Chúng ta đang sống trong đời sống hiện đại, con người càng hiện đại thì nhu cầu càng cao. Họ tạo ra mọi tiện nghi để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đa diện của mình. Nhưng kéo theo đó là những hệ lụy như môi trường ô nhiễm, các hóa chất độc hại, thay đổi khí hậu và gần đây nhất là dịch bệnh và những chủng siêu vi nguy hiểm.
Con người cảm thấy bất an khi có bất cứ nhu cầu nào của mình không được thỏa mãn rồi từ đó trở nên nóng vội, sợ hãi, đôi khi trở nên nhẫn tâm. Chính những điều này mới gây ra những khủng hoảng và sụp đổ trong tâm lý cũng như thể chất của con người.
Chúng ta hiểu rằng không có điều gì xảy đến với mình mà không có nguyên nhân. Đó là chân lý trong thực tại, là người thầy tận tụy giúp chúng ta nhìn lại và quán chiếu đời sống của mình một cách minh bạch. Những được-mất trong cuộc đời mình xét cho cùng là sự phản ánh cái nhân được tích lũy trong muôn nghìn kiếp trước. Nếu bản thân mình không hiểu được quy luật nhân quả, hay đặt mình ra bên ngoài khỏi chuỗi quy luật này, chúng ta dễ thường có thói quen hành động vội vàng theo những nhận định chủ quan của mình.
Chúng ta cần nghỉ ngơi, cần phải hít thở. Và Trái đất của vậy, hành tinh của chúng ta cũng cần những khoảng lặng nào đó để phục hồi. Và trong tiến trình đó, việc chúng ta có thể làm là bình tĩnh, nhẫn nại và can đảm. Chúng ta bình tĩnh trong tâm mình để không phán xét mọi việc bên ngoài bản chất tự nhiên của đời sống và vô thường, vô ngã. Chúng ta cần nhẫn nại để theo dõi trọn vẹn tiến trình vận hành và khám phá bản chất của tự nhiên, của vũ trụ, để thoát khỏi vô minh. Chúng ta can đảm và chân thành đón nhận những được-mất, đến-đi như những bài học cần thiết để hiểu được từ bi và giác ngộ.
Nhờ những đức tính đó, chúng ta mới có thể gỡ xuống những phiền não trong lòng mình, rồi từ đó mới có thể mỉm cười trong loạn lạc, an lạc trong dòng đời biến hóa. Khi nhận ra hoàn cảnh bên ngoài là bản chất tất yếu, là sự vận hành tự nhiên, chúng ta có thể quay trở về nhìn nhận và thức tỉnh hành vi của mình. Việc bình thản đón nhận chúng mà tâm không hề mảy may dao động, đó là cảnh giới của người biết sống trong thực tại.
Một cách đơn giản, việc chúng ta có thể làm lúc này là để tâm mình nghỉ ngơi hoàn toàn, dù chỉ một lát thôi, cũng được. Tâm an lạc không xuất phát từ sự thúc ép muốn thoát ra khỏi hiện thực đau khổ, cũng không được tạo ra từ những phương tiện duy ý chí mà bản thân mình đang hướng đến. Vì những điều đó, sau một lúc, lại quay trở lại khiến bạn còn cần chúng hơn bao giờ hết.
Đức Phật có dạy cảnh giới cao nhất của tâm là tâm không, vô tướng, vô tác, vô cầu. Chính khi rỗng lặng vô tâm thì những điều kỳ diệu có thể xảy ra. Đó là khi tâm bạn thoát ra được những ý định toan tính, buông xả những được-mất, đến-đi và những cái ta đầy tham vọng. Đó là khi tâm bạn không dích mắc vào quá khứ, hiện tại hay vị lai, tức là nó an nhiên mà không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào.
Nếu Trái đất cần được nghỉ ngơi, thì sao ta phải gắng thúc ép tâm trí mình đến mức mệt mỏi đến sợ hãi? Khi để tâm mình nghỉ ngơi thì tự khắc nó trở nên trong sáng, lành lặn, trọn vẹn, cũng như Trái đất cần được phục hồi để có thể trở nên tốt đẹp hơn!
Xin được chép lại những câu thơ của thầy Viên Minh mà tôi luôn tâm đắc:
“Xin trả chim đôi cánh
Đôi cánh nhẹ bay xa
Ta trở về lặng lẽ
Một mình ngắm mây qua.”
Tháng 7-2021
Nguyễn Đinh Khoa
—-
(*) Bài viết có mượn ý từ bài giảng “An nhiên vô sự” và “Bình thản đón nhận” của thầy Viên Minh, trích “Sống trong thực tại”, NXB Hồng Đức, năm 2015