(MTD) Đôi khi mình tự hỏi: Vì sao người ta lại chen chân đi mua thực phẩm để trữ như vậy? Tại sao người ta sợ-đói đến mức phải dự trữ đầy gạo, mì, trứng ở trong nhà?
1.
Có một con chuột trong phòng thí nghiệm, người ta tác động đến nó với những kích thích.
Đầu tiên, người ta giật điện nó. Và tất nhiên, nó rất sợ và đau.
Sau đó người ta vừa giật điện, vừa cho chuột ngửi mùi hoa anh đào. Chuột sợ và đau với cú giật điện đó, đồng thời còn ngửi thấy mùi hoa anh đào.
Sau một thời gian, người ta không cần giật điện, chỉ cần cho con chuột này ngửi mùi hoa anh đào, thì con chuột vẫn sợ y như lúc bị giật điện.
Đây là phản xạ có điều kiện. Giật điện ban đầu là kích thích thứ nhất. Mùi hoa anh đào là kích thích thứ hai. Sau này tắt đi kích thích thứ nhất, chỉ cần kích thích thứ hai thì chuột vẫn có phản ứng như thường.
2.
Cho chuột mẹ này sinh sản. Các chuột con sau này chỉ cần ngửi mùi hoa anh đào thì nó vẫn sợ như là chuột mẹ sợ, dù chuột con không hề bị tác động kích thích nào giống chuột mẹ ban đầu.
Các thế hệ chuột con, chuột cháu sau này cũng tương tự. Và nỗi sợ mùi hoa anh đào được di truyền qua các thế hệ.
Người ta tiến hành mổ não chuột con và chuột mẹ thì nhận ra trong não bộ vùng não ‘nhận điện mùi hoa anh đào’ ở chuột con và chuột mẹ là giống nhau.
Kết luận là cảm xúc sợ hãi này đã được di truyền.
3.
Con chuột được xem như ‘linh vật’ trong nghiên cứu khoa học, góp phần rất lớn trong việc thử nghiệm và sáng chế rất nhiều phương thuốc, vắcxin cho con người.
4.
Đôi khi tôi tự hỏi: Vì sao người ta lại chen chân đi mua thực phẩm để trữ như vậy? Tại sao người ta sợ-đói đến mức phải dự trữ đầy gạo, mì, trứng ở trong nhà?
Giờ thì tôi có thể tự trả lời cho mình được rồi. Nó đôi khi không phải là ‘nỗi sợ’ của mình, mà là ‘nỗi sợ’ của các thế hệ đi trước, ‘nỗi sợ’ của tiên tổ.
Bởi vì trong quá khứ, dân tộc ta đã từng trải qua nạn đói, phải ăn độn bo bo, củ chuối, khoai mì,… Hàng triệu người đã chết vì đói là sự kiện mà ngày nay vẫn còn hằn in trong tâm thức hàng triệu người.
Rất nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, cảm xúc được di truyền. Cho nên, dù thế hệ chúng ta, thực phẩm dồi dào phong phú, hàng cứu trợ chất đầy các ngõ hẻm, và có lẽ chưa ai phải chết vì đói; nhưng nỗi-sợ-đói có lẽ vẫn le lói trong tâm thức của nhiều người?
Cái gì cũng có nguyên do của nó.
5.
Thiên tai, bệnh dịch cũng vậy. Nó không tự dưng mà có. Nó là hậu quả của lối sống lệch lạc thiếu-tôn-trọng-tự-nhiên và thiếu-đức-độ-diện-rộng.
Diệt trừ dịch bệnh, bên cạnh những việc cần gấp để cứu chữa người, ‘bài thuốc’ chống dịch hiệu quả dài lâu chính là: diệt Tham-Sân-Si trong gốc rễ mỗi con người; phát triển tình thương và lòng từ bi.
… Ờ mà cái gì càng chống thì càng trầy á. Chống chiến tranh sẽ có chiến tranh, chống thiên tai thì thiên tai ập đến, dịch bệnh càng chống thì càng lan rộng,… Cho nên, con đường duy nhất vẫn là phát triển tình thương và lòng từ bi.
Mọi-oan-kết-trên-đời-đều-có-thể-hóa-giải-bằng-tình-thương-và-lòng-từ-bi!
Ngô Đồng
* Tác giả là một nhà báo, một thiền sinh ăn chay trường