Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Mùng 3 Tết thầy, nhớ tấm áo thầy trao

22 năm trước, một ngày tháng Chạp, thầy dạy Hóa dặn tôi xuống phòng thầy, “thầy có việc nhờ em giúp”.

Cuối buổi, tôi men theo lối nhỏ từ phòng học đến khu nội trú của giáo viên để gặp thầy.

Thầy nhờ tôi giúp thầy, may chiếc áo cho… chính tôi. Rồi thầy đưa tôi xấp vải trắng, bảo đó là xấp vải thầy được tặng dịp 20/11 trước đó, không dùng đến. Thầy muốn tôi có áo mới, kịp đón Tết. Tôi nghe xong, vừa mừng, vừa xúc động đón nhận xấp vải trắng còn thơm mùi vải. Tôi cúi đầu cảm ơn thầy. Lòng vui như Tết.

Có lẽ, dẫu chỉ dạy bộ môn, nhưng thầy quan sát thấy tôi mặc hoài một hai chiếc áo, lại cũ kỹ, thâm kim. Có lẽ thầy nghe nhiều người “đồn” về tôi, một cậu học trò nghèo thiệt nghèo, vượt khó đến trường nên cảm thông, muốn chia sẻ…

Bấy giờ nhà tôi nghèo thiệt. Ngoại tôi 70 tuổi, lụm cụm, bệnh đau quanh năm không làm gì được. Má tôi ngoài bốn mươi nhưng cũng không khá hơn, lại đóng vai trò trụ cột. Hồi ấy, mỗi đầu năm học má đều vô xã chứng giấy xác nhận gia đình mình thuộc hộ “Đói” để tôi được miễn học phí.

Tết đến, có nhiều năm má tôi phải mua chịu ký thịt heo, chờ đến mùa lúa mới đong thóc trả cho người ta. Những bữa chợ cuối năm, má cắt buồng chuối sau vườn, bắt con gà trống tơ đem bán rồi mua mấy lọn giấy mới dán bàn thờ, ít bánh mứt cho có không khí… Những cái Tết nghèo ấy tôi nhớ mãi. Do vậy, xấp vải may áo mới thầy tặng là món quà tuyệt vời nhất tôi nhận được bấy giờ.

Tôi đem xấp vải về kể, má và ngoại nghe xong cũng xúc động, dặn dò: “Con thấy ai cũng thương và ủng hộ con hết, nên phải cố gắng lên nghe”. Ngoại tôi động viên, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” để tôi không nản lòng bỏ cuộc.

Tháng 7 năm ngoái, nhân dịp 20 năm rời trường phổ thông trung học, tôi và các bạn trở lại trường xưa. Gặp thầy và bạn, tôi lại nhớ về xấp vải trắng và chuyện tấm áo Tết thầy trao. Nhờ món quà của thầy mà năm đó, má tôi kịp may cho tôi chiếc áo học trò tinh tươm, vừa mặc ăn Tết vừa mặc đi học.

Tôi không phải là người giàu có nhưng so với năm tháng đó, cuộc sống đã tương đối ổn định. Có một công việc yêu thích và chút ít niềm vui trong cuộc sống nhờ thực tập “ít muốn, biết đủ”. Tôi nhớ thầy và tấm áo ngày nào nên thỉnh thoảng cũng tập tành chia sẻ, học làm người tử tế.

Quan sát thấy được khó khăn của người. Tinh tế trao món quà để món quà không chỉ mang giá trị vật chất thông thường, mà còn mang cả động lực tinh thần cho người nhận, “của cho không bằng cách cho” – tất cả cần có tâm lớn. Đó là bài học lớn nhất tôi nhận về khi thầy trao cho xấp vải may đồ Tết.

Bạn có những người thầy thật dễ thương như vậy không?

Tôi nghĩ, trong suốt cuộc đời của mình, chắc ai cũng có những người thầy đặc biệt. Có thể thầy không giúp học trò có áo Tết như tôi nhưng đã đỡ nâng người học bằng phương diện khác. Một lời khuyên đúng lúc. Một cuốn sách vừa tầm. Một lời nhắc nhở nghiêm khắc đủ chạm vào trái tim khiến học trò không còn “cá biệt” nữa… Rất nhiều câu chuyện ký ức ấy đọng trong trái tim học trò mà có khi thầy đã không còn nhớ, hoặc xem đó là việc-bình-thường.

Trong dịp Tết Nguyên đán, mùng ba được ấn định là “Tết thầy” theo truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt – là dịp để nhớ ơn người trao truyền tri thức, đạo đức trên bục giảng, ở nhà trường. Truyền thống này theo tôi rất hay, cần gìn giữ và nên phát huy giữa bối cảnh mối quan hệ thầy trò hiện tại đang có những biểu hiện theo chiều hướng không tốt.

Vai trò của người thầy từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây luôn quan trọng trong việc quyết định nhân cách của học trò. Ngoài truyền dạy kiến thức và lý thuyết thì “thân giáo”, tức cốt cách, lối sống, “nói đi đôi với làm” trong ý nghĩa con người mô phạm sẽ giúp học trò mình tiến bộ. Nếu có may mắn gặp thầy cô tốt, người học trò đã tốt đã giỏi sẽ càng giỏi, càng tử tế, tốt đẹp hơn.

Không phải tự nhiên mà người Việt đặt người thầy vào “diện” tri ân báo ân trong mỗi dịp Tết Nguyên đán – đầu năm mới: Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy. Cha mẹ cho mình thân thể, nuôi mình khôn lớn, thầy cô cho mình tri thức, đạo đức để hoàn thiện bản thân. Nếu thiếu cái chữ, đạo làm người, lẽ sống và lý tưởng sống đẹp, không được thổi bùng khát vọng, nuôi lớn ước mơ thì con người đó khó trở thành người hữu dụng.

Ngày nay, dù vai trò người thầy không còn lớn như trước nhưng tình thầy trò, đạo đức về báo ân vẫn luôn cần nhắc nhớ để neo giữ tâm hồn người trẻ lại. Tất nhiên, để có sự tri ân sâu sắc của trò thì thầy cũng phải ra thầy, có tầm có tâm để học trò có chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn. Không thể đòi hỏi một sự biết ơn nếu người lớn không gieo được hạt giống tốt lành cho người nhỏ, dù là trong mối quan hệ nào.

Một hành động có tâm của thầy có thể là bệ phóng cho một con người.

Lưu Đình Long

* Bài viết trên đăng VnExpress, bài gốc tại đây

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!