Chị bảo, đã cải biến câu “Ông ăn chả, bà ăn nêm” – mà người ta dành để chỉ cho việc lún bùn của nhiều đôi vợ chồng trong chuyện thiếu thủy chung – để giữ mình bình an. Đó là “ông ăn chả, bà ăn chay”.
Ông ăn chả thì đã rõ. Chị chia sẻ, đàn ông đa số có rồi vẫn muốn có thêm, thêm nữa; tất nhiên, để lựa chọn cuối cùng thì đáp án đa số vẫn là gia đình, vợ con. Khi biết chồng mình lập “phòng nhì”, có bồ nhí… ở đâu đó, người phụ nữ nào cũng thấy tim mình như vỡ vụn ra. Ờ, thì có nỗi đau nào bằng bị phản bội, bị người mình tin yêu lừa dối? Chị nói, rồi kể về cuộc sống như tù ngục của chính mình khi biết “ba cu Bin” ngoại tình với một đồng nghiệp mà người phụ nữ ấy chị cũng có biết vì đã gặp đôi lần. Cô ấy cũng đã có chồng con, “phụ nữ có người cũng kỳ thiệt, tệ thiệt”, chị kể.
Mình biết được và đã từng nghĩ sẽ trả thù chồng bằng nhiều cách, trong đó có việc sẽ tìm ai đó để có quan hệ ngoài luồng, để chồng hiểu cảm giác bị phản bội.
Trong nhiều đêm suy nghĩ, muốn “ăn nêm” cho bõ ghét, nhưng rồi chị được mẹ mình khuyên lơn ân cần, rằng làm như vậy là tan nát gia đình. Rồi cu Bin sẽ thế nào đây khi cháu biết được cả ba và mẹ mình đều vô trách nhiều, đều không tôn trọng nhau, không giữ gìn phẩm giá của mình. Bà ngoại Bin dẫn dắt câu chuyện và đặt vấn đề: “Rồi con sẽ ngoại tình với ai? Với một chàng trai trẻ tuổi, chưa vợ? Chắc chắn không có chàng thanh niên nào lại chấp nhận làm tình nhân cho một “chị già”. Còn với người đàn ông đã có vợ? Thì con sẽ lại là nguyên nhân khiến một người phụ nữ khác lâm vào cảnh khổ đau vì chồng thiếu thủy chung. Bản thân con là nạn nhân của chuyện này thì con phải hiểu và càng không nên tạo ra bi kịch cho gia đình người khác”.
Lời người mẹ thủ thỉ đã khiến chị ngộ ra, và “bà ngoại cu Bin” đã dặn chị phải sống tốt, vững chãi để người chồng không thủy chung nhận ra sai lầm của mình. Đàn ông ai cũng ham vui chốc lát, khi họ hiểu ra và được bao dung thì sẽ trân trọng gia đình, hết lòng với vợ con. Chị không dám hy vọng điều đó, nhưng chị vẫn thay đổi suy nghĩ của lúc đầu còn nóng nảy, buồn đau.
Ăn chay trong cải biến của chị không phải là ăn chay theo kiểu dưỡng sinh hay một truyền thống tôn giáo nào đó mà chính là sống có trách nhiệm như lời mẹ chị khuyên. Trầm mình vào nỗi đau bị bội phản rồi hành động nông nổi, làm xấu bản thân mình, bỏ bê con cái trong những lúc như vậy còn tệ hơn… ăn mặn, sẽ làm hỏng một đứa trẻ, nhất là đứa trẻ ấy là con trai của mình.
Chị bừng sáng, nhìn xung quanh và rút ra một lưu ý rằng, không có gia đình nào tốt đẹp khi cả hai vợ chồng sống buông thả theo bản năng, thỏa mãn dục vọng bản thân. Có thể có những gia đình khiếm khuyết một trong hai người (ba hoặc mẹ), nhưng người còn lại là tấm gương sáng về đức hy sinh, sự chịu khó, thủy chung, can cường thì đứa con ấy sẽ lớn lên tử tế, có đời sống nhân hậu, có trách nhiệm hơn một đứa trẻ lớn lên trong gia đình đủ hình thức nhưng nội dung đã loang lổ, rách nát. Vì mỗi đứa trẻ như tờ giấy trắng, và vì gần đèn thì sáng.
Chị kết luận, “ăn chay” không phải vì muốn giữ chồng, bởi một khi người đã muốn đi, giữ không thể nào được, sống tốt là vì mình và vì con!
Trường An
Bạn có kỷ niệm nào đẹp về tình yêu? Hoặc câu chuyện tình yêu lãng mạn nào khó quên, đang trải? Hãy gửi chia sẻ với Mây Thong Dong với chủ đề Chuyện tình đẹp – qua email: maythongdong.coffee@gmail.com.