(MTD) Có một vị sư lên núi lấy củi, trên đường về ông gặp một cậu thanh niên nọ đã bắt được một con bướm và cố giữ nó giữa hai bàn tay úp vào nhau.
– Thấy vị sư, cậu ta cất lời: “Thưa thầy, cháu và ngài đánh cược một ván được không? Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, thì bó củi ấy sẽ thuộc về cháu”.
(Cậu thanh niên nghĩ trong lòng: dù thầy ấy có trả lời “sống” hay “chết” thì cũng đều thua cuộc mà thôi. hi hi).
– Vị sư đồng ý và trả lời: “Con bướm trong tay cháu chết rồi”.
– Cậu thanh niên đáp: “Ngài đoán sai rồi”.
Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ lòng tay bay đi.
– Về nhà, cậu thanh niên kể lại với cha mình với vẻ đắc thắng, người cha nghe xong, nói với giọng trách móc: “Con ơi, con hồ đồ quá, con nghĩ là mình đã thắng sao? Con không hề biết mình đã thua đấy”.
– Nghe người cha nói vậy, cậu ta ngơ ngác không hiểu.
Hai cha con vội mang bó củi đến chùa trả lại.
– Nhìn thấy vị sư, người cha thưa: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ”.
Vị sư gật đầu, mỉm cười và… không nói gì.
– Trên đường về, người cha giải thích cho cậu con trai rằng: “Vị sư đã cố ý đoán con bướm đã chết, vì như thế thì con mới thả con bướm được sống. Vị sư chấp nhận mất bó củi để đổi lấy mạng sống của con bướm. (Nếu vị sư đoán con bướm còn sống thì cậu thanh niên sẽ nhanh tay bóp chết con bướm kia).
Vị sư thua cuộc, mất củi, nhưng có được thứ giá trị hơn rất nhiều đó là lòng từ bi đối với mọi loài.
Qua câu chuyện trên, tôi nghiệm ra rằng, đôi lúc ta cứ tưởng mình thông minh, nhưng hóa ra vẫn còn ngô nghê lắm, ta tưởng mình “chiến thắng”, mưu lược hơn người nhưng hóa ra lòng nhân từ, cao thượng, vị tha của ta vẫn còn non kém… như là cậu thanh niên trong câu chuyện trên vậy.
Nhuận Thường