(MTD) Muốn hiểu Trịnh, cần hiểu đạo, cần đơn giản hoá mọi chuyện về với chữ tâm thuần khiết của nhân sinh. Phải chăng trong chúng ta ai cũng có một “em” như thế…
Nhạc Trịnh từ lâu vốn đã là đề tài muôn thuở của rất nhiều người, từ những người bình dân cho đến cả những thành phần tri thức trong xã hội. Mỗi người đều có những cách hiểu về ca từ trong lời nhạc rất khác nhau. Tuy nhiên, có một điều mà hầu hết mọi người đều công nhận là bản phối càng đơn giản mộc mạc bao nhiêu thì nhạc Trịnh lại càng trở nên hay hơn bấy nhiêu, có những tác phẩm chỉ cần tiếng guitar và một giọng ca đủ trầm ấm là được.
Có lẽ với nhiều người, ca từ trong nhạc Trịnh là điều gì đó rất khó hiểu, vì vậy đâm ra khó cảm. Có người lại bảo nhạc Trịnh nghe thê lương quá, sầu não quá, da diết quá… Ấy thế mà, càng trải qua thế sự, càng thấm chuyện đời chuyện đạo, người ta lại càng nghiện Trịnh, nghiện ở chính cái suy tư khó hiểu trong ấy. Có thể nói ca từ trong nhạc Trịnh chính là đỉnh cao của sự biểu đạt ngôn ngữ Việt, một cách chơi chữ đầy ẩn dụ mà rất ít người có thể đạt tới được.
Trong nhạc Trịnh, có lẽ đầu tiên phải nói đến từ “em”, một từ đã mang đến cho người nghe nhiều cảm nhận khác nhau. Để hiểu được từ “em” này thật không phải là câu chuyện đơn giản. Nói một cách khái quát, những tác phẩm của Trịnh có thể chia thành 3 mảng khác biệt:
– Thứ nhất là những bản tình ca đôi lứa, cũng giống như dòng nhạc tiền chiến thời ấy, nhân vật “em” là người tình của Trịnh, mà có lẽ phần lớn tác phẩm đều hướng về người con gái Huế tên Dao Ánh. Từ những ngày tuổi trẻ còn ở Huế cho đến khi vào học tại Quy Nhơn, rồi công tác dạy học tại xứ Bảo Lộc, hay cả khi đặt chân vào Sài Gòn hoa lệ, Trịnh luôn hướng về mối tình trăn trở với Dao Ánh.
Chúng ta có thể bắt gặp những tác phẩm như: Diễm xưa (tại Huế với câu chuyện tình chị duyên em), Biển nhớ (tại đất biển Quy Nhơn), Chiều một mình qua phố (tại xứ đại ngàn Bảo Lộc), Nắng thủy tinh, Mưa hồng, Xin trả nợ người (hai mươi năm em trả lại rồi, trả nợ một đời xa vắng vòng tay, hai mươi năm vơi cạn lại đầy, trả nợ một thời, môi vắng vòng môi)… Em trong những bản tình ca ấy chắc chắn là những cuộc tình day dứt đã đi qua đời người nhạc sĩ.
– Thứ hai là những ca khúc da vàng phản đối chiến tranh, lời hát đầy những hình ảnh đau thương mà tiếng súng đã để lại cho quê hương. Chúng ta có thể bắt gặp những tác phẩm như: Đại bác ru đêm, Hát trên những xác người, Gia tài của mẹ, Ta đã thấy gì trong đêm nay, Huế Sài Gòn Hà Nội, Người con gái Việt Nam da vàng (em chưa biết quê hương thanh bình, em chưa thấy xưa kia Việt Nam, em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn)… Nhân vật em nếu có xuất hiện trong những bài hát ấy thì có lẽ lại là sự đại diện cho phận đời phận người của những ai đã từng sống trong thời ly loạn, ngay cả quyền sống là quyền cơ bản nhất cũng chỉ là thứ xa xỉ vào thời điểm đó…
– Thứ ba là những bài ca mang âm hưởng giáo lý nhà Phật, ẩn dụ trong đó những khái niệm về giải thoát, về cõi tạm, về vô thường, về sự tu dưỡng cái tôi vọng mạn của bản thân… Chúng ta có thể bắt gặp những bài hát ấy trải dài trong suốt sự nghiệp sáng tác của Trịnh như: Cát bụi (hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi), Ở trọ (con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn, tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời), Gọi tên bốn mùa (tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người), Để gió cuốn đi (sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi), Cỏ xót xa đưa (dưới vòng nôi mọc từng nấm mồ, dưới chân người cỏ xót xa đưa), Ru tình (ru em tình như lá trăm năm vẫn quay về, môi em là đốm lửa cuộc đời đâu biết thế, xin em còn đâu đó cho tôi còn tiếng ru, ru em ngồi yên đấy tôi tìm cuộc tình cho, ru người ngồi mãi cùng tôi)…
Tại sao đã tìm cuộc tình cho em rồi mà còn ru em ngồi mãi cùng tôi? Như vậy, em có phải là một người con gái, một người tình nào đó hay chăng, hay là “em là tôi và tôi cũng là em” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Muốn hiểu Trịnh, cần hiểu đạo, cần đơn giản hoá mọi chuyện về với chữ tâm thuần khiết của nhân sinh. Phải chăng trong chúng ta ai cũng có một “em” như thế, vậy mà ta lại luôn quên mất đi sự hiện diện của em, để em đi lạc ngay trong vòng tay ta, vì ta quá đắm say vào tham sân si của cõi đời ô trược, nên ta đâu còn biết trăm năm là hữu hạn để nuôi rèn cho tâm, cho “em” được xuôi về bờ giác ngộ, để rồi tình như lá trăm năm vẫn quay về nơi xuất phát để bắt đầu vòng nhân quả mới, chẳng thể giải thoát khỏi luân hồi thường tình của nơi trọ tạm bợ thế gian…
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Xin mượn lời của chính Trịnh để kết lại bài hôm nay, xin chúc cho tất cả mọi người một năm mới an lành trong thân thể lẫn tâm hồn, cùng nhau nuôi dưỡng tình yêu cho em, cho tôi và cho tất cả chúng ta.
ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)