(MTD) Hơn 33 triệu chiếc đũa cũ đã được tái chế thành những vật dụng hữu ích như bàn, tủ, nền gạch và cả sàn cầu thang…
Tại Canada, có một doanh nghiệp nhỏ ở Vancouver có tên ChopValue đã áp dụng hình thức “Upcycling – tái chế sáng tạo” những chiếc đũa đã qua sử dụng thành các kệ tủ, các loại thớt và một số nội thất khác.
Vài lần/tuần, nhân viên của ChopValue sẽ thu thập những phần đũa đã qua sử dụng từ hơn 300 hàng quán ở Vancouver. Thông thường, họ thu thập được từ 100-150kg đũa/ngày. Thậm chí, trong khoảng thời gian trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có ngày họ còn thu được 300kg đũa đã qua sử dụng.
Felix Böck, người thành lập ChopValue, cũng chính là người đã sáng tạo và khởi động dự án tái chế đũa qua sử dụng, gọi nơi này là một “microfactory” – một nhà máy kích thước nhỏ có thể sản xuất các sản phẩm kích thước nhỏ. Nhà máy có ưu điểm là tiết kiệm lượng lớn tài nguyên như không gian, năng lượng, vật liệu và thời gian.
Ý tưởng được nảy sinh trên bàn ăn sushi, khi cô Thalia Otamendi, hiện là hôn thê của anh, nói: “Felix, có lẽ anh chỉ cần bắt đầu với một cái gì đó nhỏ thôi. Và đó có thể đó là đôi đũa”.
Felix bắt đầu lên ý tưởng vào ngày hôm sau, phác thảo kế hoạch cho ChopValue, một công ty khởi nghiệp nhằm tái sinh cho những chiếc đũa đã qua sử dụng.
Các kế hoạch sớm trở thành hành động: đưa các thùng rác tái chế tới các nhà hàng trên khắp Vancouver, hoàn thiện các phương pháp làm sạch đũa và phát triển quy trình để biến đổi những chiếc đũa – hầu hết được làm từ tre – thành các món đồ gia dụng tuyệt đẹp, từ giá đỡ máy tính bảng đến mặt bàn.
Ở ChopValue, một số mẫu bàn được làm từ những miếng gỗ “đũa tái chế” có giá dưới 1.000 đô la, rẻ hơn gấp 3 lần so với loại bàn tương tự của Ikea. Về chất lượng có thể nói là tương đương như chiếc bàn làm từ gỗ nguyên khối.
ChopValue cũng nhận những đơn hàng gia công theo yêu cầu. Họ có thể làm những mẫu mặt bàn lớn hay kể cả là những mẫu mặt bàn thường sử dụng trong các phòng học, cùng rất nhiều đồ vật tương tự khác.
Dự án “tái chế đũa gỗ đã qua sử dụng” của ChopValue bước đầu được thực hiện chỉ để làm ra những miếng lót ly, thì tới nay, Công ty đã thực hiện việc nhượng quyền thương mại công nghệ tái chế này tại 3 thành phố ở Bắc Mỹ, một sự phát triển vượt mong đợi.
Tại ChopValue, trọng tâm là xuất khẩu mô hình của họ. Mục tiêu của chàng trai 31 tuổi là một mạng lưới nhượng quyền thương mại, nơi những đôi đũa có thể được thu gom từ các nhà hàng địa phương, được xử lý tại nhà xưởng gần đó và thành phẩm được bán ngay tại địa phương.
Các sản phẩm lót ly vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của ChopValue, cùng với hơn 30 loại sản phẩm khác cũng được làm từ đũa tái chế mà hãng đã thiết kế và bán ra thị trường.
Dưới đây là một số quy trình thực hiện từ công đoạn tái chế đến cho ra lò thành phẩm:
Du Mục tổng hợp
(ảnh: ChopValue, Insider)