Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

NAM PHƯƠNG Hoàng hậu & Những câu chuyện ít biết (Phần III)

(MTD) Sau khi tỏ rõ quyết tâm về tình cảm dành cho Nguyễn Hữu Thị Lan trước triều đình và hoàng tộc, vua Bảo Đại đã chính thức đưa bà về hoàng cung và tấn phong bà thành Hoàng hậu Nam Phương trong lễ cưới tổ chức ngày 20-3-1934. Lễ cưới này diễn ra như thế nào và có gì đặc biệt? Mời quý độc giả cùng theo dõi…

LỄ CƯỚI CỦA BẢO ĐẠI VÀ NAM PHƯƠNG

Không thuyết phục được Bảo Đại, Triều đình và bà Từ Cung đành chấp thuận, đồng ý để Bảo Đại lấy con gái của Nguyễn Hữu Hào. Lễ cưới đã diễn ra ngày 20 tháng 3 năm 1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan vừa 19 tuổi. Trong triều đình lúc đó duy chỉ có một mình cụ Nguyễn Hữu Bài quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Viện trưởng Viện Cơ Mật là người đồng tình với nhà vua trong việc Bảo Đại lấy Thị Lan vì ông vốn cũng là người Công giáo.

Và cũng vì có sự bất đồng trong triều đình, hoàng tộc nên đám cưới đã có vài trục trặc diễn ra khi rước dâu. Đến đây chúng ta đọc lại một bài phóng sự của nhà báo lão thành Hoàng Phố đã viết trong Hội ký làm báo (bản thảo chưa in mà tôi đang lưu giữ. – PTL).

“Hồi năm 1933, tôi làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn của ông huyện Nguyễn Văn Của ( là nhạc phụ của dược sĩ La Thành Nghệ ) ở xéo Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn. Lục Tỉnh Tân Văn số 1 ra đời tôi còn ở phương trời nào chưa vào bụng mẹ. Nay tôi làm được chủ bút một tờ báo già hơn tôi, hãnh diện làm sao.

Không mặc đồ Tây, tôi lại luộm thuộm với chiếc áo dài đen và đôi giày hàm ếch, như quan chủ bút trước là cụ huyện Nguyễn Chánh Sắt đã về “hưu”. Tôi bận như thế để cho ra vẻ nho phong và ra vẻ quan chủ bút luôn thể, nhứt là để cho ít tốn tiền giặt ủi, vì hồi ấy gặp nạn khủng hoảng kinh tế, lúa có 3 cắc một giạ.

Thuở đó, ai cũng mặc đồ Tây, riêng các quan lớn chủ quản đi hầu quan Thống đốc mới mặc áo dài, khăn đóng. Thật ra, hằng ngày tôi ra vào ở dinh Thống đốc, ở đỉnh Gia Long mặc áo dài kể cũng không phải là việc lạ đối với cặp mắt mọi người, nhất là tôi lại là quan chủ bút số dzách.

Một ngày nọ, vào năm 1934, chủ nhân, ông huyện Nguyễn Văn Của gọi tôi vào phòng bảo:

– Chiều nay, thầy đi với tôi! Nhớ khăn đóng và giày ếch-cat-ba đen nghe. Dạ thưa, đi ăn tiệc Toàn quyền hay Thống đốc?

– Không! Đi dự bữa tiệc thân mật ở đường Taberd (bây giờ là đường Nguyễn Du) chỉ năm, mười người thôi! Đằng gái đưa dâu, thầy kín miệng nghe. Đây là việc cơ mật, Hoàng đế Bảo Đại cho quan Triều đình vào rước Hoàng hậu về Huế. Hoàng hậu là con gái ông Nguyễn Hữu Hào. Cháu ông Huyện Sỹ v.v…, và v.v…

À, té ra mình đi “họ” đây mà.

Chiều đến, biệt thự ông Nguyễn Hữu Hào ở đường Taberd (nay là tòa lãnh sự Đại Hàn), quan khách vỏn vẹn mười người. Tiệc thân mật. Ngoài quan chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn ra có quan chủ bút Lê Trung Nghĩa là hai quan báo. Còn lại toàn là “quan lớn” (lớn thật) trong đó có ông Đốc phủ Lê Quang Liêm tức Bảy Liêm phải ngồi chung với tôi cho đủ cặp, vì tôi cũng khăn đóng áo dài.

Rồi quan triều (hai vị) đến bắt tay tôi, phải “rua cả hai tay và nghiêng mình quá xá. Mấy thuở trong Nam có kẻ mặc áo dài bỗng bạc. Ý hẳn quan triều tưởng tôi là quan lớn thiệt.

Sâm-banh nổ! Bánh đầy bàn. Cô Nguyễn Hữu Thị Lan đi mời rượu từng người, tới tôi:

– Xin quan lớn dùng chút rượu và bánh.

Nhà gái cũng đến mời:

– Xin quan lớn dùng.

Nhìn quanh khắp phòng, chỉ có ông Đốc phủ Bảy, hai quan triều và tôi mới thật là quan lớn mà thôi.

Không phải người ta kêu tâng bốc đầu các bạn!

Người ta thành thật gọi quan lớn đấy mà!

Nhưng thưa các bạn, các bạn muốn hiểu sao thì hiểu, vì lúc đó tôi đang giương oai có một bộ mặt “quan lớn” thật tình.

Mấy hôm sau, đưa ra đến đèo Hải Vân, các quan từ Huế vào đến tiếp. Quan khách đưa không mấy người, đều mặc đồ Tây cả. Riêng ông Đốc phủ Bảy và tôi mặc quốc phục.

Lúc đó, không có giới thiệu, nên không làm sao lòi cái mặt “quan báo” được. Mọi người đều tưởng (chắc chắn là như vậy) tôi làm gì lớn… lớn lắm ở trong Nam, nên họ tiếp ông Đốc phủ Bảy và tôi “long trọng” hơn các người đi họ khác.

Có lẽ ông Đốc phủ Bảy cũng muốn tôi có dịp giương oai chơi, nên ông không bao giờ giới thiệu tôi là anh viết báo. Ông cứ vẫn đi cặp tôi (đi riêng sao được, vì chỉ có hai mống bệ vệ trong bộ quốc phục) và rồi có lúc cũng gọi tôi là quan lớn.

Ông gọi đùa tôi, nhưng tôi thấy sung sướng lạ!

Bây giờ nước đã trôi qua dưới Cuộc đời nhiều xáo trộn. Làng báo ngày một đông thêm. Rất nhiều vị chủ bút ra đời. Song có bạn nào đã được làm quan chủ bút để giương oai với quan thiệt của Triều đình chăng?

Còn một vài tờ báo nữa ở trong Nam thời đó cũng có đăng tin về việc rước dâu trên, nhưng họ nói sở dĩ họ đàng trai (phía Hoàng tộc) chỉ có lèo tèo vài người vào đèo Hải Vân đón nhà gái vì bên Hoàng tộc (họ nhà trai) không ai chịu đi đón dâu nên cuộc đi đón bị trễ mất một ngày, làm họ nhà gái phải chờ ở giữa đèo Hải Vân. Rồi hai họ cũng đã gặp nhau giữa đèo và đoàn xe nhập làm một để trực chỉ về Huế. Tới Huế họ nhà gái được mời vào trong cung Trú Tất nghỉ để chờ ngày 20 tháng 3 mới cử hành hôn lễ.

Buổi sáng mùa xuân thật đẹp, hôn lễ được cử hành. Tại cung Trú Tất, Nguyễn Hữu Thị Lan mặc áo thụng gấm đỏ thêu vàng, đội khăn màu thiên thanh quấn nhiều vành, đi bên cạnh Thị Lan là bà chị ruột đã lấy chồng là một võ quan Pháp (đại tá Didelot- PTL) Hai người cùng bước lên xe hơi để vào Đại nội, ở đó Bảo Đại đang chờ cô dâu tới để làm lễ hợp cẩn trình diện Hoàng tộc, các quan trọng Triều và Khâm sứ Pháp”.

Còn theo cuốn hồi ký “Con rồng An Nam” của Bảo Đại, thì:

“Lễ cưới được tổ chức trước sự hiện diện của đình thần và đại diện nước Pháp. Đây là một lễ cưới đổi mới, trước kia, chưa từng có trong cung đình. Tôi cũng quyết định sau khi cưới, sẽ tấn phong cho vợ tôi làm Hoàng hậu – danh hiệu mà trước đó chỉ phong cho Thái hậu sau khi vị Hoàng đế qua đời”.

Bốn ngày sau lễ đại hôn mới kết thúc và sau đó Nguyễn Hữu Thị Lan được Bảo Đại tuyên bố sách lập là Nam Phương Hoàng hậu.

Ngày mùng 10 tháng 2 (tức 24-3-1934) lễ tấn phong Hoàng hậu được diễn ra rất trọng thế ở điện Dưỡng Tâm. Và một đạo Dụ của nhà vua phong Hoàng hậu tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Bảo Đại giải thích thêm trong “Con rồng An Nam” như sau:

“Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng hậu mới, từ đó gọi là Nam Phương – Nam Phương có nghĩa là “hương thơm của miền nam” (perfume). Và tôi, ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế” 2.

Tất nhiên, điều chúng ta cần biết nhất là lễ cưới đã diễn ra như thế nào? Về điều này, Bảo Đại không quên và ông đã kể lại:

“Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình. Nam Phương mặc chiếc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu bầu óng ánh. Nàng đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi chào. Với một vẻ đẹp tuyệt vời nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thập ở đó. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cãi ngai bên phải của tôi. Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã ở bên tôi, chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung – nơi ở và làm việc của chúng tôi”.

Đến đây chúng ta có thể kết luận là cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại với Thị Lan là có sự sắp đặt khéo léo và tỉnh vi của Toàn quyền Pasquier, của vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ là ông bà Charles ngay từ khi Bảo Đại còn đang theo học ở bên Pháp, lúc đang học “nghề làm vua”. Vì vậy, sau đám cưới, Bảo Đại hay Thị Lan có bào chữa thế nào, thì rõ ràng là họ không phải chỉ mới biết nhau tại Đà Lạt mà trong cuộc hôn nhân này có sự sắp đặt từ trước với những âm mưu chính trị, thâm sâu của chính quyền thực dân Pháp. Như cụ Phạm Khắc Hòe, cựu Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại, năm 1983 đã viết trong hồi ký “Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc”, trong đó cũng có đoạn nói về cuộc hôn nhân của Bảo Đại:

“… Trong cuộc kết hôn giữa Bảo Đại với Nguyễn Hữu Thị Lan lý trí nặng hơn tình cảm nhiều. Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu. Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ. Về mặt tình cảm nếu có thì cũng chỉ là bề ngoài: hai người đều khoẻ mạnh, yêu thể thao và quen sống lối phương Tây. Còn về tính tình, tâm tư thì hầu như trái ngược nhau. Bảo Đại nông cạn, ngây thơ, nhu nhược, thích ăn chơi hơn là quyền bính. Ông ta có thể phục thiện nhưng rất dễ bị bọn cơ hội lợi dụng. Trái lại, Nam Phương là người kín đáo, trầm tĩnh, sâu sắc, có cả tính có đầu óc suy nghĩ, thích đọc sách, nghiên cứu hơn là ăn chơi… thích uy quyền và có nhiều tham vọng chính trị”.

Tham vọng của Nam Phương là khi có con trai sẽ phong làm Thái tử để nối ngôi và quyền bính sẽ do bà Thái hậu là Nam Phương “thi thố tài năng”, nhất là làm vừa lòng mẫu quốc Pháp, vừa lòng Toà thánh La Mã hằng mong đợi nước Việt Nam tương lai sẽ có một ông vua có đạo Công giáo.

Và mặc dầu, vợ chồng Charles có viết thư xin phép Tòa thánh cho Nam Phương được kết hôn với Bảo Đại, và mỗi người giữ đạo riêng. Nhưng Giáo hoàng thứ XI đã không chấp nhận. Việc đã lỡ rồi, nên đám cưới của Bảo Đại với Thị Lan vẫn cứ tiến hành. Vì vậy Giáo hoàng đã rút phép thông công (phạt va) không cho Nam Phương xưng tội và rước lễ như trước khi lấy Bảo Đại. Sau khi lễ cưới xong . Bảo Đại nghe theo lời của vợ chồng Charles là Bảo Đại nên tặng huy chương cho mấy Giám mục người Pháp, người Ý, và Khâm sử Tòa Thánh ở Huế để lấy lòng Toà thánh thì tương lai sẽ được Toà thánh tha phạt vạ bà Nam Phương.

Và quả đúng như vậy. Năm 1939, Giáo hoàng Pio (Pius) XI qua đời ngày 10-2-1939, và ngày 12-3-1939 Giáo hoàng Pio (Pius) XII lên kế vị nên đã xét lại và chấp nhận cho Bảo Đại cứ giữ đạo Phật, còn Nam Phương cứ giữ đạo Công giáo, nhưng các con khi sanh ra phải được rửa tội để nhập đạo Công giáo theo người mẹ là bà Nam Phương. Vì thế, sau đó hai vợ chồng Bảo Đại và Nam Phương đã sang ngay La Mã xin yết kiến để cám ơn Giáo hoàng Pio XII (như hình đã chụp).

Sau này, có người hỏi bà Nam Phương tại sao bà lại lấy một ông vua không có đạo, lại ăn chơi trác táng, rồi sau đó còn năm thê bảy thiệp, không kém gì những ông vua tiên đế. Bà Nam Phương trả lời là: Việc này do Chúa định, tôi biết nói làm sao được.

Còn cô Bạch Yến, khi đã biết Bảo Đại lấy vợ rồi nên cô đã được gia đình gả cho ông Phạm Đình Ái, người gốc Quảng Nam, là một kỹ sư hóa học mới tốt nghiệp ở bên Pháp về nước. Gia đình kỹ sư Phạm Đình Ái rất hạnh phúc, sau này có người con là bác sĩ Phạm Đình Vy, có thời gian làm chủ nhiệm tờ báo Tình thương là bạn đồng nghiệp với chúng tôi, hồi đó bác sĩ Vy in báo Tình thương – tờ báo của sinh viên Y khoa Sài Gòn năm 1964, tại nhà in của chúng tôi ở đường Nguyễn An Ninh, Sài Gòn.

Lý nhân Phan Thứ Lang

(trích Những câu chuyện về cuộc đời Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn)

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!