Những con phố cũ thèm những bước chân vui. Sài Gòn thứ bảy mà hoang vu chi lạ! Đâu rồi cái náo nhiệt phồn hoa cuối tuần vốn dĩ làm nên một thị thành chộn rộn bậc nhất nước. Có lẽ ai đã từng đến thành phố này dù chỉ một đôi lần vào cuối tuần, hoặc đã sống với Sài Gòn bao nhiêu năm tháng đều ấn tượng với Sài Gòn khi chiều buông, phố lên đèn, nhất là những ngày cuối tuần.
Sài Gòn cuối tuần thiên hạ đổ ra đường đông cứng. Những hàng quán quen thuộc, những góc phố lóc cóc, những con đường thân thương, đâu đâu cũng nườm nượp người qua kẻ lại. Người Sài Gòn ai cũng có những chiều cuối tuần lang thang gặp gỡ bạn bè, hoặc cùng người thương tìm đến một quán ăn, rồi dạo vòng thành phố hóng mát. Cuối tuần ở Sài Gòn luôn là dịp mọi người tự thưởng cho mình cái cảm giác hòa mình vào lòng phố sau những ngày miệt mài xoay vần chuyện mưu sinh nhọc nhằn. Không đâu bằng Sài Gòn ở cái khoản áp lực chuyện kiếm tiền và bám trụ nơi đất này.
Ngày trẻ, tôi cũng lao mình vào cày hai ba công việc để đảm bảo mình sống ổn ở cái xứ đắt đỏ này. Lắm khi chưa hết tháng đã phải xoay tiền từ bạn bè hoặc ứng lương trước để sống. Tiền lương tháng lãnh ra từ tay trái sang tay phải nhiều khi chỉ còn lại trụ vững thêm tuần hay mười bữa. Điều này cứ hỏi những người lao động thu nhập trung bình ở Sài Gòn sẽ hiểu. Đó là quãng trẻ mà ai cũng chen chân đi kiếm tìm cho mình cơ hội, vị trí. Chấp nhận sự phấn đấu từ những nấc thang đầu tiên với cái hy vọng năm ba năm sau sẽ có sự ổn định hay thăng tiến. Chắc chắn ở Sài Gòn không làm biếng sẽ kiếm được tiền. Nhiều hay ít lại tùy thuộc vào năng lực, bản lĩnh lẫn kinh nghiệm theo vị trí công việc và thâm niên cống hiến mà bạn có được.
Tuy nhiên, những gian lao ấy luôn được xếp gọn qua một bên để ai cũng có một ngày cuối tuần thong dong, buông xả những mệt mỏi mà cả tuần mình gồng gánh. Bạn lại bảo Sài Gòn mệt thế sao cứ bám vào. Mảnh đất này dẫu đua tranh và hối hả đến thế, nhưng mấy ai có thể bỏ Sài Gòn bởi cái hấp lực kim tiền mà Sài Gòn có được. Sài Gòn không thiếu cơ hội, chỉ cần chịu khó học hỏi và có ý chí cầu tiến, hai ba năm thôi sẽ dần ổn định, và nếu bám trụ được chục năm, chí ít bạn cũng có cho mình một chút gì đó gọi là thành công như bạn mong cầu. Bạn bè tôi đến và ở lại với Sài Gòn chục năm trở lên đều có cho mình một căn nhà nho nhỏ, dẫu có khi vẫn đang trả góp nhưng thoát cảnh thuê mướn. Họ cũng có cho mình một công việc ổn định thu nhập từ con số hơn mười triệu trở lên. Sài Gòn luôn biết trả lại cho người ta những gì người ta gieo vào lòng mảnh đất này.
Cuối tuần vì thế mà đối với người Sài Gòn nó rộn ràng và háo hức. Hàng triệu cuộc hẹn ở đất này đều í ới nhau cho ngày cuối tuần. Chiều thứ bảy luôn là khởi điểm của những cuộc vui rôm rả phố xá. Phố lên đèn, người lên đồ, nụ cười thay cho những mỏi mòn, niềm vui thay cho những muộn phiền. Sống ở đất này lâu dần, ai cũng tự biết tái tạo lại năng lượng tích cực để duy trì sự bám trụ. Chúng tôi thường lấy ngày cuối tuần để cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi vui chơi và đùa với nhau rằng nạp thêm vitamin để chào đón ngày thứ hai “hãi hùng”. Bởi ngày đầu tuần luôn là ngày áp lực với các cuộc họp, với các cuộc gặp mà nếu chẳng chuẩn bị tâm lý dễ khiến chúng ta cảm giác stress.
Nhưng 2 tháng nay, Sài Gòn từ giãn cách đến phong thành và giới nghiêm. Sài Gòn chiều thứ bảy chẳng còn là khởi nguồn cho mọi bước chân vui xuống phố. Phố hoang vu một cách ủ ê. Lòng người Sài Gòn cũng mang đầy thương tưởng những chiều cuối tuần xưa cũ. Chúng tôi gởi cho nhau coi hình ảnh chụp từ nhà mình ra đường phố. Những con đường sầm uất nay im lặng đón hoàng hôn. Những góc phố như ngủ đông trong ảm đạm. Thưa vắng những tiếng xe. Chẳng còn những tiếng chân. Và tuyệt nhiên chẳng còn cái nết cười ha hả đầy khoáng đãng đúng kiểu cách người Sài Gòn. Thành phố buồn như những tiếng còi hú vọng vang.
Sài Gòn cô đơn trong khoảnh khắc thành phố buông màn. Chiều nhá nhem loang dần đến tối. Trăng nhô lên và vài ánh đèn đường võ vàng càng làm cái hiu hắt thêm sầu nặng. Sài Gòn thứ bảy cô đơn vùi con người ta bằng những dòng cảm thán trên mạng xã hội. Bao giờ mới đến ngày vui? Ngày phố hân hoan đón những bàn chân quen. Ngày phố hồ hởi những đám bạn tụ năm tụ bảy để nói cười rào rạo. Ngày phố ẩn nấp đâu đó những cái nắm tay bối rối và nụ hôn vội thẹn thùng đỏ bừng má.
Ngày trẻ tôi cùng nhóm bạn luôn giữ thói quen dạo phố chiều cuối tuần, rồi sà vào một gánh hàng rong nơi góc phố quen. Mua vài món lặt vặt của mấy dì mấy cô miền Trung. Nghe tiếng trọ trẹ kể về những khoảng đời lữ thứ trên mảnh đất phương Nam nắng ấm này. Những câu chuyện xưa xa ấy luôn nhắc nhớ chúng tôi bài học chịu thương chịu khó với Sài Gòn. Quang gánh tảo tần ấy chục năm trời nuôi con vào đại học. Thúng mẹt ấy chục năm trời sửa được căn nhà ngoài quê. Từ đâu? Từ những chiều cuối tuần thiên hạ đi phố, tìm cho mình vài thứ lặt vặt nhai nhóp nhép chẳng phải chỉ đỡ buồn miệng, mà là cái thú bên vệ đường nghe chuyện đời rồi ngẫm chuyện mình.
Ngày trẻ của chúng tôi cứ thao thiết đi qua chục năm trời như thế. Chừng lớn lên theo bươn chải dòng đời, thoảng khi vẫn rủ nhau những chiều cuối tuần tụ lại ăn cùng nhau, rồi dạo phố cùng nhau. Thấy đám trẻ cỡ tuổi mình của chục năm trước đang tung tăng nói cười. Thấy những nhóm bạn trạc tuổi mình bây giờ ngồi yên ắng nhìn chiều cuối tuần mà cười thầm. Nụ cười ẩn giấu nhiều kí ức vui và đẹp về một cuối tuần sầm uất của thị thành này.
Sài Gòn hơn hai tháng nay chẳng có chiều cuối tuần. Dây giăng mắc dọc ngang phố khóa trọn phận người ở yên trong nhà. Chúng tôi đồng lòng với nhau như thế. Hẹn ngày gặp lại khi cơn dịch tan. Tin chắc đó sẽ là những chiều cuối tuần rộn ràng niềm hân hoan nhất. Sài Gòn chiều thứ bảy đang cô đơn nhưng chắc chắn lúc này Sài Gòn không cô độc. Bởi ở cái thành phố này đôi khi nhiều điều rất lạ. Người ta vẫn có thể dạo phố bằng những câu chuyện về chiều cuối tuần của riêng mình. Người ta có thể kể nhau nghe bằng những bài viết treo trên trang mạng cá nhân của mình. Rồi cứ thế hàng chục, trăm, ngàn kỉ niệm về chiều cuối tuần được chia sẻ. Vậy thôi, giản đơn như thế. Người ta lại chào nhau giữa phố thênh thang, dẫu trên cõi mạng. Nhưng chẳng hề gì! Sài Gòn vốn dễ thích nghi.
Sài Gòn thứ bảy, bạn có sẵn lòng kể cho mọi người nghe những chiều cuối tuần của riêng bạn? Viết xuống đây bằng những dòng trả lời. Biết đâu chúng ta đã từng chung một kỉ niệm, chung một con đường, chung một góc phố. Hẳn nhiên, chúng ta chung một niềm thương dành cho Sài Gòn!
Nhà văn Tống Phước Bảo
Nhà văn 8x Tống Phước Bảo trong 4 năm qua đã sở hữu nhiều giải thưởng viết lách: Giải Khuyến khích Truyện ngắn hay năm 2018- báo Tiếp Thị Gia Đình, Giải Khuyến khích Truyện ngắn hay năm 2019- báo Người Lao Động, Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “Một nửa làm đầy Thế giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ năm 2019, Giải Ba cuộc thi Tạp bút “Kí ức Tết” – 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Thành phố tôi yêu” – báo Thanh Niên – 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Quê nhà dấu yêu” – Báo Áo Trắng – 2020, Tặng thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid”- 2021…
Tống Phước Bảo còn có cả trăm truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo: Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công An, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quảng Ngãi, Nghệ An, Đà Nẵng…
Anh vừa ra mắt tác phẩm Sài Gòn còn thương thì về! – tập tản văn và truyện ngắn do NXB Đà Nẵng ấn hành hồi tháng 5-2021