Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Nhà báo – cư sĩ lão thành Tống Hồ Cầm từ trần

(MTD) Nhà báo, cư sĩ Tống Hồ Cầm từ trần sáng nay, 11-3-2022 (9 tháng 2 năm Nhâm Dần) tại nhà riêng thuộc quận Tân Bình, TP.HCM, đại thọ 105 tuổi.

Nguồn tin Mây Thong Dong cho biết, lễ nhập liệm cư sĩ Tống Hồ Cầm sẽ được cử hành lúc 18h hôm nay, tại chùa Hải Quang (71/13 Nguyễn Bặc, phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM). Linh cữu cố cư sĩ sẽ được an trí tại chùa Hải Quang.

Theo chương trình tang lễ, lễ di quan sẽ được cử hành lúc 6h ngày 14-3-2022 (12-2-Nhâm Dần), sau đó trà-tỳ tại Đài hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm trong lễ thượng thọ 100 tuổi (năm 2018) – Ảnh: Bảo Toàn

Được biết, cư sĩ Tống Hồ Cầm sinh tháng 2-1918 tại Huế, trong một gia đình thuần Phật giáo và ở mảnh đất là chiếc nôi của Phật giáo với nhiều vị danh tăng. Ngay từ nhỏ, ông đã quy y Tam bảo, được Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên ở tổ đình Sắc tứ Tây Thiên (Huế) làm thầy và ban cho pháp danh Tâm Bửu.

Từ năm 1940, mới ngoài 20 tuổi ông đã viết báo, làm thơ… phản ánh thực tại cuộc sống lúc bấy giờ và được đăng trên các báo như Viên Âm, Phật giáo văn tập, Phương tiện, Phật giáo Việt Nam… Từ những bài báo cộng tác đến khi trực tiếp tham gia làm báo tại tờ Từ Quang – tiếng nói của Hội Phật học Nam Việt, ông được giao trọng trách Thư ký tòa soạn và làm việc liên tục trên 20 năm cho tới khi tờ báo đình bản sau ngày 30-4-1975.

Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia sáng lập tổ chức Gia đình Phật tử, huynh trưởng cấp Dũng Tâm Bửu Tống Hồ Cầm từ những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước đã có mặt ở Sài Gòn cùng với cư sĩ Võ Đình Cường gầy dựng tổ chức, làm báo và trở thành cánh chim đầu đàn – một trong những người anh cả của tổ chức Thanh – Thiếu – Đồng niên Phật tử Nam Việt thuở ấy.

Với vị thế của mình, cư sĩ – nhà báo Tống Hồ Cầm đã viết nhiều bài báo, đã tham gia ở nhiều cấp độ các phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ, bình đẳng tôn giáo…, có lúc đã bị chính quyền đương thời bắt giam trong những chiến dịch đàn áp, bị theo dõi… Tuy nhiên, ông bảo, trong ông có tinh thần Phật giáo thấm đẫm, được trui rèn trong thực tế cùng khí chất của người làm báo, bản lĩnh của một huynh trưởng nên “mình không có gì phải sợ hết”.

Sau pháp nạn và sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, lúc đó, tờ Từ Quang đình bản, nhưng cư sĩ – nhà báo Tống Hồ Cầm đã cùng các nhân sĩ Phật giáo tên tuổi khác như Võ Đình Cường, Nguyễn Văn Hàm được giao việc thành lập Báo Giác Ngộ vào cuối năm 1975, là tiếng nói của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố. Báo Giác Ngộ đã ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976 (lúc bấy giờ do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ nhiệm) và ông đảm trách Tổng Trị sự, sau đó Phó Tổng Biên tập phụ trách trị sự cho đến khi về hưu.

Đại diện báo Giác Ngộ thăm viếng cư sĩ Tống Hồ Cầm, khi ông ở tuổi 103 (năm 2020)

Nhắc tới ông, người ta không chỉ nhớ một nhà báo Tống Hồ Cầm, huynh trưởng Tâm Bửu mà còn nhớ đến vai trò nhà thơ với bút hiệu quen thuộc Tống Anh Nghị. Riêng ông thì tâm đắc chữ “thật” trong chính bản thân mình và trong ứng xử với mọi người, với công việc ở tất cả các cương vị, từ nhà báo, là Phó Tổng Biên tập tới người làm giáo dục với vai trò là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM trong một thời kỳ…

Tấn Khôi

Mây thong dong
Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!