Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Một ngày nhìn thấy mình

(MTD) Một ý nghĩ thiện lành được khởi lên từ việc muốn chia sẻ những phần quà đến những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội nhân chuyến nghỉ đông của một em sinh viên học xa nhà. Ý tưởng này đã được mẹ em chia sẻ với đạo tràng và đã được tất cả mọi người ủng hộ cùng nhau thực hiện.

Bao nhiêu công việc chuẩn bị cho bữa nấu ăn đến các em nhỏ mồ côi bệnh tật với nhiều hoàn cảnh khác nhau tại Cơ sở từ thiện chùa Kỳ Quang II (TP.HCM) đã được thực hiện từ vài ngày trước. Mỗi người mỗi việc – người góp công người góp sức – người ở gần người ở xa đã cùng nhau hội tụ mang niềm vui tình thương ấm áp đến cho những trẻ em nghèo khó bệnh tật.

Mang yêu thương đến nơi đang cần

6h30 ngày 24-12, mọi người cùng xuất phát, tạm rời xa những ồn ào náo nhiệt vội vã của công việc đời sống hàng ngày để đến Cơ sở từ thiện chùa Kỳ Quang II, bên dòng sông Sài Gòn êm ả trong xanh. Khuôn viên Cơ sở từ thiện được chia ra làm hai khu, một bên là chánh điện nơi thờ Phật, một bên là cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi bệnh tật. Hai khu được cách nhau bởi một con đường – con đường của tình thương và trí tuệ song hành.

Vào bếp, các chị các em mỗi người mỗi việc: người lặt rau, người chế biến, người làm bún, người pha chế… để nấu nên một nồi bún mọc chay thơm phức, ngon bổ với trọn vẹn tấm lòng yêu thương. Các bạn nam trẻ không thể vào bếp thì cùng nhau lên chánh điện lau chùi, vệ sinh, dọn dẹp. Chùa rộng nhưng người ít và lớn tuổi nên rất cần những bàn tay chăm sóc dọn dẹp để có một nơi tu học trang nghiêm thanh tịnh. Một ngôi chánh điện sạch sẽ được hiện ra chỉ sau hơn một giờ.

Một đoàn khác của doanh nghiệp CT Group mang đến cho các em thêm chút hơi ấm tình người của ngày Giáng sinh lạnh lẽo. Nào  bánh, nào kẹo, vật dụng… và trên hết vẫn là những lời hỏi thăm, chia sẻ, những cái ôm hôn truyền trao tình thân đến với các em đang rất cần và thiếu nơi đây.

Trải nghiệm để thấy tâm mình ra sao…

Đã đến giờ ăn, mọi người đi vào chuẩn bị thức ăn cho các cháu. Các cháu lớn sinh hoạt và ăn uống ở một khu. Các cháu nhỏ sinh hoạt ở một khu khác. Các cháu lớn dù cũng có nhiều bệnh tật nhưng nhìn chung đã được các cô chú anh chị ở đây hướng dẫn tận tình nên đã biết sinh hoạt ăn uống dọn dẹp. Sau đó cả đạo tràng cùng đến với các em nơi nơi góc cuối của Cơ sở từ thiện.

Bước vào khu nhà nơi các em đang ở không phải là hình ảnh các em tật nguyền ốm đau bệnh tật ngăn cách, mà chính là cái mùi toát ra từ các em. Mùi của nhiều ngày từ đại tiểu tiện của hơn 30 em nơi đây thải ra liên tục tại chỗ. Mặc dù đã được thay áo quần, chùi rửa nhưng không sao tránh khỏi nặng mùi.

Phật dạy quán thân bất tịnh mùi của ta cũng như của người đều như nhau, đều hôi hám. Khi học, thực hành ở một toilet nho nhỏ trong gia đình, trong công ty thì dễ nhưng hôm nay gặp một “đại toilet” nên không thể không có phản ứng. Khi vào tiếp xúc với các em nhưng vẫn còn phản ứng, còn cái gì “ghê ghê”, “gớm gớm”. Thương thì thương hoàn cảnh các em nhưng sự tiếp xúc vẫn còn giới hạn, đặc biệt giới hạn trong “tâm” nên sự gần gũi cũng chưa trọn vẹn tất cả. Khoảng cách giữa bài học Phật dạy và thực tiễn vẫn còn quá xa.

Giờ ăn của các em

Hiểu để rồi thương

Mỗi em mỗi hoàn cảnh, mỗi em một bệnh tật, mỗi em mỗi nghiệp. Không em nào giống em nào. Em đã lớn chắc khoảng 5-8 tuổi thì ngồi co quắp, lo lắng sợ sệt sau khi vào Cơ sở một tháng. Vì một lý do nào đó người thân bỏ trước cổng chùa.

Em thì bị bại não nằm thoi thóp trên cái võng, sống không bằng chết; em thì ngồi gục mặt xuống, em thì nằm sấp như đang quỳ lạy ai với hai chân co quắp lại. Em thì bị cột vào cột nhà vì các cô chú chăm sóc sợ em chạy ra ngoài làm những điều nguy hiểm cho tánh mạng do bệnh tăng động. Em thì hai chân đang chéo vào nhau, em thì ngồi bần thần suốt hàng giờ, em thì nằm ngẩng đầu lên chờ đợi được ai đó cho ăn cho uống… Rất ít em có thể tự chủ ăn uống sinh hoạt. Gần như không có một em nào có đầy đủ 6 căn, không khiếm khuyết mắt thì cũng khiếm khuyết tai; không khiếm khuyết mũi thì cũng khiếm khuyết lưỡi; không khiếm khuyết lưỡi thì cũng khiếm khuyết thân; không khiếm khuyết thân thì cũng khiếm khuyết ý thức. Tất cả đều không trọn vẹn.

Nguyên nhân gì đưa các em vào hoàn cảnh mồ côi như vậy, tại sao các em lại bị những bệnh như vậy không em nào giống em nào?

Tất cả đều từ câu trả lời do nhân quả – nghiệp báo mà quá khứ tạo ra. “Không ai chọn nơi mình sinh ra”, câu nói này thật đúng với các em.

Nơi mình sinh ra cũng là nơi mình đã chiêu cảm nhân duyên, rồi em bị bỏ rơi, bị bệnh tật với 6 căn không hoàn hảo. Nếu có quyền chọn lựa nơi mình sinh ra thì chắc rằng các em cũng mong muốn mình được đầy đủ 6 căn với một gia đình êm ấm – nơi có tình thương ấm áp của mẹ, nơi có sự dưỡng dục của cha, nơi có bầu không khí sum họp của gia đình, được cắp sách đến trường được gặp bạn bè học hành tới nơi tới chốn để có một tương lai tươi sáng như bao em nhỏ khác.

Nhân quả rất lạnh lùng và công bằng, những gì bản ngã tạo ra hôm nay dù đẹp dù xấu, dù tốt dù không tốt, dù thiện dù ác… nó vẫn đi theo ta như hình với bóng để đến một lúc nào đó đầy đủ nhân duyên thì quả sẽ đến với ta. Hạnh phúc có, đau khổ có. Không ai thoát được.

Hằng ngày bản ngã nói năng – hành động – suy nghĩ tạo ra bao nhiêu nghiệp thiện – ác dù lớn dù nhỏ, chúng ta đều không thấy hay không biết, nhưng nó không mất đi đâu cả, âm thầm theo ta, ta là chủ nhân, là kẻ thừa tự của những nghiệp nhân này, đến lúc quả trổ ta sẽ nhận đủ.

Hình ảnh các em ám ảnh lên ta, ám ảnh bởi nỗi khổ niềm đau mà hàng ngày các em đang gánh chịu. Nỗi đau âm ỉ chịu đựng không thể than trời trách đất tại sao lại bất công như vậy. Nhân quả, hai tiếng nghe cũng rất nhẹ nhàng nhưng trong hoàn cảnh này thì thật là đáng suy nghĩ.

Duyên nghiệp đẩy mỗi người sinh ra trong hoàn cảnh khác nhau. Biết Phật pháp ta sẽ chọn sống tích cực hơn để chuyển hóa nghiệp xấu, tạo thêm nhân lành, trực tiếp cải tạo cuộc sống của minh

Những gì các em đang phải đối diện hàng ngày, ai đến thăm các em chỉ có thể chia sẻ chút tình thương trong giây lát, rồi các em vẫn tiếp tục sống trong hoàn cảnh đó mà gần như không thể thay đổi dù cho có muốn đi nữa. Một đời sống theo bản năng như ăn uống, vệ sinh ngủ nghỉ… mà các em còn không tự chủ được thì nói gì đến khả năng làm thiện nghiệp để có một ngày tươi sáng hơn. Thật xót xa! Xót xa cho các em và cho chính ta khi với một cơ thể đầy đủ 6 căn, với cơ hội làm thiện nghiệp đầy đủ mà ta lại không làm do sự phóng dật, giãi đãi, đố kỵ, ganh ghét hàng ngày của chúng ta. Đến lúc Quả đến như các em đang gặp thì mình không thể làm thiện nghiệp để thay đổi vì QUẢ đã là QUẢ. Có chăng chỉ là thay đổi cái nhân tốt đẹp hơn từ việc biết nhìn ra quả xấu.

Bài học thực tiễn cần ghi khắc trong tâm

Một bài học thực tiễn thật quý giá mà không có kinh sách hay lời thầy nào giảng có thể rúng động tâm can hơn những hình ảnh các em mà chúng ta gặp hôm nay. Hoàn cảnh của từng em đã dạy cho chúng ta một bài học quá thiết thực, làm những nhân gì tạo ra quả câm điếc, làm những nhân gì ra quả bại não; làm những nhân gì ra quả người co quắp như đang lạy lục van xin ai, làm những nhân gì mà nằm ra đó chờ người khác cho ăn, làm những nhân gì mà bị cột vào cột nhà, làm những nhân gì mà giành giật miếng ăn cho vào miệng mặc dù đã ăn nhiều, làm những nhân gì để phải luôn gục mặt xuống đất không thể ngửa cổ lên nhìn đời…

Quá nhiều. Nhân thì chúng ta không thể biết rõ ràng nhưng những quả khổ đau này chắc chắn bắt nguồn từ những ác nghiệp như sát sanh, đánh đập, khinh chê, không kính trọng bậc đức hạnh, trộm cắp, nói dối, sử dụng chất gây nghiện…

Bài học thực tiễn này đã dạy cho chúng ta lộ trình thực hành Phật pháp: đầu tiên là nhận ra những ác nghiệp đang có trong ta; kế đến là khống chế không cho ác nghiệp phát sinh nữa bằng cách làm các thiện nghiệp – thực hành giới luật. Và cuối cùng, không để các phiền não trong ta phát sinh bằng cách tin sâu nhân quả – tác ý những điều thiện lành – không dính mắc.

Đạo tràng gieo yêu thương cho chính mình và những bạn nhỏ

Thật trân quý biết bao khi trong đạo tràng có những em nhỏ học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học và cả vài em từ nước Úc, Thụy Sỹ xa xôi nghỉ hè, nghỉ đông về thăm quê hương, có duyên được cha mẹ dẫn đi để có một bài học thực tiễn, thấy rõ những hạnh phúc mình đang có là quá nhiều so với các em nơi đây: một cơ thể đầy đủ – khỏe mạnh – to lớn; sống trong một gia đình còn cha mẹ chỉ dạy hàng ngày; được nuôi dưỡng học tập đầy đủ, được đi đây đi đó hiểu được bao nhiêu điều của cuộc sống. Đầy đủ và quá nhiều so với các em nơi đây.

Các em đã được học bài trân quý của cuộc đời mà không thầy cô cha mẹ nào có thể giảng được. Chỉ thấy qua ánh mắt của các em, qua những hành động ẵm bồng các em nhỏ tật nguyền, qua những lần đút từng miếng bánh nhỏ vào những cái miệng nhỏ bé tật nguyền kia, qua những cái vỗ lưng vuốt ngực giúp các em mồ côi có được chút hơi ấm tình người yêu thương… đã nói lên tất cả những cảm nhận của các bạn trẻ về bản thân mình so với các em nhỏ nơi đây.

Hai con người hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau như vực sâu và núi cao. Không thể so sánh. Chỉ biết rằng đó là nhân quả của thiện và ác.

***

Ánh nắng trưa đã lên cao, bỏ lại sau lưng những ánh mắt đau đáu ngỡ ngàng của các em mồ côi khi trước đây vài phút được mọi người trong đoàn chia sẻ, mọi người ra về với những suy nghĩ khác nhau về cuộc đời: có gì là của ta, có gì là ta đâu mà tại sao hàng ngày ta lại làm thiện nghiệp thì ít mà ác nghiệp thì nhiều. Để rồi, nếu mai này ta rơi vào hoàn cảnh khổ đau như hoàn cảnh các em mồ côi nơi đây thì sẽ như thế nào.

Rùng mình với ác nghiệp và tự hứa với lòng cùng nhau tinh tấn thực hành các thiện pháp hằng ngày mà như một vài em nhỏ trong đoàn khi ra về còn quay lại xin tài khoản của chùa để hàng tháng có duyên lành sẽ chuyển khoản một phần thu nhập của mình đến quý Thầy nơi đây để lo cho cuộc sống các em nơi này. Lành thay, lành thay!

Nguyên Cảm

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!