) Một tin vui là, nhân ngày Quốc tế cà phê (1-10), chuyên trang đặt phòng quốc tế cho biết những điểm đến được yêu thích nhất dựa theo đề xuất từ du khách. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh nằm ở vị trí thứ 7 trong top 10 thành phố cà phê hàng đầu trên thế giới, nổi tiếng với tín đồ du lịch bởi văn hóa cà phê đặc sắc.
Cà phê là thức uống được ưu chuộng nhất trên hành tinh này, trung bình mỗi ngày cả thế giới uống 3 triệu cốc, dự báo còn tiếp tục gia tăng. Không phải ngẫu nhiên, Talleyrand, nhà chính trị và ngoại giao nổi tiếng của nước Pháp thế kỷ 19 đã ví von cà phê là “đen như ác quỷ, nóng như địa ngục, tinh khiết như thiên thần và ngọt ngào như tình yêu”.
Còn nhà triết học trào phúng John Eenest Mcann ở Anh thì chia sẻ: “Cà phê làm người buồn hóa vui, người lười thành siêng, người lạnh được ấm, và người ấm trở nên rạng rỡ”. Sử gia người Đức Heinrich Jacobs quả quyết: Cà phê có một sức mạnh quan trọng trong việc hình thành thế giới hiện đại, giúp những người làm việc thêm năng động, hiệu quả.
Thức uống huyền thoại này, đã xuất hiện trên cõi nhân gian khá lâu đời với truyền thuyết bắt nguồn từ Abyssinia, Châu Phi. Truyện kể rằng, một người chăn dê đã vô tình khám phá đặc tính kích thích của cà phê khi thấy đàn gia súc ăn hạt và lá của cây này mà trở nên nhanh nhẹn, phi thường hơn. Tuy nhiên, người đầu tiên dùng cà phê làm thức uống sớm nhất được ghi nhận là người Arap vào khoảng thế kỷ 13. Họ đặt cho cà phê cái tên là “kahula” nghĩa là sức mạnh. Nơi đây, cũng là quê hương của cà phê thượng hạng Mocha vốn là địa danh của nước Arap. Theo thời gian, các quán cà phê được hình thành, đầu tiên tại Venci (Ý) và ngày càng mở rộng, lan tỏa chinh phục các nước từ Tây sang Đông.
Theo nhiều tài liệu, từ năm 1857, cà phê xuất hiện ở Việt Nam. Và đến nay, đối với người Việt, cà phê là thức uống quen thuộc, là người bạn tri âm trong cuộc sống từ thành thị đến nông thôn. Từng ly cà phê dù đen, sữa, đá hay bạc xỉu, thì nguồn hương vị cà phê vẫn thật sự bất tử và lan tỏa để báo tin về một thế giới mới cho một ngày sống, làm việc trong ánh sáng tinh mơ mỗi đời người đô thị.
Đặc biệt, đối với người Sài Gòn, cà phê là một phần đời của cuộc sống vì nhìn đâu cũng thấy quán cà phê. Từ quán cóc, tới quán nhạc; từ cà phê vợt, tới cà phê phin và hàng loạt sáng tạo các loại hình cà phê: cà phê vỉa hè, cà phê máy lạnh, cà phê salon văn hóa, cà phê nhạc, cà phê sách, cà phê thú cưng, cà phê học thuật, cà phê phượt, ca phê cổ vật,…
Thật ra, yếu tố khiến khiến cho cà phê trở nên hấp dẫn và có ma lực quyến rũ đó chính là yếu tố xã hội của nó. Bởi lẽ, những không gian uống cà phê, chính là nơi khai sinh ra các câu chuyện đồn đại, là trung tâm tin tức, là cửa sổ thu nhỏ với thế giới bên ngoài. Dấu ấn đậm nét nhất liên quan đến tính xã hội của thói quen uống cà phê là sự hình thành “cà phê cóc”, cà phê bệt ngoài vỉa hè – mang tính cộng đồng với nét văn hóa cà phê đặc thù.
Cà phê chính là đôi cánh của năng lực tưởng tượng thấm đẫm cảm xúc và trí tuệ. Nói như nhà văn Võ Phiến: “… Cứ một giọt cà-phê rụng xuống là trăm nghìn câu chuyện cũ dâng lên trong ký ức, lan man bất tuyệt… Dù cho giữa khung cảnh sinh hoạt hấp tấp tơi bời của đô thị văn minh ngày nay, giọt cà phê chân chính vẫn bình tĩnh thong thả tụ hình, đắn đo, đủng đỉnh lắc lư, suy tư, chán chê rồi bấy giờ mới chịu buông mình xuống tách…”. Những “giọt cà phê có lẽ tự chứa trong nó vạn giọt đời… Cho nên trong cõi trăm năm này, từng giọt “huyền lệ” ấy vẫn thao thức với bao lời bể dâu…” (GS.Trần Văn Khê).
Sài Gòn đang dần lành bệnh, xin mời quý bạn ly cà phê buổi sáng. Nhấp một ngụm vị đắng đầu lưỡi tê tê, rồi trôi tận, để lại chút ngọt ngào nơi cổ họng, lắng đọng suy tư, khơi dậy năng lượng ngày mới cho cuộc sống năng động và tràn đầy sinh khí.
ThS.Nguyễn Hiếu Tín
(Trường ĐH Tôn Đức Thắng)