Sài Gòn những ngày xưa ấy trong tôi chỉ có 2 mùa: mùa nắng nhẹ và mùa nắng to. Mỗi mùa đều có những nét riêng rất đẹp và thi vị.
Thường thì mỗi năm, mùa nắng to sẽ bắt đầu với đủ các loại trái cây rau củ từ miền Tây miền Đông kéo về ngập cả phố phường, đủ màu xanh đỏ vàng. Đến giữa năm, mùa nắng nhẹ thổi qua những cơn mưa làm cho cọng hành cũng teo táp, trái cây sầu úa, hoa cỏ cũng chả buồn khai nhụy. Mùa này, được cái phố phường mát mẻ, từng đôi tình nhân nắm tay nhau lướt đi trong mưa cũng thật dễ thương…
Mà người Sài Gòn cũng lạ lắm à nghen, nắng chẳng ưa mà mưa cũng chẳng chịu. Nhưng rồi một ngày, Covid tràn đến, Sài Gòn chỉ còn lại mỗi một mùa, mùa của “cô ấy”.
*
Một ngày đầu tháng 7, bước vào viện, vẫn vắng tênh như mọi ngày, chỉ có vài người vượt lên nỗi sợ Covid để tìm đến viện. Mỗi người có những lý do, những tâm sự khác nhau. Sau khi thăm khám và đọc kết quả xét nghiệm như thường lệ, tôi cũng không quên hỏi họ vài câu, “chỗ bác tình hình sao rồi”…
Như chực trào những xúc cảm kìm nén, họ giãi bày một cách tự nhiên những suy nghĩ trong lòng của họ… Tôi chăm chú lắng nghe cùng họ, chỉ biết im lặng lắng nghe bởi tôi cũng đâu khác gì họ để mà khuyên bảo hay động viên…
Bác ấy, tuổi đã ngoài 70, đang điều trị hội chứng thận hư, mấy ngày trước gọi hỏi tôi có thể mua giúp thuốc gửi về nhà bác ở bên kia bờ sông Tiền được không. Tôi hỏi thăm tình hình bệnh vài câu, bác nói ổn hơn nhiều lắm nên không muốn gián đoạn điều trị, nhưng đi Sài Gòn về phải cách ly 21 ngày. Tôi nói thôi ở yên đó đi, rồi tôi gửi thuốc về như cách mà tôi đã làm cho những bệnh nhân khác ở các tỉnh…
*
Sáng nay, vừa vào viện, khoác xong áo blouse, tôi nghe chị điều dưỡng báo lại có bệnh nhân nào ở Bến Tre đợi gặp em. Bác bước vào nói như muốn khóc, lên gặp được bác sĩ mừng quá, cứ sợ thuê nguyên chiếc xe lên đây mà không gặp.
“Bác sĩ điều trị xong cái gì cũng ổn, bệnh tiêu hoá và xương khớp mấy năm nay chạy khắp nơi cũng không khỏi mấy. Cho đến khi gặp bác sĩ điều trị cho cái thận cái tự nhiên ổn hết trơn, lỡ bác sĩ nghỉ hưu hay không làm viện nữa tôi biết tìm ở đâu”, bác bệnh nhân nói.
Tôi nghe mà chợt sững lại vài phút, chẳng phải vì câu khen ngợi của bác ấy, mà vì tôi cảm nhận được nỗi sợ hãi trong bác lúc này. Thiệt ra, bác không có sợ dịch, bác sợ bác sẽ không ổn vì cái bệnh mạn tính của bản thân – cái bệnh mà không hề dễ dàng trong hành trình tìm nơi để điều trị. Rồi bây giờ, mùa Covid cắt ngang, như muốn cướp mất chiếc phao của bác…
*
Anh ấy, khoảng trạc ngoài 30 tuổi, dẫn mẹ từ bên kia sông Đồng Nai lên Sài Gòn tái khám suy thận mạn. Quãng đường ấy hôm nay sao mà xa dịu vợi. Mẹ anh ấy đã ngưng thuốc một tuần, giờ nghe tin từ tuần sau phải có PCR âm tính mới qua được cầu Đồng Nai; tình trạng này có thể duy trì không biết bao lâu nên phải vội vã lên ngay. Hai mẹ con anh cũng không có sợ dịch, họ sợ một điều gì khác…
Chú ấy, người Sài Gòn lên tái khám phì đại tuyến tiền liệt. Vừa ngồi xuống, chú nói ngay với tôi: “Chú thấy chưa biết dịch có chết không, chứ xung quanh nhà chú nhiều người đói quá rồi, nào nợ ngân hàng, nào tiền sinh hoạt ăn uống, nào người thân ở quê ngóng đợi…”.
Ai cũng dần dần đi vào con đường kiệt quệ, trong khi hành trình chống dịch thì vẫn cứ miệt mài. Những con người, những tâm sự khác nhau…
*
Đâu đó, tôi vẫn nghe người ta lên mạng ca ngợi những anh hùng của ngành y tế xông pha nơi đầu tuyến. Nhưng liệu chúng tôi, những người đang gọi là xông pha nơi đầu tuyến có thật đúng là những anh hùng của nhân dân lao động hay chăng? Hay anh hùng với họ chính là những người vô danh, chẳng xông pha đâu cả, nhưng sẵn sàng chia sẻ cùng họ từng chén cơm bát nước, từng xu từng hào để dìu nhau qua cái khốn khó trong mùa Covid.
Ta chỉ làm, nhưng chưa thật sự nghĩ đến cảm xúc và lắng nghe tiếng nói từ đáy lòng của họ. Họ là những lao động chạy ăn từng bữa, đợi chờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng, vì phong toả đến đâu là họ co cụm lại tới đó. Họ sợ hãi với cái nghèo khổ vật chất, với cái bệnh mạn tính thật sự mà họ đang mang, đâu còn có tâm tư lên mạng mà gõ phím anh hùng, nên nào mấy ai hiểu được…
Chỉ mong mùa Covid hãy qua nhanh, ít nhất là trong tâm tưởng của mỗi con người!
Sài Gòn, 2-7-2021
ThS BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM)