(MTD) Có một sự thật là, đêm đêm khi tĩnh tọa, âm thanh của sự sống luôn văng vẳng bên tai mình…
1.
Có một việc nhân loại ai cũng đều phải trải qua, dù người nghèo hèn hay giàu có, bậc hiền triết hay kẻ vô danh, đó chính là cái chết. Cái chết có từ khi chúng ta được sinh ra. Phía dưới vành nôi chính là nấm mồ.
Tuy nhiên, con người rất ít khi nói về cái chết. Sợ hãi, âu lo, tiếc nuối, dường như là tâm trạng chung của bất kỳ ai khi nói về điều này.
2.
Năm mình học lớp 12 [18 tuổi], lần đầu tôi chứng kiến cảnh người ta hấp hối. Đó là mẹ của bạn học mình. Mẹ bạn ấy bị ung thư đại tràng. Giây phút cận tử, bà rất đau đớn, khóc la rất thảm thương, đôi mắt tràn đầy sự sợ hãi. Người thân vây quanh giường bà, mình đứng bên cửa sổ nhìn vô. Bà la khóc đến liệm đi, người thân chích thuốc hồi sinh cho bà đến 3 lần. Lần nào tỉnh lại bà cũng nói là bà muốn đánh đổi hết tài sản để được sống. Nhưng bà đã mãi mãi ra đi, ra đi trong sự đau đớn và đầy sợ hãi.
Trong đời sống hằng ngày, tôi luôn thực hành để biết rằng cái chết có thể đến với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Tôi cứ nghĩ mình luôn sẵn sàng cho chuyện đó, để khi nó đến mình sẽ ra đi nhẹ nhàng không hối tiếc.
Thế nhưng, sự thật không phải như vậy.
Có lần, trong một giấc mơ, mình mơ thấy mình bị nhấn chìm trong biển nước. Giây phút biết mình cận kề cái chết, chấm dứt sự sống, phải đi sang một nơi khác không biết là nơi nào… tôi bỗng tràn đầy nỗi sợ hãi. Thức dậy mà nước mắt vẫn còn giàn giụa.
Năm 21 tuổi, có lần tôi tự đưa mình vào trạng thái sẵn sàng trải nghiệm cái chết để kiểm nghiệm xem liệu mình có còn sợ hãi như đã mơ không, hay hoàn toàn có thể buông bỏ và ra đi. Hồi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu thở không đúng, máu và oxy không lên não được thì mình sẽ chết.
Mình nằm xuống, sau nhiều ngày không ăn, vẫn tỉnh táo, ở giữa trạng thái đi vào giấc ngủ, nhưng hoàn toàn ý thức được việc đó, tôi nghĩ về việc ra đi.
Tôi dần chìm xuống, bắt đầu rời bỏ cơ thể, tim mình lúc đó từ từ yếu dần, từ từ cảm nhận các cơ tay và chân dần tê cứng. Tôi không thở đâu đó chừng vài nhịp. Bạn có thể coi như mình bị rối loạn nhịp thở hay mắc bệnh thiếu oxy vào não. Lúc đó tôi nghĩ: ‘Đây có phải thực sự là thời điểm đó không?’. ‘Không, không phải, đây là mình tự cố ý chấm dứt sự sống, chứ không phải xảy đến tự nhiên’. Tôi không thấy sợ như mơ, nhưng hối tiếc trỗi dậy, tôi biết mình vẫn chưa sẵn sàng cho cái chết. Và đã trở lại, lấy lại hơi thở, tay chân dần dần cử động…
Năm 2013, thời điểm này tôi bắt đầu ăn trường chay và biết đến thiền. Mỗi tối, tôi luôn dành 30-40 phút ngồi tĩnh tâm trước khi đi ngủ. Lần đó, sau khi ngồi xong, tôi nằm xuống thư giãn, tự nhiên mình rơi vào trạng thái yên lặng lạ kỳ, linh hồn từ từ rời khỏi thân xác, tách ra và đứng gần đó. Tôi cũng không biết đó gọi là trạng thái gì, nhưng tôi biết trong sát-na đó, nếu mình quyết định đây là thời điểm, là mình sẽ mãi mãi nằm lại đó… Tôi chấp nhận tình huống rằng không có đời sống khác sau khi chết, chấp nhận dù cho trở thành hư vô,… mình cũng ổn. Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn trở lại, vẫn còn cái gì đó vướng mắc.
Tôi rơi vào trạng thái này vài lần sau đó, nhưng lần nào mình cũng trở lại… Không dễ dàng để ra đi khi thời điểm đến.
Chúng ta không biết khi nào là thời điểm cho đến khi nó xảy ra. Chúng ta cứ tưởng rằng sự không biết vô minh đó khiến chúng ta sợ hãi. Nhưng ngay cả khi đã chuẩn bị, lòng mình vẫn đầy chấp nối.
3.
Thời điểm này, ngày ngày tin tức đều đưa tin về dịch bệnh Covid-19. Trong vùng kết nối của mình, nhiều người đã chuyển ảnh đại diện sang màu đen. Tôi chỉ muốn ghi lại những trải nghiệm cá nhân một chút về cái chết, rằng không dễ dàng để ra đi khi thời điểm đến. Tận sâu trong chúng ta luôn chất chứa sự tiếc nuối và sợ hãi.
Có thể nói, tất cả chúng ta ai cũng đều biết rằng mình đang đi đến cái chết, dù có dịch bệnh hay không. Đây không phải là tin thời sự. Tuy nhiên chúng ta chưa nhận ra rằng, thời điểm cái chết của chúng ta là khi nào mà thôi.
Nhưng có một sự thật là, đêm đêm khi tĩnh tọa, âm thanh của sự sống luôn văng vẳng bên tai mình.
Ngô Đồng