Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Mầu nhiệm nghe chuông

Chuông là pháp khí thiền gia. Tiếng chuông mỗi lần được thỉnh lên trong thời công phu (sáng sớm, chiều tối) – theo Bắc truyền thì “thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ” – làm thức tỉnh những chúng sinh còn mê, quay về đường tỉnh giác.

Với ý nghĩa như thế, mỗi chùa đều có đại hồng chung để đến khoảng 4g sáng và 6g chiều, hành giả lại thực hiện nghi “Thỉnh đại hồng chung”. Tiếng chuông quen thuộc nơi thiền cảnh cũng trở thành âm ba gieo vào lòng người sự bình yên, lắng đọng. Ở làng quê hay góc phố thị, tiếng chuông ngân lên cũng là biểu hiện của một đời sống nhẹ nhàng, với bối cảnh an lành để mọi người nhận diện nơi đó có Phật, có chùa, có đời sống tâm linh hiền thiện.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

(kệ chuông Làng Mai)

Tiếng chuông lúc này còn là một phương tiện thực tập chánh niệm, để nhất tâm: thân và tâm hợp nhất, biết rõ điều đang nghĩ, đang nói, đang làm.

Thường, chúng ta không biết rõ mình đang thế nào, cả 3 phương diện ý-khẩu-thân, bởi vì hoặc mình trôi về quá khứ, hoặc lăn về tương lai. Khi đó, mình thở nhưng mình không biết mình thở, nên mình sống nhưng không thật sống một cách trọn vẹn với hiện tại.

Tiếng chuông thỉnh lên để nhắc, mình đang thở và mình biết mình đang thở; mình đang đi và mình biết mình đang đi; kể cả một ý niệm khởi lên mình cũng nhận diện được – ghi nhận và chuyển hóa.

Nghe chuông vì thế không phải chỉ là nghe chuông. Mà là thực tập chánh niệm. Thực tập nghe chuông, hành giả còn phải thấy, tiếng chuông không chỉ là tiếng chuông mà thôi, và thấy, trong đời sống, tất cả những biểu hiện từ âm thanh, hình-sắc khác cũng là tiếng chuông.

Một đại dịch vừa đến, một cơn bạo bệnh vừa ập tới hay một sự thất bại vừa xảy ra… với đời sống của mình, chính mình phải trải qua những điều đó – cũng là những tiếng chuông, để dừng lại, thở và thấy. À, cuộc sống vô thường, mọi thứ đều có nhân-duyên của nó, trong cái xấu vẫn có cái tốt, trong nguy có cơ…

Chúng ta học gì từ mất mát, đau thương, đó mới là điều quan trọng. Cái tát từ cuộc đời cũng là tiếng chuông để mình, hay nhân loại nhìn lại tất cả đã làm gì và đã sống như thế nào trong kiếp hữu hạn, ngắn ngủi này?

Nghe chuông vì thế là một pháp tu thâm sâu, không đơn giản chỉ là tiếng chuông, mà qua đó, mọi biểu hiện đều là tiếng chuông tỉnh thức đòi hỏi ta phải dụng công bằng sự “lắng lòng nghe, lắng lòng nghe”…

Khi đã nghe được sâu rồi thì ta cũng sẽ là một tiếng chuông “thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ”. Rất nhiệm mầu!

Lưu Đình Long

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn.

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!